Một góc chợ nổi Cái Răng. Ảnh: Thanh Sang-TTXVN |
Trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Đồng bằng sông Cửu Long được hoạch định là một trong 7 vùng du lịch trọng điểm. Nhiều tỉnh, thành phố thuộc khu vực trong thời gian qua đã có quy hoạch, đề án, kế hoạch phát triển du lịch. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện đến nay còn chậm; việc đầu tư, khai thác chưa được kết nối hiệu quả theo cấp độ vùng.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, năm 2017 ngành du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đã đón tiếp trên 20 triệu lượt khách, nhưng lượng khách lưu trú chỉ hơn 2 triệu người. Mỗi du khách đến Đồng bằng sông Cửu Long chi tiêu khoảng 22 USD/ngày, thấp hơn 75% so với mức bình quân của du lịch Việt Nam. Xét tổng quan, mức tăng trưởng hàng năm du lịch của Đồng bằng sông Cửu Long đạt 9%, trong khi các vùng du lịch khác luôn đạt hai chữ số.
Ông Christopher Lewis Malone, Giám đốc điều hành Tập đoàn BCG tại Việt Nam phân tích, du lịch Đồng bằng sông Cửu Long gặp khó khăn bắt nguồn từ kết nối giao thông. Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ được quy hoạch cho cả vùng, nhưng chỉ có 4 kết nối; so với Đà Nẵng, Cần Thơ có ít hơn đến 25 kết nối. Trong lĩnh vực du lịch đường thủy, Bến Ninh Kiều chỉ phục vụ khoảng 4.000 lượt khách mỗi ngày, trong khi Cảng Hạ Long trung bình phục vụ 22.000 lượt khách/ngày.
Quan trọng hơn, Đồng bằng sông Cửu Long không phải là điểm đến chính của du khách, mà chỉ là điểm chuyến tiếp của chuyến đi đến thành phố Hồ Chí Minh. Thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam cho thấy, trong tổng số lượng du khách đến các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2017, có đến hơn 80% là các đoàn khách thuộc tour du lịch thành phố Hồ Chí Minh, thời gian lưu trú tại Cần Thơ chỉ từ 1 đến 2 ngày.
Mặt khác, Đồng bằng sông Cửu Long còn phải đối mặt với nhiều tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu. Các hiện tượng nước biển dâng, xâm ngập mặn, khô hạn, sạt lở… xuất hiện ngày càng nhiều đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh tế và đời sống của người dân tại các địa phương thuộc khu vực, phá hủy nhiều nguồn tài nguyên và gây khó khăn cho việc phát huy các tiềm năng du lịch tại đây.
Thực tế này đòi hỏi du lịch Đồng bằng sông Cửu Long cần có tầm nhìn mới, các giải pháp toàn diện, đồng bộ, huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển bền vững. Với vị thế là trung tâm phát triển động lực khu vực Tây Nam Bộ, Tập đoàn BCG lựa chọn thành phố Cần Thơ là đối tác trực tiếp trong dự án và hy vọng thành phố sẽ trở thành “đầu tàu” trong mục tiêu thay đổi diện mạo du lịch vùng đất chín rồng.
Tại buổi làm việc, BCG đã đề xuất 4 chủ đề giúp phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long thời gian tới. Thứ nhất, tập trung vào phát triển du lịch nghỉ dưỡng trên sông. Theo ông Christopher Lewis Malone, chủ đề này cho phép Đồng bằng sông Cửu Long có thể tận dụng được nguồn tài nguyên mà thiên nhiên ban tặng là hệ thống sông ngòi. Khách hàng mục tiêu đối với loại hình du lịch này được đơn vị tư vấn chỉ ra là những cặp vợ chồng người phương Tây lớn tuổi, khách du lịch người Đông Nam Á - Đông Bắc Á và các hộ gia đình có khả năng về tài chính, có khả năng chi tiêu cao; nếu có sự chuẩn bị cơ sở hạ tầng đủ tốt cũng như lên được chương trình tour chu đáo thì có thể thu hút được mức chi tiêu bình quân của mỗi du khách từ 90-100 USD/ngày.
