Khắc phục tác động xấu từ xây dựng công trình thủy điện vừa, nhỏ ở Sơn La

Khắc phục tác động xấu từ xây dựng công trình thủy điện vừa, nhỏ ở Sơn La
Bể chứa nước sinh hoạt của người dân tái định cư thủy điện Sơn La tại xã Mường Bằng (huyện Mai Sơn) không có nước vào mùa khô. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN
Bể chứa nước sinh hoạt của người dân tái định cư thủy điện Sơn La tại xã Mường Bằng (huyện Mai Sơn) không có nước vào mùa khô. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Tính đến năm 2018, trong tổng số 65 dự án thủy điện nhỏ đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết có 64/65 dự án được UBND tỉnh Sơn La quyết định chủ trương đầu tư.

Tính đến 30/7/2019, tỉnh Sơn La có 47 dự án đã hoàn thành, phát điện lên lưới quốc gia với tổng công suất lắp máy 526,9 MW; điện lượng trung bình năm theo thiết kế là 1,9 tỷ kWh; giá trị sản xuất công nghiệp khoảng 2.100 tỷ đồng/năm.

Các nhà máy thủy điện đi vào hoạt động góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, việc xây dựng các công trình thủy điện ảnh hưởng tới sử dụng đất đai, di dời nhiều hộ dân.

Ngoài ra còn làm thay đổi môi trường sinh thái khu vực dự án như: thay đổi chế độ dòng chảy tự nhiện, mất nguồn lợi thủy sản khu vực từ đập chứa nước đến nhà máy phát điện.

Một số chủ đầu tư trong giai đoạn thi công chưa tuân thủ quy định, đúng cam kết về môi trường dẫn tới tình trạng vận chuyển vật liệu, thiết bị máy móc quá tải làm hư hỏng tuyến đường giao thông. Các cơ quan quản lý, chủ đầu tư cũng chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành những quy định pháp luật trong quá trình thi công, vận hành công trình thủy điện...

Huyện Mường La là địa phương có số lượng nhà máy thủy điện nhiều nhất tỉnh. Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Bắc cho biết, Mường La hiện có 19 dự án thủy điện vừa và nhỏ; trong đó, 14 dự án đã hoàn thành phát điện. Các nhà máy thủy điện khi đưa vào khai thác góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, tạo nguồn thu ngân sách của địa phương thông qua việc nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài nguyên nước; tạo việc làm cho lao động tại địa phương. Tuy nhiên, quá trình đầu tư, xây dựng thủy điện gây ảnh hưởng đến môi trường, làm thay đổi dòng chảy cũng như cuộc sống của nhiều người dân.

Huyện Yên Châu có 3 nhà máy thủy điện đã đi vào vận hành, khai thác nhưng gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và mất cân bằng hệ sinh thái vùng hạ du đập.

Ông Vì Văn Thỏa, Chủ tịch UBND xã Tú Nang (huyện Yên Châu) phản ánh, trong quá trình thi công nhà máy thủy điện To Buông và Đông Khùa, các phương tiện giao thông vận chuyển vật liệu, thiết bị máy móc làm hỏng tuyến đường của xã, như đường vào bản Tin Tốc. Việc chặn và nắn dòng chảy của nhà máy thủy điện To Buông khiến thiếu nguồn nước sản xuất nông nghiệp.

Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên Lê Văn Kỳ thông tin, địa phương hiện có 13 nhà máy thủy điện; trong đó, 9 nhà máy đang vận hành, khai thác và 4 nhà máy đang xây dựng. Các dự án thủy điện được đưa vào hoạt động phần nào góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhưng ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, mất cân bằng hệ sinh thái vùng hạ du đập. Quá trình thi công, các phương tiện giao thông trọng tải lớn lưu thông làm giảm chất lượng tuyến đường của địa phương. Một số nhà máy thủy điện đổ thải không đúng quy định tại những diện tích đất chưa được thu hồi gây khiếu kiện trong nhân dân.

