Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN |
Phát biểu tại phiên họp, điểm lại những nét chính của tình hình Tết Nguyên đán Mậu Tuất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, các cấp, các ngành đã tổ chức tốt các nội dung công việc đề ra, phục vụ nhân dân đón Tết ấm cúng, đầy đủ. Thủ tướng cũng cảm ơn các cá nhân, tổ chức, chính quyền đoàn thể đã thăm hỏi, động viên các đối tượng khó khăn trong xã hội đón Tết Nguyên đán; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, kể cả các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài đã tổ chức Tết cho kiều bào đem lại nhiều ý nghĩa.
Thủ tướng vui mừng nhận thấy, ngay sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất, các cấp, các ngành đã bắt tay ngay vào việc thực thi nhiệm vụ, hoạt động sản xuất kinh doanh. Một số cấp, ngành đã xử lý nghiêm những hành vi sử dụng xe công đi lễ hội hoặc đi lễ hội trong giờ hành chính. Đến thời điểm này, các mặt công tác đã trở lại bình thường, Thủ tướng nhận xét.
Về tình hình tháng 2, Thủ tướng cho biết, mặc dù cả nước có thời gian nghỉ lễ 1 tuần nhưng trên phạm vi quốc gia, kinh tế - xã hội chuyển biến mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, tình hình tiền tệ, lãi xuất, tỷ giá tiếp tục ổn định. Giá tiêu dùng tháng 2 – tháng có nhu cầu tiêu dùng rất cao đã tăng 0,73%; trong đó, chủ yếu là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng mạnh (1,53%). Nhóm giao thông tăng 0,79%; lạm phát cơ bản kiểm soát tốt, CPI bình quân hai tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm trước tăng 2,9%.
Đáng chú ý, xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, tháng 2 kim ngạch tăng xấp xỉ 13,4 tỷ USD, 2 tháng đạt 33,6 tỷ USD, tăng gần 23%. Đặc biệt, nông sản xuất khẩu tăng gần 28%; trong đó, gạo tăng 34%, hạt điều tăng 94%, rau quả tăng 60%, thủy sản tăng gần 30%...Đặc biệt, khu vực trong nước xuất khẩu tăng đến 25,7%, cao hơn khối FDI. Xuất siêu là điểm sáng của tháng 2 với 1,08 tỷ USD. Kinh tế tiếp tục phát triển ổn định, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng mạnh, lũy kế tăng 12,2%, trong đó khai khoáng tăng trở lại. Tổng cầu phục hồi tốt, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng tháng 2 tăng 13,2%; tính chung 2 tháng đầu năm tăng 10,1%, lượng khách quốc tế đạt 1,43 triệu lượt, tăng gần 20%, tính chung hai tháng 2, 86 triệu lượt, tăng gần 30%. Khu vực sản xuất trong nước và dịch vụ, nhất là du lịch có mức tăng trưởng cao.
Thủ tướng cũng cho biết, tháng 2 vừa qua, vốn FDI thực hiện đạt 1,7 tỷ USD, tăng 97%. Vốn góp và mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài đạt 1,25 tỷ USD, tăng 102,5%. Các nhà đầu tư nước ngoài ở nhiều khu vực khác nhau đều rất quan tâm đến thị trường Việt Nam, Thủ tướng nói.
2 tháng đầu năm đã có gần 19 ngàn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng gần 30% số doanh nghiệp, 29,3% về vốn đăng ký. Các mặt văn hóa xã hội tiếp tục được quan tâm, công tác an sinh xã hội, chăm sóc người có công được bảo đảm và thực hiện tốt. Cả nước sôi nổi các hoạt động kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2.
Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được phát động với nhiều biện pháp đảm bảo các tiêu chí, số lượng, số huyện, số xã đạt tiêu chí nông thôn mới tăng cao hơn năm ngoái theo mục tiêu đề ra. An ninh quốc phòng được tăng cường, trật tự xã hội cơ bản được đảm bảo. So với cùng kỳ 2017, quý I năm nay có nhiều dấu hiệu đáng mừng hơn với tinh thần của Xuân Mậu Tuất, Thủ tướng nhận định.
Đề cập đến những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới và khu vực, Thủ tướng cũng chỉ rõ những hạn chế, bất cập của tình hình kinh tế - xã hội trong nước như: Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước vẫn đạt thấp, 2 tháng mới đạt gần 9% kế hoạch năm. Thủ tướng đề nghị tại phiên họp này, các thành viên Chính phủ làm rõ nguyên nhân và đưa ra các giải pháp chỉ đạo quyết liệt, khắc phục sớm vấn đề này.
Cảnh báo tình hình giá cả thế giới có nhiều biến động, Thủ tướng đề nghị các ngành, các cấp không lơ là nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô. Thủ tướng lưu ý sức ép lạm phát năm nay có nhiều khả năng lớn hơn do lượng vốn đầu tư nước ngoài lên đến hàng chục tỷ USD. Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong 10 nước có lượng kiều hối lớn nhất thế giới với 13 tỷ USD/năm, cũng là một sức ép lớn đến lạm phát.
"Tập trung phát triển sản xuất kinh doanh tạo môi trường kinh doanh tốt hơn nữa vẫn là yêu cầu lớn đối với các cấp, các ngành", Thủ tướng chỉ đạo và yêu cầu ổn định tốt kinh tế vĩ mô, không để bất ổn xảy ra. Đi liền với đó là tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế một cách thực chất; nâng cao năng suất lao động, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, giải phóng sản xuất trong nước theo hướng nâng cao hiệu quả, khả năng phản ứng chính sách của Chính phủ trong điều hành kinh tế xã hội vẫn là những vấn đề quan trọng cần thực hiện trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0. Thủ tướng cũng đề nghị tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là trong tháng 3 để đem lại kết quả thuận lợi cho Quý I, quý đầu tiên, tạo đà cho sự phát triển của cả năm 2018.
Tại phiên họp sáng nay, Chính phủ đã thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đặc xá; Dự án Luật trồng trọt; Dự án Luật chăn nuôi; Dự án Luật quản lý phát triển đô thị; Dự án Luật dân số…
Phiên họp sẽ diễn ra đến hết ngày 1/3.
Quang Vũ