Theo ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, đây là địa phương có tiềm năng lớn về thủy sản và trọng điểm nghề cá trong khu vực Miền Trung. Việc khai thác hải sản dài ngày và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm. Nhờ đó, năng lực bám biển của ngư dân đã có những bước phát triển nhảy vọt.
Để kinh tế biển thật sự trở thành kinh tế mũi nhọn, theo ông Ngô Tấn, cùng với nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, tỉnh Quảng Nam đã, đang và tiếp tục có nhiều cơ chế riêng để khuyến khích ngư dân phát triển nghề đánh bắt hải sản xa bờ.
Huyện Núi Thành là địa phương điển hình trong việc tạo điều kiện giúp đỡ ngư dân vươn lên làm giàu từ biển. Nhiều chính sách hỗ trợ cho bà con ngư dân của Nhà nước như hỗ trợ kinh phí đóng mới tàu cá, bảo hiểm phương tiện, bảo hiểm thuyền viên theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, hỗ trợ chi phí nhiên liệu, máy thông tin liên lạc đã góp phần không nhỏ để ngư dân bám biển sản xuất đạt sản lượng cao. Trong năm 2017, toàn huyện Núi Thành đạt sản lượng 45.000 tấn hải sản các loại, vượt 7% so với kế hoạch.
Ngư dân Phạm Thanh Trung, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam hạ thủy tàu tham gia đánh bắt hải sản. Ảnh: Đoàn Hữu Trung - TTXVN |
Sở hữu con tàu trên 900 CV, anh Phạm Ngọc, xã Tam Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam cho hay: “Trước đây chiếc tàu của tôi chỉ có giá trị khoảng 4 tỷ đồng, nay nhờ vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ (Nghị định 67) tôi đã đóng được con tàu trị giá 18 tỷ đồng nên sản xuất đạt hiệu quả hơn.
Con tàu của tôi được trang bị đầy đủ các phương tiện cần thiết như máy tầm ngư, thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị bảo quản sản phẩm nên việc vươn khơi xa đánh đánh bắt dài ngày đảm bảo an toàn và hiệu quả hơn, sản phẩm được bảo quản an toàn hơn nên không giảm giá trị, giảm chất lượng”.
Còn theo anh Huỳnh Văn Tạo, con tàu của anh trị giá 15,5 tỷ đồng, vốn đối ứng của gia đình 1 tỷ đồng, còn lại vay của Nhà nước nên được trang bị hiện đại hơn nhiều.
Ra quân ngay từ những chuyến biển đầu năm mới này, phương tiện của anh đảm bảo thời gian đánh bắt dài hơn, sức chứa cũng nhiều hơn, khả năng bảo quản sản phẩm cũng tốt hơn. Trước đây, khi chưa được đầu tư hầm cấp đông đủ tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm khi tiêu thụ có phần giảm sút, thương lái lợi dụng điều này để ép giá, còn bây giờ sản phẩm được bảo quản tốt hơn nên giá trị sản phẩm cũng tăng lên.
Nhờ tàu thuyền có công suất lớn, thiết bị trên tàu hiện đại nên không những việc vươn ra khơi xa bám biển dài ngày của ngư dân ngày càng tự tin hơn, hiệu quả hơn mà còn góp phần đáng kể trong việc phục hồi và phát triển nguồn lợi hải sản vùng nước ven bờ.
Tạo điều kiện cho ngư dân bám biển
Chia sẻ với ngư dân trước mùa biển năm 2018, bà Phạm Thị Hoàng Tâm, Chi cục trưởng Chi cục thủy sản Quảng Nam nhấn mạnh “Trong năm 2018 này, Chi Cục thủy sản sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để ngư dân để ngư dân được hưởng các chính sách ưu đã của Nhà nước để vươn khơi bám biển.
Trước đây, ngư dân được hỗ trợ bằng ưu đãi lãi suất tiền vay theo Nghị định 67 bắt đầu từ năm 2018, với Nghị định 17/2018/NĐ-CP ngư dân sẽ được hỗ trợ một lần bằng 35% tổng kinh phí sau đầu tư cho mỗi phương tiện được đóng mới đối với tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần vỏ thép hoặc composite, có tổng công suất máy chính từ 800 CV trở lên.
