Cánh đồng lúa chín vàng nhìn từ đỉnh Hang Múa. Ảnh: Minh Đức - TTXVN |
Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động nằm trong vùng lõi của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới - Quần thể danh thắng Tràng An. Đầu năm 2018, hình ảnh cánh đồng lúa chín vàng rực nổi bật giữa những dãy núi đá vôi sừng sững hai bên dòng sông Ngô Đồng của Tam Cốc - Bích Động cũng xuất hiện trong danh sách 50 điểm đến hấp dẫn nhất năm 2018 của Tạp chí Business Insider. Đồng thời, khu du lịch này còn nổi tiếng với làng nghề thêu truyền thống Văn Lâm có lịch sử hàng trăm năm. Cảnh sắc thiên nhiên kết tinh với truyền thống văn hóa đã đưa Tam Cốc - Bích Động trở thành một điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động được tỉnh Ninh Bình lựa chọn để xây dựng trở thành điểm sáng về văn minh, văn hóa và an toàn, phấn đấu đưa nơi đây trở thành điểm nhấn như “Phố cổ Hội An” của du lịch Ninh Bình.
Cánh đồng lúa chín vàng nhìn từ đỉnh Hang Múa. Ảnh: Minh Đức - TTXVN |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Đinh Chung Phụng cho biết, Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động được biết đến là một trong những cánh đồng đẹp nhất Việt Nam, là thương hiệu du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước. Nơi đây có sức lan tỏa và hội tụ của nhiều loại hình tham quan du lịch như du lịch sinh thái, tâm linh, văn hóa, cộng đồng, là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều hãng lữ hành du khách trong nước và quốc tế. Thời điểm ấn tượng và hấp dẫn nhất đến với Tam Cốc - Bích Động là khoảng thời gian tháng 6 hàng năm, khi sắc vàng lung linh tỏa hương thơm của cánh đồng lúa chín như thảm lụa rực rỡ, nằm hai bên bờ sông Ngô Đồng thơ mộng, chảy giữa những dãy núi đá muôn hình, vạn khối; luồn qua hang Cả - hang Hai - hang Ba vươn tới đền Suối Tiên. Không chỉ mang đến vẻ đẹp thẩm mỹ, giá trị địa chất địa mạo, Tam Cốc - Bích Động - Tràng An còn ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất Cố đô, in dấu tích của người tiền sử cách đây hàng vạn năm.
Tỉnh Ninh Bình tổ chức Tuần du lịch 2018 nhằm khai thác hiệu quả, giá trị riêng có của Tam Cốc, đưa những sản phẩm du lịch độc đáo hấp dẫn của Ninh Bình tới du khách trong và ngoài nước. Đây cũng là cơ hội để Ninh Bình trao đổi hợp tác về văn hóa và du lịch với các địa phương khác. Giai đoạn 2012-2017, lượng khách du lịch đến Ninh Bình tăng bình quân 14,5%/năm; trong đó riêng năm 2017, khách du lịch đạt trên 7 triệu lượt, doanh thu du lịch đạt trên 2.500 tỷ đồng.
Thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hợp tác của các bộ, ngành, các doanh nghiệp lữ hành để phát huy tiềm năng, thế mạnh, ngày càng thu hút khách du lịch, tạo nhiều việc làm cho người dân, tăng doanh thu du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đến năm 2030 du lịch Ninh Bình thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Đền vua Đinh được xây dựng theo kiểu đăng đối trên trục thần đạo. Bắt đầu từ hồ bán nguyệt và kết thúc ở Chính cung. Hồ bán nguyệt xây dựng theo kiểu kiến trúc cung đình xưa. Ảnh: Minh Đức - TTXVN |
Theo Ban tổ chức Tuần du lịch Ninh Bình 2018 “Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An”, những năm gần đây, một số công ty lữ hành đã khai thác tour du lịch về Ninh Bình ngắm “Sắc vàng Tam Cốc” tuy nhiên lượng khách đến và lưu trú ở Ninh Bình chưa cao do thời điểm này là mùa du lịch biển, mùa du lịch thấp điểm của Ninh Bình. Một số khách du lịch chưa biết thông tin chính xác về thời điểm lúa chín nên thường lỡ hẹn với khoảnh khắc đẹp của “Sắc vàng Tam Cốc”, do đó giá trị di sản của Ninh Bình chưa được khai thác hiệu quả. Ninh Bình tổ chức Tuần du lịch năm 2018 góp phần tạo dựng một sự kiện quảng bá xúc tiến, kích cầu du lịch vào mùa thấp điểm và như vậy “Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An” sẽ trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của Ninh Bình.