Bắc Yên là huyện vùng cao có địa hình chia cắt, độ dốc lớn, mặt bằng hạn hẹp nên việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng làm các công trình thủy điện ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Yên Cầm Văn Đông chia sẻ, Phù Yên hiện có 6 dự án thủy điện nhỏ; trong đó, 2 công trình đã hoàn thành và phát điện. Mặt tích cực của dự án thủy điện mang lại là tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên bổ sung nguồn năng lượng quốc gia, đóng góp ngân sách địa phương. Mặt tiêu cực là ảnh hưởng một phần đến hệ sinh thái khu vực cũng như môi trường, đời sống văn hóa người dân nơi dự án thu hồi đất, vùng hạ du, nhất là về điều kiện sinh hoạt, canh tác nông nghiệp.

Huyện Phù Yên kiến nghị, trong quá trình xây dựng nhà máy thủy điện, chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện cam kết bảo vệ môi trường sinh thái, tài nguyên đất, tài nguyên nước tại khu vực dự án trong khi thi công và khi hoàn thành đi vào hoạt động. Chủ đầu tư cần thực hiện các phương án trồng rừng, trồng trả lại cảnh quan môi trường và phương án phòng hộ, phòng vệ công trình trong dự án đầu tư tổng thể. Các chủ đầu tư làm tốt việc xây dựng phương án ứng phó thiên tai và phương án ứng phó công trình khẩn cấp. 

Đại biểu Quốc hội Quàng Văn Hương - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La cho rằng, quản lý nhà nước đối với dự án thủy điện vừa và nhỏ trện địa bàn tỉnh Sơn La cần được tăng cường ngay từ khâu khảo sát và đánh giá rõ tác động của công trình, từ việc sinh kế của người dân đến sự phát triển kinh tế - xã hội, môi trường, văn hóa của địa phương. Việc xây dựng nhà máy thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn phải tạo được sự đồng thuận của người dân. Quá trình xây dựng nhà máy thủy điện cần phải đạt được ba mục đích là hiệu quả kinh tế, xã hội và hiệu quả môi trường.

Quy hoạch, phát triển các dự án thủy điện phải gắn với cân đối nhu cầu về đất sử dụng cho dự án và nhu cầu đất đang có thực tế tại địa phương. Trường hợp người dân tại địa phương đang thiếu đất sản xuất thì không thể bằng mọi cách dành đất cho dự án thủy điện.

Khi nhà máy thủy điện đi vào hoạt động phải có một quy trình thống nhất giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp trong vận hành hệ thống hồ chứa để giảm thiểu tác động tiêu cực, thiệt hại do thiên tai gây ra, nhất là mùa mưa không để ảnh hưởng tới người dân.

Những vùng xã, bản nhường đất làm nhà máy thủy điện cũng cần có cơ chế ưu tiên như: đầu tư cơ sở hạ tầng, chính sách phát triển lâm nghiệp hay tạo sinh kế cho người dân. Doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm phải kiên quyết xử lý.

UBND tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nâng chất lượng lập, thẩm định, đề xuất quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư; phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, phương án bảo vệ đập, phương án vận hành hồ chứa, phương án cắm mốc hành lang hồ chứa và phòng, chống lụt bão của các nhà máy thủy điện.

Đối với các nhà máy thủy điện đã phát điện, UBND tỉnh Sơn La yêu cầu các cấp, ngành thực hiện tốt trong việc phối hợp quản lý đảm bảo đồng bộ công tác lãnh đạo, quản lý, kiểm tra để chủ đầu tư thực hiện đúng quy định của pháp luật trong vận hành, sản xuất, kinh doanh và làm nghĩa vụ với Nhà nước cũng như nhân dân địa phương. Đối với các dự án đang thi công, tỉnh Sơn La yêu cầu các cấp, ngành tăng cường kiểm tra đảm bảo chất lượng công trình; các cam kết về môi trường; tiến độ thi công công trình để sớm hoàn thành công trình đưa vào phát điện…
 
Nguyễn Cường
TTXVN

Có thể bạn quan tâm