Ngành y tế Đắk Nông nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường

Ngành y tế Đắk Nông nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường
Các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh ký cam kết thể hiện quyết tâm thực hiện tốt việc giảm thiểu chất thải nhựa. Ảnh: baodaknong.org.vn
Các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh ký cam kết thể hiện quyết tâm thực hiện tốt việc giảm thiểu chất thải nhựa. Ảnh: baodaknong.org.vn

Chất thải nhựa trong y tế phát sinh từ các hoạt động sinh hoạt, dụng cụ sử dụng hàng ngày của các nhân viên y tế, người bệnh, người nhà bệnh nhân cũng như từ các hoạt động chuyên môn trong công tác khám chữa bệnh như bao bì, dụng cụ bao gói chứa đựng thuốc, trang thiết bị vật tư tiêu hao, đồ dùng y tế… Trong đó, phần lớn chất thải nhựa là túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng chỉ sử dụng một lần có tác hại rất lớn và lâu dài tới môi trường.

Theo Trung tâm Y tế huyện Đắk R’Lấp - trung tâm y tế cấp huyện có quy mô lớn nhất tỉnh Đắk Nông hiện nay, hưởng ứng phong trào giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế, toàn đơn vị đã bỏ hoàn toàn việc sử dụng nước đóng chai sử dụng một lần và chuyển sang sử dụng các loại nước đun sôi, nước đóng bình sử dụng nhiều lần. Trung tâm cũng hạn chế sử dụng túi nilon đựng thuốc và đang lập kế hoạch để chuyển sang sử dụng các loại túi tự hoại, túi có nguồn gốc sinh học thay thế. Hiện mỗi ngày Trung tâm Y tế huyện Đắk R’Lấp có khoảng 700 – 800 bệnh nhân ngoại trú nên lượng rác thải phát sinh rất lớn. Trung tâm khuyến cáo bệnh nhân, người nhà bệnh nhân hạn chế sử dụng túi nilon, hộp cơm bằng xốp và chuyển sang dùng các loại hộp đựng thức ăn bằng inox, hộp nhựa sử dụng nhiều lần hoặc ăn uống tại căn-tin để hạn chế các loại túi, hộp đựng thực phẩm chỉ sử dụng một lần.

Theo bác sỹ Đào Kim Nghiệp - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đắk R’Lấp, Trung tâm đã lên kế hoạch cụ thể, với lộ trình rõ ràng trong việc giảm thiểu rác thải nhựa từ nay đến năm 2025. Chẳng hạn như hiện nay, mỗi năm Trung tâm sử dụng khoảng 600 kg túi nilon các loại, dự kiến sẽ giảm dần theo các năm và đến năm 2025 sẽ chuyển sang sử dụng hoàn toàn bằng túi giấy, túi nilon tự hủy sinh học. Các loại vật tư y tế, chất thải y tế bằng nhựa cũng được lên kế hoạch giảm thiểu, thay thế cụ thể, đảm bảo tới năm 2025 khối lượng sử dụng chỉ bằng 30 – 70% so với hiện nay.

Cũng theo bác sỹ Nghiệp, khó khăn lớn nhất hiện nay là các loại vật liệu thay thế túi nilon, vật dụng bằng nhựa còn chưa phổ biến, giá thành cũng cao hơn từ 2 – 3 lần. Trung tâm Y tế Đắk R’Lấp xác định nếu chỉ tuyên truyền, vận động sẽ không hiệu quả. Chỉ khi đội ngũ y bác sỹ, cán bộ công nhân viên và người lao động của Trung tâm làm trước thì người bệnh, người nhà bệnh nhân mới thực hiện theo. Do đó, Trung tâm Y tế huyện Đắk R’Lấp mong muốn có nguồn cung các sản phẩm với giá thành rẻ hơn hoặc ngành chức năng có các chính sách trợ giá thiết thực để việc áp dụng không phát sinh thêm chi phí cho đơn vị.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông, việc giảm thiểu rác thải nhựa đã trở thành một nhiệm vụ thường xuyên, được thực hiện định kỳ. Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện đã tổ chức phát động phong trào “Nói không với sản phẩm làm từ nhựa sử dụng một lần”, đồng thời tổ chức nhiều đợt vệ sinh, thu gom rác thải từ nhựa và phân loại, xử lý theo quy định. Bác sỹ Chu Thị Kim Hồng - Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết, việc sử dụng các sản phẩm túi nilon, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần đã trở thành thói quen hàng ngày của đa số người dân, nhất là trong môi trường Bệnh viện, nơi mà tính tiện dụng của các sản phẩm này dễ “chinh phục” bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Bệnh viện xác định việc thay đổi thói quen này phải bắt đầu từ đội ngũ y bác sỹ, cán bộ công nhân viên, người lao động tại đơn vị, do đó Bệnh viện đẩy mạnh tuyên truyền về nguy cơ ô nhiễm nhựa và nilon tại các buổi giao ban, hội nghị cơ quan. Các sản phẩm nhựa sử dụng một lần được hạn chế dùng ở mức thấp nhất. Vai trò nêu gương của các y bác sỹ, nhân viên đối với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân trong vấn đề này được thực hiện tối đa. Hiện nay, Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Nông đang lên kế hoạch lắp đặt một số pano, bảng hiệu tuyên truyền trực quan về vấn đề này. Ban lãnh đạo Bệnh viện cũng lưu ý các phòng, ban trực thuộc, đội ngũ y, bác sỹ chú trọng hơn công tác phân loại rác thải tại nguồn, đảm bảo các sản phẩm có thể tái chế được phân loại, tái chế theo quy định, giảm thiểu xả thải ra môi trường.

Theo ông Trần Văn Hùng - Phó Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông, việc giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành y tế Đắk Nông được thực hiện sâu rộng từ các đơn vị cấp tỉnh, các trung tâm y tế huyện, hệ thống trạm y tế xã cũng như các đơn vị liên quan. Bên cạnh việc thay đổi thói quen sử dụng các loại sản phẩm túi nilon, các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, ngành y tế còn tập trung đẩy mạnh công tác thu gom, phân loại rác thải để xử lý, tái chế ngay từ đầu. Từ đầu năm 2019 đến nay, các đơn vị trực thuộc ngành y tế Đắk Nông đã huy động gần 700 cán bộ, viên chức, người lao động tham gia vệ sinh môi trường, thu gom gần 200 kg rác thải nhựa, khơi thông cống rãnh, làm vệ sinh khoảng 5 km khu vực công cộng; tổ chức 9 buổi giao ban, tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa.

Cũng theo Sở Y tế Đắk Nông, việc hạn chế, phấn đấu tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng vật liệu nhựa dùng một lần và nilon khó phân hủy trong ngành y tế là rất cần thiết. Tuy nhiên, công việc này cần quá trình cụ thể, lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ riêng ngành mà của cả hệ thống chính trị và cộng đồng.
Hưng Thịnh

Có thể bạn quan tâm