Bác sĩ tại Cơ sở điều trị Methadone, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái trao đổi, nắm bắt tình hình khi điều trị bằng Methadone với bệnh nhân. Ảnh: Đinh Đức Tưởng - TTXVN |
Dự án điều trị thay thế các dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại tỉnh Yên Bái được triển khai từ năm 2013, ban đầu chỉ có một cơ sở đặt tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Yên Bái (nay là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái). Đến nay, toàn tỉnh đã có 8 cơ sở điều trị thay thế các dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh (huyện Yên Bình), thị xã Nghĩa Lộ, các huyện Văn Chấn, Văn Yên, Lục Yên, Ngã Ba Kim và thị trấn Mù Cang Chải (huyện Mù Cang Chải). Các cơ sở này tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại của bệnh nhân, giảm thời gian và chi phí đi lại. Các cơ sở điều trị bằng Methadone trên địa bàn tỉnh Yên Bái hiện đang điều trị cho trên 1.000 người. Mỗi bệnh nhân khi đến điều trị tại đây đều được các y, bác sỹ tận tình tư vấn và kiểm tra sức khỏe. Hầu hết bệnh nhân tham gia điều trị đều chấp hành tốt quy định, giờ uống thuốc, các tư vấn, khuyến cáo của các cán bộ y, bác sỹ. Nhờ đó, nhiều người đã ngừng sử dụng ma túy, tâm lý ổn định hồi phục sức khỏe, tiết kiệm tiền bạc.
Mỗi buổi sáng bệnh nhân có mặt tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái để nhận thuốc điều trị. Ảnh: Đinh Đức Tưởng - TTXVN |
Anh Đinh Sen Ka, phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái chia sẻ: Hàng ngày cứ 7 giờ 30 phút, anh đến uống thuốc Methadone tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật. Từ khi uống thuốc theo sự chỉ dẫn của bác sỹ, anh thấy người khỏe mạnh, không còn cảm giác thèm ma túy, đầu óc nhẹ nhàng, sức khỏe ổn định. Bây giờ, đi làm được đồng nào, anh đều mang về cho vợ để chi tiêu việc gia đình. Nhiều người sau khi điều trị thuốc Methadone họ có thể lao động, phát triển kinh tế. Một số người đã đi học nghề, tìm việc làm, giúp đỡ gia đình phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, họ còn giúp người nghiện ma túy thay đổi hành vi, lối sống, phục hồi nhân cách, góp phần ổn định trật tự an ninh, xã hội tại địa phương. Ông Hà Văn Chung (xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái) cho biết, ông nghiện ma túy đã hơn 10 năm nay. Trước đây, lúc nào ông cũng chỉ nghĩ đến ma túy, không muốn lao động. Từ khi tỉnh triển khai uống thuốc Methadone, ông đã tham gia điều trị. Hơn 6 năm điều trị, ông thấy sức khỏe của mình cải thiện, ăn ngủ tốt và cùng gia đình lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Theo ông, nếu tiếp tục điều trị thay thế thuốc Methadone lâu dài, người nghiện sẽ bỏ được ma túy. Bác sỹ Vũ Xuân Thọ, Trưởng Cơ sở điều trị Methadone, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái cho biết: Methadone giúp người nghiện dừng và giảm sử dụng hêrôin. Cụ thể trước khi tham gia điều trị, 100% người nghiện sử dụng hêrôin, sau 24 tháng điều trị, tỷ lệ sử dụng giảm còn hơn 15%; tần suất người nghiện sử dụng ma túy cao trên 2 lần/ngày, sau 24 tháng điều trị không có bệnh nhân nào sử dụng 2 lần/ngày trở lên. Cùng với đó, người nghiện dần phục hồi sức khỏe, ổn định tâm lý, ổn định cuộc sống. Từ đó, góp phần giảm hành vi vi phạm pháp luật, giảm tỷ lệ tiêm chích ma túy, giảm nguy cơ lây truyền các bệnh qua đường máu, giảm tỷ lệ tử vong do quá liều heroin; giảm chi phí mua thuốc để hút ( Trung bình mỗi ngày, một người tiêu tốn hơn 200.000 đồng mua heroin, sau khi điều trị Methadone giảm xuống chỉ còn khoảng 6-8 triệu đồng/năm). Hiện địa bàn tỉnh Yên Bái có hơn 2.600 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó cơ sở cai nghiện có 360 người, trại tạm giam 105 người và ngoài xã hội 2.201 người (được điều trị bằng Methadone 1.024 người). Ngành Y tế tỉnh Yên Bái đã tăng cường hoạt động tư vấn hỗ trợ người nghiện tuân thủ điều trị, phối hợp tốt với các đơn vị liên quan trong việc tổ chức thực hiện các biện pháp hỗ trợ tâm lý; thường xuyên gần gũi lắng nghe, chia sẻ hỗ trợ người nghiện về mặt tinh thần để động viên giúp đỡ người nghiện kiên trì tham gia cai nghiện tốt, nâng cao hiệu quả điều trị. Thời gian tới, để tăng số người nghiện có hồ sơ quản lý điều trị bằng Methadone, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dự phòng và điều trị nghiện nhằm giảm tác hại của nghiện ma túy, kiềm chế gia tăng người nghiện mới; góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và nâng cao sức khỏe cho nhân dân, hỗ trợ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo cho người dân, đặc biệt đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao. Đồng thời, Trung tâm tiếp tục tuyên truyền về lợi ích của việc điều trị bằng Methadone để vận động người nghiện ma túy tham gia điều trị, từng bước đẩy lùi tệ nạn ma túy, tạo môi trường sống lành mạnh, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.
Đinh Thùy