Theo bà Phạm Thị Hoàng Tâm, Chi cục sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để ngư dân được hưởng lợi từ các chương trình ưu đãi của Nhà nước về phát triển thủy sản, giúp ngư dân vươn lên làm giàu từ biển. Năm nay, sẽ có ít nhất 10 tàu cá đóng mới của ngư dân tỉnh Quảng Nam được hưởng lợi theo Nghị định 17/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Thực tế cho thấy, tàu đóng mới có công suất ngày càng lớn, thiết bị đi biển ngày càng hiện đại đã góp phần nâng cao hiệu quả khai thác nguồn lợi hải sản, đời sống của ngư dân được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, trong quá trình làm ăn trên biển của ngư dân không phải lúc nào cũng thuận lợi bởi nhiều yếu tố khác nhau.
Thượng tá Nguyễn Văn Mỹ, Hải đội trưởng Hải đội 2, Bộ đội biên phòng Quảng Nam cho biết, nghề đánh bắt hải sản xa bờ là thế mạnh của tỉnh Quảng Nam, bà con làm ăn trên vùng biển xa rất nhiều. Do vậy, đơn vị thường xuyên tuyên truyền vận động, tạo điều kiện để bà con ngư dân yên tâm đánh bắt hải sản trên biển và góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc. Ngoài ra, đơn vị cũng cung cấp số điện thoại và tầng số của các Trạm trực canh ven bờ cho bà con ngư dân để khi có bất cứ khó khăn gì xảy ra đối với bà con thì bà con liên lạc với để có sự giúp đỡ kịp thời.
Nói về sự quan tâm giúp đỡ của các ngành chức năng đối với ngư dân trong quá trình vươn khơi bám biển dài ngày, thuyền trưởng Huỳnh Văn Khôi, xã Tam Hải, huyện Núi Thành tâm sự, cùng với việc được vay vốn với lãi suất ưu đãi để đóng mới tàu vỏ thép có công suất lớn, trong năm qua ngư dân đã được Nhà nước hỗ trợ nhiên liệu, hỗ trợ chi phí bảo hiểm, hỗ trợ thiết bị liên lạc tầm xa nên bà con rất phấn khởi.
Làm ăn dài ngày trên biển bà con còn được các cơ quan chức năng ngư bộ đội biên phòng, kiểm ngư, bộ đội hải quân thường xuyên có mặt trên biển và kịp thời giúp đỡ nên ngư dân rất yên tâm. Trong năm qua, chỉ riêng tại xã Tam Hải đã có 3 phương tiện hỏng máy trên biển đã được các lực lượng thực thi pháp luật trên biển hỗ trợ sửa chữa và đưa về đất liền an toàn.
Là một trong những địa phương có nghề đi biển xa bờ mạnh nhất tỉnh Quảng Nam, ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho hay, nhờ được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo định 67, Qũy hỗ trợ ngư dân và sắp tới đây là Nghị định 17/2018/NĐ-CP của Chính phủ nên lượng tàu thuyền có công suất lớn, trang thiết bị hiện đại của ngư dân tỉnh Quảng Nam nói chung và huyện Núi Thành nói riêng không ngừng tăng lên.
Cùng đó, huyện cũng đã thành lập được nghiệp đoàn nghề cá ở tất cả các xã ven biển và hàng chục tổ đội đoàn kết bám biển khơi xa. Thực tế đã khẳng định các tổ đội đoàn kết không chỉ hỗ trợ lẫn nhau trong làm ăn dài ngày trên biển mà còn là “tai mắt” của các cơ quan chức năng.
Trung bình mỗi năm các tổ đội đoàn kết trên biển đã cung cấp cho các cơ quan chức năng hàng chục thông tin có giá trị về tình hình trên biển, góp phần giúp các cơ quan chức năng có giải pháp ứng phó kịp thời và có hiệu quả, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng.
"Hiện đại hóa phương tiện, đáp ứng nhu cầu bám biển dài ngày, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ nguồn lợi ven bờ và đồng hành, sát cánh cùng ngư dân ở mọi lúc mọi nơi đã, đang và tiếp tục là hướng đi có chọn lọc để giúp ngư dân làm giàu từ biển, góp phần bảo vệ biển.", ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam khẳng định.