Đại diện Sở Y tế tỉnh Gia Lai, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, Bệnh viện Bạch Mai ký kết thỏa thuận hợp tác về việc tham gia và thực hiện dự án bệnh viện vệ tinh chuyên ngành ung bướu giai đoạn 2016 - 2020. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN |
Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội đã phối hợp cùng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai triển khai dự án Bệnh viện "vệ tinh" chuyên ngành Ung bướu giai đoạn 2016 - 2020 nhằm đưa Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai trở thành “vệ tinh” của Bệnh viện Bạch Mai trong công tác khám, phát hiện và điều trị ung thư.
Theo đó, đề án được chia làm 3 hoạt động chính: thành lập khoa Ung bướu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 12 năm 2016; đào tạo nâng cao năng lực cho các cán bộ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai đồng thời chuyển giao các gói kỹ thuật về hóa trị, phẫu trị, xạ trị và chăm sóc giảm nhẹ các bệnh ung thư thường gặp; đào tạo sử dụng, vận hành hệ thống công nghệ Telemedecine ứng dụng trong hội chẩn từ xa, với tổng kinh phí dự toán khoảng 115 tỉ đồng.
Việc xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai thành bệnh viện "vệ tinh" của Bệnh viện Bạch Mai trong công tác khám, phát hiện và điều trị ung thư trong giai đoạn hiện nay là phù hợp với chiến lược phòng chống ung thư của ngành Y tế Việt Nam; phù hợp với mục tiêu phấn đấu đưa Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai trở thành bệnh viện đa khoa hạng I; nâng cao chất lượng và hiệu quả khám chữa bệnh ung bướu tại địa phương, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Đồng thời tạo điều kiện cho nhân dân trong tỉnh Gia Lai cũng như các tỉnh trong khu vực tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ y tế kỹ thuật cao.
Trong những năm qua, công tác khám chữa bệnh ở tỉnh Gia Lai đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tuy nhiên bên cạnh đó ngành y tế tỉnh vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: mô hình bệnh tật kép; nguồn lực đầu tư cho y tế có tăng, song chưa đáp ứng được yêu cầu, số giường bệnh trên đầu người còn thấp, nhân lực y tế cho lĩnh vực khám chữa bệnh còn thiếu so với nhu cầu thực tế; các kỹ thuật y học cao chưa được phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực ung bướu; khả năng tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao của người dân còn thấp.
Tại tỉnh Gia Lai, trung bình mỗi năm có trên 1.400 bệnh nhân ung bướu phải chuyển lên tuyến trên để chẩn đoán và điều trị. Bên cạnh đó, tỉnh Gia Lai lại nằm cách xa 2 trung tâm y học lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, nên chi phí lên tuyến trên chữa trị rất lớn, vượt khả năng chi trả của người dân, đặc biệt với những đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu vùng xa, điều kiện kinh tế còn khó khăn./.