Chủ đề thứ hai được BCG chỉ ra là du lịch khám phá thiên nhiên, tạo cơ hội cho du khách hòa mình vào thiên nhiên, thoát khỏi cuộc sống đô thị. Khách du lịch mục tiêu được xác định là những người trẻ tuổi đến từ các nước phương Tây, vùng Đông Bắc Á và cả khách du lịch trẻ của Việt Nam.
Chủ đề thứ ba là du lịch trải nghiệm văn hóa, tập trung vào các tour tham quan di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng; tìm hiểu tập quán, ẩm thực địa phương; tham gia vào các hoạt động trải nghiệm cuộc sống miền Tây Nam Bộ như hái rau, bắt cá… Khách du lịch mục tiêu là gia đình, nhóm đi du lịch, những người muốn khám phá miền Tây của Việt Nam.
Chủ đề cuối cùng là du lịch phiêu lưu giải trí với những trò chơi đa dạng như đi cano trên sông, khám phá các vùng đất miền Tây bằng khinh khí cầu. Theo ông Malone, đây là chủ đề du lịch được hầu hết du khách ưa chuộng và đã đạt thành công tại nhiều quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á. Nếu Đồng bằng sông Cửu Long đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện phát triển hợp lý thì đây sẽ là loại hình du lịch chủ chốt của vùng trong thời gian tới.
Về hạ tầng du lịch, ông Malone nhấn mạnh: Muốn du lịch trỗi dậy thì cần tập trung mở rộng và kết nối đường bay; trong đó, Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ đóng vai trò đầu mối, cùng với sân bay quốc tế Phú Quốc, sân bay Cà Mau và sân bay Cỏ Ống (Côn Đảo) thiết lập một hệ thống giao thông chiến lược trên toàn vùng. Trong đó, các địa phương cần chú trọng xây dựng hoàn thiện các dịch vụ hàng không tích hợp như dịch vụ hạ - cất cánh, sân đậu máy bay, hệ thống soi chiếu an ninh, hàng hóa, quầy làm thủ tục bay, băng chuyền hành lý, dịch vụ khai thác thương mại mặt đất… Toàn khu vực cần đặt mục tiêu trong 10 năm phải có ít nhất 20 kết nối bay quốc tế và 10 kết nối bay nội địa.
Ông Malone cũng lưu ý, một đường bay mới muốn tồn tại phải mất ít nhất 3 năm chịu lỗ và hòa vốn, nên phải có chính sách cùng với chiến lược kinh doanh, quảng bá hiệu quả. Trường hợp của Đồng bằng sông Cửu Long, phương pháp hiệu quả nhất là một hãng hàng không đứng ra phối hợp cùng các đối tác và phân chia tỷ lệ hoặc hãng hàng không kết hợp với các đơn vị lữ hành.
Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ nhấn mạnh: Dự án Phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của vùng. Thành phố Cần Thơ kỳ vọng dự án sẽ xây dựng được nhiều mô hình thích hợp để đưa du lịch Đồng bằng sông Cửu Long cất cánh trên bản đồ du lịch quốc tế, trở thành điểm đến hàng đầu châu Á về du lịch trên sông. Từ những giải pháp mà BCG và các chuyên gia đưa ra, Cần Thơ có cơ sở để kêu gọi đầu tư trọng tâm, ưu tiên cho các sản phẩm khai thác văn hóa sông nước và hệ thống sản phẩm sinh thái, ẩm thực.
Bên cạnh đó, ông Võ Thành Thống cũng cho biết, hiện thành phố đang hợp tác với Tập đoàn Novaland thực hiện tài trợ cho các dự án tư vấn phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long được đầu tư trực tiếp tại Cần Thơ, Vĩnh Long và các địa điểm khác của miền Tây Nam bộ. Dự án sẽ tạo động lực phát triển vùng theo định hướng bền vững, tạo việc làm cho ngưới dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cũng như tạo thời cơ và động lực thu hút đầu tư, nối kết 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long cùng xây dựng những thương hiệu nông nghiệp, du lịch chất lượng cao. Cần Thơ hy vọng nhận được sự tư vấn từ Tập đoàn BCG để các địa phương có sự liên kết, đầu tư trọng điểm để phát triển nhưng vẫn bảo tồn bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường./.