* Chỉ tiêu tuyển sinh tăng nên nguồn tuyển giảm
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết: Trong những năm gần đây, số lượng thí sinh đăng ký thi, xét tuyển vào đại học tương đối ổn định trong khi chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ngày càng tăng làm nguồn tuyển giảm đi. Mặt khác, việc phân luồng sau trung học phổ thông cũng đạt được kết quả nhất định. Những thông tin về thị trường lao động, thất nghiệp và việc làm đã đầy đủ hơn và là những kênh tham khảo hữu ích cho người học. Nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp vẫn ở mức hạn chế, thông tin về thị trường lao động gần đây cũng đã tác động đến quyết định nhập học đại học của một số thí sinh.
Ảnh minh họa- TTXVN |
Bên cạnh đó, ngay khi sửa Quy chế tuyển sinh 2016, việc thực hiện phương án cho thí sinh đăng ký đồng thời hai trường ngay trong đợt 1 để tăng cơ hội trúng tuyển thì vấn đề “thí sinh ảo” được coi là một khó khăn mà các trường phải xử lý. Có thể nói, Bộ Giáo dục và Đào tạo rất hiểu và chia sẻ khó khăn với các trường trong việc tính toán tỷ lệ “thí sinh ảo” để xác định điểm trúng tuyển và danh sách trúng tuyển. Đây thực sự là việc khó nhưng không phải là không làm được. Một số trường như Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Luật Hà Nội, Đại học Ngoại thương (cơ sở Hà Nội), Trường Đại học Y tế Công cộng… đã nhận đủ thí sinh đăng ký nhập học.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, các trường cần xác định rõ là: Nâng cao chất lượng đào tạo là mục tiêu phấn đấu liên tục. Để nâng cao chất lượng thì các đơn vị phải hạn chế tối đa việc tăng qui mô. Hiện nay chỉ tiêu do các trường tự xác định thực chất là năng lực đào tạo tối đa mà các trường được phép tuyển, đảm bảo chất lượng theo quy định. Trong đó, nhiều trường chỉ tập trung năng lực cho công tác đào tạo mà chưa bố trí nhân lực cần thiết cho công tác khoa học, công nghệ để phát triển trường theo hướng chất lượng bền vững. Chất lượng đào tạo của nhiều trường còn thấp so với yêu cầu của xã hội nên người học chưa mặn mà.
Việc xác định chỉ tiêu của các trường cũng chưa dựa vào thực tế nhu cầu học của xã hội, chưa dựa trên cơ sở phân tích, đánh giá nhu cầu sử dụng của thị trường lao động đối với ngành nghề đào tạo… Việc xác định chỉ tiêu mới chủ yếu dựa vào năng lực đào tạo tối đa của trường và kinh nghiệm tuyển sinh của năm trước nên so với thực tế, số “ảo” có thể nằm ngay trong số chỉ tiêu được xác định.
Việc tư vấn tuyển sinh cũng chủ yếu dựa vào chỉ tiêu và Quy chế tuyển sinh, chưa chú trọng tư vấn nghề nghiệp, tư vấn để lựa chọn trường, ngành có chất lượng đào tạo thực tế đáp ứng nhu cầu sử dụng của xã hội… Trong bối cảnh đó, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tuyên bố không xét tuyển bổ sung (mặc dù mới được gần đủ chỉ tiêu) để đảm bảo chất lượng đào tạo và góp phần không gây khó khăn cho các trường tuyển sau là việc làm rất đáng trân trọng.
* Sẽ điều chỉnh phương thức tuyển sinh
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết: Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lấy ý kiến của các trường đại học, các sở Giáo dục và Đào tạo về phương án tuyển sinh sắp tới. Bộ cũng thành lập Tổ công tác để nghiên cứu, tham mưu việc xây dựng phương án tuyển sinh tối ưu nhất, công bố vào đầu năm học tới. Tuy nhiên, tuyển sinh chỉ là công đoạn đầu của quá trình đào tạo, để đảm bảo chất lượng đầu vào và là điều kiện cần để có chất lượng đầu ra.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học chia sẻ: Bên cạnh việc chỉ đạo công tác tuyển sinh, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo các đơn vị chức năng và các cơ sở đào tạo tập trung xây dựng cơ chế, chính sách, chương trình hành động… Việc này đảm bảo việc Bộ có đủ công cụ quản lý, điều kiện đảm bảo chất lượng trong quá trình đào tạo theo hướng kiến tạo, hỗ trợ và giám sát; đặc biệt là tăng cường quản lý chất lượng đầu ra để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
Đối với lĩnh vực giáo dục đại học, trong những năm sắp tới, Bộ tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ chủ yếu: Qui hoạch mạng lưới, tự chủ đại học và đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Thực hiện chủ trương đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng và trình Thủ tướng ban hành Khung trình độ quốc gia để chuẩn hóa chất lượng đào tạo. Trong thời gian tới, công tác kiểm định chất lượng sẽ được tăng cường trong toàn hệ thống. Theo đó, tiêu chuẩn kiểm định sẽ được điều chỉnh trên cơ sở tham khảo tiêu chuẩn kiểm định của ASEAN (AUN) để chất lượng đào tạo của Việt Nam tiệm cận với các chuẩn quốc tế.
Các kết quả kiểm định, xếp hạng, năng lực giảng viên, cơ sở vật chất, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp của các trường sẽ được dùng để đánh giá, phân loại, xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học, xác định mức độ tự chủ cho trường đảm bảo chất lượng. Đồng thời, các thông tin này sẽ được công khai để cơ quan quản lý trực tiếp các trường công lập điều chỉnh chính sách, chỉ đầu tư cho các trường sử dụng hiệu quả nguồn lực (tránh đầu tư dàn trải), sắp xếp lại các trường hoạt động kém hiệu quả…
Đặc biệt, việc công khai các thông tin về chất lượng đào tạo sẽ giúp xã hội và người học biết, lựa chọn cơ sở đào tạo đảm bảo chất lượng. Thông qua đó, chất lượng đào tạo trong toàn hệ thống sẽ được nâng cao; hệ thống giáo dục đại học sẽ được sắp xếp, quy hoạch lại trên cơ sở các tiêu chí đảm bảo chất lượng./.