Luật Thủy sản (sửa đổi): Đã luật hóa những cam kết của Việt Nam về IUU

Luật Thủy sản (sửa đổi): Đã luật hóa những cam kết của Việt Nam về IUU
Thừa Thiên - Huế tăng sản lượng khai thác biển nhờ hiện đại hoá phương tiện. Ảnh: Quốc Việt - TTXVN
Thừa Thiên - Huế tăng sản lượng khai thác biển nhờ hiện đại hoá phương tiện. Ảnh: Quốc Việt - TTXVN

* Xin thứ trưởng cho biết những điểm mới, nổi bật nhất Luật Thủy sản (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua?

- Để nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân trong hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, từng bước thực hiện chủ trương xã hội hóa trong quản lý hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Luật quy định về đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Quy định này nhằm tạo cơ sở pháp lý cho Nhà nước giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản – một phương thức quản lý mới được nhiều quốc gia tiếp cận để quản lý hoạt động thủy sản đặc biệt trong hoạt động quản lý nguồn lợi thủy sản.

Về nuôi trồng thủy sản, Luật đã quy định chi tiết hơn và không bỏ sót các đối tượng nuôi, hình thức nuôi và mục đích của việc nuôi trồng thủy sản. Chẳng hạn như điều kiện đối với việc nuôi trồng thủy sản không vì mục đích làm thực phẩm, cấp phép cho hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển, giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản… Đối với nuôi biển, thời hạn giao khu vực biển được nâng lên là 30 năm và được gia hạn tối đa là 20 năm.

Về cấp phép khai thác thủy sản, Luật quy định về hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản, sản lượng khai cho phép khai thác. Đây là bước tiến mới so với Luật Thủy sản năm 2003 để nhằm phù hợp với pháp luật quốc tế về bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản.

Căn cứ vào kết quả điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản, cụ thể là căn cứ vào trữ lượng, sản lượng cho phép khai thác bền vững để xác định hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản đồng thời phân cấp triệt để việc cấp phép khai thác thủy sản cho UBND cấp tỉnh.

Với Luật mới chúng ta sẽ chuyển quản lý tàu cá từ công suất (CV) sang quản lý theo chiều dài lớn nhất của tàu.

Một điểm mới nữa là Luật quy định về xã hội hóa đăng kiểm tàu cá, nhằm huy động được các nguồn lực từ xã hội tham gia đầu tư vào hoạt động này nhằm giảm tải cho cơ quan quản lý nhà nước và tạo thuận lợi cho người dân.

* Hiện nay khai thác ven bờ đang bị khai thác cạn kiệt cùng với đó là vẫn tồn tại những phương tiện khai thác hủy diệt ở nhiều địa phương. Trong Luật có những quy định nào khắc phục tình trạng này?

- Luật Thủy sản 2017 xuất phát từ cách tiếp cận trên cơ sở khoa học là khai thác dựa trên nguồn lợi thủy sản. Để có nguồn lợi thủy sản chúng ta đã tiến hành điều tra.

Những nguồn lợi thủy sản đang bị khai thác một cách quá mức. Trong Luật đã có quy định rõ là phân cấp giao cho địa phương. Bên cạnh đó là quy hoạch điều tra các bãi đẻ, bãi giống, những khu vực tập trung thủy sản non để quy hoạch và bảo vệ.

Chúng ta sẽ quản lý cường lực khai thác bằng cách cấp phép cho tàu cá cũng như kiểm soát đóng mới tàu cá. Tiến tới sẽ đưa ra quy định về cấm khai thác theo mùa, theo đối tượng như các nước hiện nay đang làm.

Luật Thủy sản 2003 đã quy định về điều này nhưng chúng ta chưa thực hiện được. Với tình trạng hiện nay là chúng ta đang bị thẻ vàng của châu Âu cũng như phải tổ chức lại khai thác cho nên buộc chúng ta phải thực hiện nghiêm vấn đề này.

Ngoài ra, Luật cũng quy định chặt chẽ và nâng mức xử phạt nặng hơn. Nếu chúng ta thực hiện nghiêm theo Luật sẽ khắc phục được tình trạng này.

* Liên quan đến chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định ; trong đó Việt Nam bị EU cảnh báo thẻ vàng, nội dung này đã được quy định như thế nào trong Luật mới?

- Nội dung này được quy định rải rác trong các Điều và các chương của Luật. Luật Thuỷ sản đã được sửa đổi dựa trên các nguyên tắc của Công ước Luật biển 1982, Hiệp định biện pháp quốc gia có cảng của FAO, Hiệp định đàn cá di cư của Liên hợp quốc, Bộ luật nghề cá có trách nhiệm của FAO, Kế hoạch hành động quốc tế của FAO về khai thác theo luật IUU , Hướng dẫn của FAO về thực hiện trách nhiệm quốc gia treo cờ, tập trung vào 9 khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC).

Cụ thể, quy định số lượng và phân bổ hạn ngạch giấy phép khai thác của tàu theo nghề trên các vùng biển và phân cấp cho địa phương để cấp phép cho từng tàu cá; quản lý đầu ra theo hạn ngạch các loài di cư và các loài có tính kết đàn.

Các hành vi khai thác IUU và chế tài nghiêm khắc với chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm, mức xử phạt cao nhất đối với cá nhân lên đến 1 tỷ đồng, tổ chức lên đến 2 tỷ đồng. Cùng với đó là thu hồi giấy phép khai thác, không cấp lại giấy phép khai thác...

Năm nay, EC đã có 3 đoàn sang kiểm tra và hai Cao ủy của EC làm việc trực tiếp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đưa ra các cảnh báo.

Việt Nam đã và tiếp tục quyết liệt hành động, thực hiện mọi cách để trong vòng 6 tháng thoát ra khỏi thẻ vàng, lấy lại thẻ xanh. Thủ tướng Chính phủ đã có công điện 732/CĐ-TTg về việc ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái  phép ở vùng biển nước ngoài. Trong công điện đã nêu rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND các tỉnh nếu tiếp tục để xảy ra tình trạng để ngư dân khai thác trái phép ở các vùng biển của các nước thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có kế hoạch hành động quốc gia. Theo đó sẽ có sự vào cuộc mạnh mẽ của địa phương, doanh nghiệp. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có chương trình cam kết tự nguyện của các doanh nghiệp xuất khẩu hải sản sang EU là không mua và tiêu thụ hàng đánh bắt bất hợp pháp.

Trước những giải pháp quyết liệt trên, tình trạng khai thác bất hợp pháp tại vùng biển các nước đã giảm hẳn. Điển hình như Quảng Ngãi, có thể nói là địa phương số một có tình trạng trên nhưng từ tháng 7/2017 đã ghi nhận không có tàu cá nào của tỉnh vi phạm.

Sắp tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ thành lập tổ công tác để có những biện pháp cấp bách để thoát ra thẻ vàng. Tuy nhiên để bền vững phải có giải pháp căn cơ hơn.

* Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng !

Bích Hồng 

Có thể bạn quan tâm