Qua hơn 13 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay tỉnh Quảng Ngãi chỉ có 8/64 xã miền núi đạt chuẩn nông thôn mới. Giai đoạn 2021-2025, địa phương đặt ra mục tiêu đưa thêm 13 xã miền núi về đích nông thôn mới. Để thực hiện mục tiêu này, chính quyền địa phương đang tập trung tháo gỡ khó khăn, tận dụng mọi nguồn lực để sớm hoàn thành các chỉ tiêu.
Xã Ba Điền, huyện Ba Tơ đặt mục tiêu về đích nông thôn mới vào cuối năm 2023, tuy nhiên mục tiêu này đã không đạt được. Đến nay, xã chỉ đạt 12/19 tiêu chí. Theo ông Phạm Văn Ênh, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Điền, 7 tiêu chí chưa hoàn thành là giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, tỷ lệ hộ nghèo, tổ chức sản xuất, y tế và môi trường.
“Mặc dù được cơ quan chức năng cấp trên ưu tiên hỗ trợ đầu tư kinh phí để thực hiện các tiêu chí, nhưng là một xã miền núi còn nhiều khó khăn nên nhu cầu thực tế xã cần khoảng 27 tỷ đồng để đầu tư 24 công trình thiết yếu”, ông Ênh cho hay.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Ba Tơ đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025, có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, qua rà soát thì rất khó để hoàn thành. Do đó, huyện đã điều chỉnh, đặt mục tiêu giữ vững 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới và phấn đấu đưa 3 xã Ba Liên, Ba Điền, Ba Vì về đích nông thôn mới.
Khó khăn đối với các xã của huyện Ba Tơ trên tiến trình về đích nông thôn mới hiện nay là nguồn vốn đầu tư cho các tiêu chí hạ tầng. Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Phạm Giang Nam cho hay, do thu ngân sách hạn chế, chưa cân đối được thu - chi, nên huyện Ba Tơ chưa bố trí được vốn đối ứng thực hiện các dự án. Do vậy, UBND huyện đã đề nghị cấp trên quan tâm hỗ trợ kinh phí.
Còn tại xã Sơn Mùa, huyện Sơn Tây, khó khăn hiện nay của địa phương là tiêu chí thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo. Ông Nguyễn Văn Trí, Chủ tịch UBND xã Sơn Dung cho hay, khó khăn nhất là tiêu chí thu nhập, vì theo quy định thì thu nhập bình quân đầu người phải đạt 38 triệu đồng/người/năm, nhưng cuối năm 2023 xã mới chỉ đạt 21 triệu đồng/người/năm. Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ nghèo cũng khó thực hiện vì hiện nay xã còn 28%, mà theo quy định phải dưới 13%.
“Sơn Dung là xã miền núi với điều kiện tự nhiên chủ yếu là đồi núi, trình độ của người dân còn thấp, kỹ thuật canh tác thô sơ, lạc hậu, chủ yếu dựa vào nương rẫy theo lối truyền thống. Thêm vào đó, quy mô sản xuất và chăn nuôi còn manh mún, nhỏ lẻ nên việc phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững gặp nhiều khó khăn”, ông Trí nói.
Theo khảo sát của Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, các xã miền núi đều có những khó khăn chung như tỷ về hộ nghèo, thu nhập, cơ sở hạ tầng. Trong khi đây đều là các địa phương có nguồn thu ngân sách rất hạn hẹp, vị trí địa lý không thuận lợi, kinh tế khó khăn. Đối diện với những thách thức này, chính quyền địa phương đã chọn phương châm “Việc dễ làm trước, việc khó làm sau”.
Cụ thể, ở xã Ba Điền đang tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người dân trong phát triển kinh tế, địa phương huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc một cách tích cực, thường xuyên. Nhờ vậy, đến nay, tư tưởng của đại đa số người dân đã được thông suốt, đến thời điểm này đã có một số hộ dân tự nguyện xin thoát nghèo; nhiều cá nhân đăng ký tham gia đóng góp ngày công làm giao thông, công trình thủy lợi...
Ông Phạm Văn Đin, thôn Gò Nghênh, xã Ba Điền cho biết, trước đây gia đình thuộc hộ cận nghèo, các con đi học được giảm học phí, các thành viên được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, được hỗ trợ xây nhà, cấp lợn giống để chăn nuôi. Hiện kinh tế gia đình đã tạm ổn định, ông Phạm Văn Đin xin thoát nghèo để giảm tỷ lệ hộ nghèo cho xã.
Phó Chủ tịch UBND xã Ba Điền Phạm Văn Ênh cho hay, với tinh thần cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền một cách sâu rộng, làm cho mỗi người dân thấu hiểu lợi ích chung của xây dựng nông thôn mới, đến nay, đại bộ phận người dân đã hiểu, đồng lòng cùng địa phương hoàn thành mục tiêu đề ra. Xã Ba Điền tin tưởng sẽ hoàn thành các tiêu chí để về đích nông thôn mới vào đầu năm 2025.
Để đạt mục tiêu năm 2025 đưa xã Sơn Dung về đích nông thôn mới, ngoài nguồn ngân sách hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Sơn Tây đang nỗ lực huy động, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia.
Ông Đinh Trường Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, cho biết, nếu chỉ chờ nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thì rất khó hoàn thành các mục tiêu. Do đó, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương lồng ghép các nguồn vốn nhưng phải đảm bảo không chồng chéo. Đối với 2 xã đang phấn đấu về đích nông thôn mới vào năm 2025 là xã Sơn Mùa và Sơn Dung, UBND huyện sẽ ưu tiên bố trí nguồn vốn để các xã hoàn thành các mục tiêu về xây dựng cơ sở vật chất.
Ngoài ra, nhằm tạo động lực, thúc đẩy tiến độ xây dựng nông thôn mới, tỉnh Quảng Ngãi đã và đang ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên, cơ chế đặc thù hỗ trợ những huyện gặp nhiều khó khăn. Theo đó, năm 2024 tỉnh bố trí gần 290 tỷ đồng để tiếp sức 13 xã miền núi thực hiện và duy trì các tiêu chí nông thôn mới.
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự hỗ trợ thiết thực về nguồn kinh phí của cơ quan chức năng và sự nỗ lực của chính quyền địa phương cũng như sự đồng lòng, chung sức của nhân dân, các địa phương sẽ hoàn thành các tiêu chí còn lại để về đích nông thôn mới theo đúng kế hoạch.
Đinh Hương