Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, cây chè phát triển khá tốt trên đất Trà Nham. Ảnh: baoquangnam.vn |
Vài năm trở lại đây, nhu cầu sử dụng chè xanh của người dân tăng cao. Bình quân mỗi ngày có khoảng 3-5 tạ chè xanh ở vùng đất Trà Nham được vận chuyển về xuôi tiêu thụ. Với mùi hương nhẹ nhàng, vị thanh nhẹ đặc biệt, chè xanh Trà Nham ngày càng được tiêu thụ mạnh trên thị trường. Bà Lê Thị Thực, thương lái thu mua chè cho biết, loại chè này nấu lên sẽ cho ra nước có màu vàng xanh rất đẹp, vị ngon hơn chè ở các vùng núi khác của Quảng Ngãi. Mỗi ngày, bà Thực thu mua 2 tạ chè ở Trà Nham đưa về đồng bằng tiêu thụ.
Hiện mỗi bó chè (bó khoảng 3kg) được thương lái thu mua với giá 20.000 đồng, tăng 5.000 đồng so với năm 2017. Nhờ đó, người dân có thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Để khôi phục và xây dựng thương hiệu chè Trà Nham, cùng với sự hỗ trợ chính quyền địa phương, nhiều hộ dân đã tự đầu tư mở rộng diện tích trồng chè để có thêm thu nhập. Gia đình chị Hồ Thị Zí, xã Trà Nham, dù đã có 1 ha chè đang thu hoạch nhưng chị vẫn đầu tư trồng thêm 1 ha. Chị Zí chia sẻ: Cây chè cho thu hoạch quanh năm. Nhờ đó, chị có tiền trang trải cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Mùa nắng, thương lái lên tận nơi để thu mua, mỗi gia đình bẻ 4-5 bó là người ta mua hết. Chị phải trồng thêm vì vài năm nữa số chè đang thu hoạch sẽ già, phải phá bỏ nên giờ trồng để lúc đó vẫn có chè thu hoạch.
Nếu như những năm 2013, cây chè ở Trà Nham chỉ được trồng để phục vụ nhu cầu gia đình, đến nay toàn xã đã có khoảng 150 hộ trồng chè, với tổng diện tích hơn 50 ha. Huyện Tây Trà đang xúc tiến xây dựng thương hiệu chè Trà Nham. Ông Hoàng Anh Ngọc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tây Trà cho hay: Để khẳng định được thương hiệu chè Trà Nham trên thị trường, huyện đã bố trí kinh phí các chương trình sự nghiệp, chương trình mục tiêu để bảo tồn, phát triển cây chè Trà Nham. Huyện đã làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi để thực hiện các bước nhằm xây dựng thương hiệu chè Trà Nham.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Anh Ngọc, vấn đề khó khăn hiện nay là vào mùa mưa vùng miền núi hay bị sạt lở, đường lên Trà Nham sẽ bị chia cắt, cô lập nhiều nơi, việc tiêu thụ chè vào mùa mưa sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó, huyện Tây Trà mong muốn chính quyền cấp trên có sự hỗ trợ, sửa chữa các tuyến đường để hạn chế tình trạng các thôn bản bị cô lập dài ngày trong mùa mưa bão, nhằm tạo thị trường ổn định cho cây chè Trà Nham cũng như các mặt hàng khác.
Đinh Thị Hương