Khách du lịch trong nước và quốc tế tham quan, nghỉ dưỡng tại đảo Cát Bà, TP.Hải Phòng. Ảnh: An Đăng - TTXVN |
Tuy nhiên, ngành du lịch thành phố vẫn còn những hạn chế như: chưa có điểm du lịch, khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, mua sắm tầm cỡ quốc gia, khu vực. Sản phẩm du lịch chưa được đầu tư chiều sâu, chủ yếu dựa vào giá trị sẵn có, chưa có sản phẩm du lịch độc đáo, có sức hấp dẫn và tính cạnh tranh cao. Hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch chưa chuyên nghiệp, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành kinh tế liên quan để tạo ra chuỗi dịch vụ hoàn chỉnh.
Phà Gót, một trong những tuyến giao thông đường thủy huyết mạch phục vụ khách tham quan đến đảo Cát Bà. Ảnh: An Đăng - TTXVN |
Để thúc đẩy ngành du lịch phát triển, doanh nghiệp giữ vai trò quan trọng hàng đầu. Song các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này của Hải Phòng chủ yếu là vừa và nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp. Theo bà Nguyễn Thị Thương Huyền, Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng, Sở đã đề xuất với Ủy ban nhân dân thành phố ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch như: hỗ trợ lãi suất để đầu tư, kinh doanh du lịch, hỗ trợ quản lý và phát triển sản phẩm du lịch, đào tạo nhân viên.
Về vấn đề quản lý dịch vụ nghỉ đêm trên vịnh, tạo sự kết nối Hạ Long - Cát Bà, bà Nguyễn Thị Thương Huyền cho biết, tại vịnh Lan Hạ, quần đảo Cát Bà, hiện có 101 tàu du lịch, trong đó có khoảng 49 tàu tham quan lưu trú nghỉ đêm trên vịnh. Thời gian gần đây, vịnh Lan Hạ được nhiều du khách ưa thích lựa chọn tham quan, lưu trú vì có cảnh quan thiên nhiên đẹp, hệ sinh thái phong phú.
Khách du lịch trong nước và quốc tế tham quan, nghỉ dưỡng tại đảo Cát Bà, TP.Hải Phòng. Ảnh: An Đăng - TTXVN |
Trước lợi thế đó, nhằm đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch thành phố đã giao Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải xây dựng Đề án Quy hoạch, quản lý địa điểm neo đậu cho tàu lưu trú qua đêm trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà với 4 khu vực cho tàu tham quan lưu trú nghỉ đêm trên vịnh. Sở Du lịch xây dựng Quy chế quản lý hoạt động du lịch trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà tạo hành lang pháp lý để quản lý hiệu quả các hoạt động du lịch trên vịnh đảm bảo chất lượng dịch vụ, bảo vệ môi trường thu hút khách du lịch đến với Cát Bà.
Đối với việc quản lý du lịch giữa khu vực Hạ Long- Cát Bà, hiện nay Tổng cục Du lịch đã trình và đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức cuộc họp với các bên để giải quyết những vướng mắc nhằm tăng cường hợp tác, khai thác khách du lịch, thống nhất quản lý phương tiện, tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện thủy nội địa phục vụ khách du lịch tham quan, nghỉ đêm giữa hai địa phương, đồng thời có văn bản đề nghị Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải sớm xây dựng Nghị định quy định về quản lý hoạt động của phương tiện thủy nội địa phục vụ hoạt động du lịch, thể thao, vui chơi giải trí để thống nhất việc quản lý hoạt động phục vụ khách du lịch trên tàu thủy trong phạm vi cả nước.
Theo báo cáo của Sở Du lịch Hải Phòng, gần 6 tháng đầu năm 2018, ngành du lịch đón và phục vụ trên 3,5 triệu lượt khách, tăng 16%, trong đó khách quốc tế hơn 382.000 lượt, tăng 9,8%, doanh thu ước đạt 1.454 tỷ đồng, tăng 18,6 % so với cùng kỳ năm 2017.
Cùng với đường bộ, đường sắt, đường thủy thì du lịch bằng đường hàng không cũng là lợi thế của thành phố Hải Phòng. Tính từ tháng 5/2016 đến nay đã có 7 đường bay mới được mở tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, trong đó có 5 tuyến tiếp hoạt động gồm các chuyến bay từ Hải Phòng đi Buôn Ma Thuột, Phú Quốc, Đà Lạt, Incheon (Seoul, Hàn Quốc), Bangkok (Thái Lan).