Du khách tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm truyền thống của Ninh Bình. Ảnh: Hải Yến - TTXVN |
Trọng tâm của sự kiện Tuần du lịch Ninh Bình là các hoạt động diễn ra tại khu vực Tam Cốc - Bích Động, dọc 2 bên sông Ngô Đồng, thuộc tuyến du lịch Đình Các - hang Cả - hang Hai - hang Ba. Tuần du lịch Ninh Bình năm 2018 có 9 hoạt động chính được tổ chức tập trung tại Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động. Trong đó, trọng tâm là một số hoạt động tiêu biểu giới thiệu đến du khách về giá trị văn hóa, ẩm thực, các sản phẩm truyền thống đặc sắc của địa phương như phố đi bộ và chợ ẩm thực Tam Cốc; triển lãm ảnh nghệ thuật “Mùa vàng Tam Cốc -Tràng An”; trình diễn và trưng bày các sản phẩm thủ công truyền thống của địa phương. Chương trình biểu diễn múa rối nước, hát chèo, hát xẩm theo khung giờ cố định 4 lần/ngày trong tất cả các ngày diễn ra Tuần du lịch, trên tuyến du lịch bến thuyền Đình Các - Tam Cốc, bố trí các điểm biểu diễn 4 loại hình nghệ thuật khác nhau tại Đình Các, Bến Thánh, hang Cả, hang Hai, hang Ba.
Bà Dương Thị Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết, cùng với tài nguyên tự nhiên, tài nguyên văn hóa là một trong những điều kiện đặc trưng của du lịch Ninh Bình. Vì vậy, trong Tuần du lịch, bên cạnh các nét đẹp tài nguyên nhiều du khách được thu hút và ấn tượng bởi nét đẹp của giá trị văn hóa, sản phẩm truyền thống của địa phương. Đặc biệt phố đi bộ trưng bày một số sản phẩm truyền thống như tranh thêu, đồ may mặc thêu Văn Lâm, đá mỹ nghệ Ninh Vân và một số món ăn nổi tiếng của địa phương như cơm cháy được đông đảo du khách quan tâm và đặt mua. Đây là cơ hội thúc đẩy ngành kinh tế du lịch phát triển tạo việc làm nhiều cho nhân dân địa phương và tăng nguồn thu cho ngân sách.
Gian hàng trưng bày sản phẩm truyền thống của Ninh Bình. Ảnh: Hải Yến - TTXVN |
Sự kiện Tuần du lịch Ninh Bình đã thu hút đông đảo các công ty lữ hành trong và ngoài nước, hiện đã có hơn 100 công ty lữ hành đăng ký tham gia, trong đó có một số công ty lữ hành tới từ Nhật Bản. Ngành Du lịch cũng hy vọng với sự “kích cầu” này, các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực du lịch tại địa phương sẽ có thêm nhiều hoạt động để khắc phục mùa thấp điểm của du lịch Ninh Bình.
Du khách Bế Cao Chuyển đến từ tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: Đây là lần đầu tiên tôi đến Ninh Bình tham quan, tôi không chỉ ấn tượng bởi các tài nguyên thiên nhiên, phong cảnh, di tích địa mạo của các khu du lịch mà còn ấn tượng bởi các hoạt động văn hóa diễn ra ngay trên sông nước như hát chèo, hát xẩm khiến cho du khách vừa mê đắm trong phong cảnh hữu tình vừa được thư giãn bằng tiếng hát "say" lòng người. Bên cạnh đó, một số sản phẩm truyền thống do chính người địa phương gia công như đá mỹ nghệ Ninh Vân, tranh thêu Văn Lâm gây ấn tượng bởi sự tỉ mỉ và đặc trưng riêng. Tôi mong muốn Ninh Bình sẽ duy trì các hoạt động này để du khách cả nước có thể vừa thưởng ngoạn phong cảnh vừa được trải nghiệm nét đẹp văn hóa địa phương.