Khó hoàn thành do thiếu vốn
Sau 4 năm thực hiện chương trình NTM, huyện Krông Bông mới chỉ có 1 xã đạt 9 tiêu chí NTM là Hòa Thành; 3 xã đạt 8 tiêu chí là Hòa Sơn, Cư Kty và Hòa Phong, các xã còn lại chỉ đạt từ 5-7 tiêu chí. Theo mục tiêu, đến năm 2015, huyện có 2 xã điểm Hòa Phong và Hòa Sơn đạt chuẩn NTM nhưng với điều kiện hiện nay khó có xã nào “về đích” theo đúng lộ trình. Nguyên nhân dẫn đến việc khó thực hiện các tiêu chí NTM tại Krông Bông là do huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao, nhiều xã có tỷ lệ nghèo gần 30% như các xã Ea Trul (28,65%), Yang Mao (27,33%), Yang Réh (26,26%). Do ranh giới giữa hộ nghèo và hộ cận nghèo nhỏ nên làm sao để vừa giảm tỷ lệ hộ nghèo, vừa phải duy trì tỷ lệ hộ cận nghèo để không bị tái nghèo là thách thức đặt ra cho lãnh đạo địa phương.
Thanh niên tình nguyện giúp người dân xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông làm đường giao thông. |
Theo ông Lê Thanh Chương, Trưởng phòng NN-PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ đạo chương trình xây dựng NTM huyện, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc khó hoàn thành các tiêu chí NTM là do nguồn ngân sách phân bổ cho thực hiện chương trình NTM còn hạn chế, việc huy động vốn xây dựng NTM của các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn gặp khó khăn. Tính đến nay, ngân sách tỉnh và Trung ương bố trí cho toàn huyện để xây dựng NTM chỉ trên 5 tỷ đồng. Riêng 7 tháng đầu năm 2015, tổng nguồn vốn huy động thực hiện chương trình NTM của huyện khoảng gần 4 tỷ đồng, trong đó, ngân sách tỉnh phân bổ là 725 triệu đồng còn lại là ngân sách địa phương và nhân dân đóng góp. Do nguồn vốn hạn hẹp nên việc hoàn thành các tiêu chí cần nhiều kinh phí như giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa… gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, đến nay chỉ có 3/13 xã đạt chuẩn về tiêu chí thủy lợi; toàn huyện mới chỉ có 76,83 km/216,68 km kênh mương nội đồng được kiên cố hóa (tỷ lệ 35,45%).
Cũng theo ông Chương, các giải pháp phát triển sản xuất phù hợp để nâng cao thu nhập cho người dân chưa được triển khai hiệu quả. Mặc dù thời gian qua, huyện đã tập trung chỉ đạo các xã chuyển dịch cơ cấu cây trồng, chăn nuôi gia súc, giúp người dân thoát nghèo, tuy nhiên, cái khó là cơ cấu kinh tế nông nghiệp hiệu quả chưa cao, không bền vững, tốc độ tăng trưởng chậm, sức cạnh tranh thấp, phổ biến vẫn là sản xuất nhỏ phân tán, một số nơi còn mang tính tự túc, tự cấp. Bên cạnh đó, việc liên kết trong sản xuất, kinh doanh giữa các hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp chưa hiệu quả, một số HTX không bảo đảm đủ điều kiện hoạt động, còn lúng túng trong việc chuyển đổi mô hình hoạt động, điều chỉnh, bổ sung điều lệ HTX theo luật định.
Nỗ lực gỡ khó
Bên cạnh những khó khăn, không thể phủ nhận qua hơn 4 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM ở huyện Krông Bông đã đạt được những kết quả nhất định. Bộ mặt nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực, cơ sở vật chất được tăng cường, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên để chương trình xây dựng NTM ở Krông Bông về đích đúng hẹn vẫn đang là “bài toán” nan giải. Ông Nguyễn Thanh Chương cho biết, trước mắt, huyện đang tập trung tháo gỡ những khó khăn bằng nhiều biện pháp cụ thể. Đối với tiêu chí môi trường, huyện đã đầu tư xe vận chuyển rác, xây dựng bãi rác tập trung, thành lập các tổ thu gom rác đưa vào khu quy hoạch và hoạt động có hiệu quả. Hầu hết người dân và các cơ sở sản xuất kinh doanh đã thực hiện tốt việc đăng ký tác động môi trường. Huyện cũng tạo điều kiện tối đa cho người nghèo tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong đó ưu tiên cho các đối tượng là dân tộc thiểu số, lao động là hộ chính sách, quân nhân xuất ngũ và hộ nghèo; tiếp tục huy động sự đóng góp của các đơn vị, doanh nghiệp trong việc xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi... Một trong những giải pháp được huyện tập trung thực hiện là đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, nhân rộng các mô hình chăn nuôi, sản xuất đã thành công nhằm nâng cao thu nhập cho người dân như mô hình nuôi nhím, bồ câu Pháp tại xã Hòa Thành, nuôi hươu tại xã Khuê Ngọc Điền, nuôi bò nhốt thâm canh tại xã Hòa Sơn, Hòa Phong...
Trong năm 2015, huyện đã chủ động chi ngân sách gần 800 triệu đồng để sửa chữa, nâng cấp đập bổi, nạo vét kênh tiêu cánh đồng Hố Kè tại xã Hòa Lễ và nạo vét kênh tiêu, mở rộng khẩu độ cống qua đường tại xã Cư Kty. Ngoài ra các xã cũng đã chủ động bố trí ngân sách địa phương, huy động nhân dân nạo vét sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi nhằm chủ động tưới tiêu cho cây trồng. Đối với các tiêu chí cần nhiều kinh phí như giao thông, cơ sở vật chất văn hóa… huyện đã huy động tối đa nguồn ngân sách của huyện, xã và huy động nhân dân tham gia hiến đất, góp ngày công để tiến hành bê tông hóa các tuyến đường giao thông nông thôn và tu sửa, xây mới nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng các thôn, buôn…
Cùng với việc hỗ trợ xây dựng hạ tầng, nhiều biện pháp phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa giúp nâng cao chất lượng đời sống nhân dân được xem là trợ lực kịp thời giúp con đường về đích NTM của huyện sẽ rộng mở hơn. Tuy nhiên, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì chính quyền và nhân dân huyện Krông Bông cần phải chủ động hơn nữa trong việc phát huy nội lực, phát huy tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” để đưa chương trình NTM “về đích” đúng hẹn.