Vĩnh Long thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Ảnh: baovinhlong.com.vn |
Tỉnh vận động các doanh nghiệp đẩy mạnh đổi mới, ứng dụng khoa học-công nghệ, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa Việt Nam. Tỉnh khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển hệ thống phân phối, đưa hàng Việt đến tận tay người tiêu dùng, đặc biệt là đối với các vùng nông thôn, khu vực đông công nhân. Bên cạnh đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Long và các đoàn thể chính trị-xã hội tăng cường phối hợp tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên nâng cao ý thức về ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng hóa sản xuất trong nước; nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc sử dụng hàng hóa nội địa khi thực hiện mua sắm công. Ngoài ra, các ngành thành viên của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tỉnh Vĩnh Long phối hợp điều tra, khảo sát thị trường, nhu cầu người tiêu dùng và các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phân phối hàng hóa… để có phương án đưa hàng Việt Nam đảm bảo mẫu mã, chất lượng, giá hợp lý đến tay người tiêu dùng. Theo Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Sang, hiệu quả của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh không chỉ dừng lại ở việc cung cấp sản phẩm đơn thuần. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã tập trung đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, điều chỉnh giá cả phù hợp và đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Hiện hàng Việt chiếm trên 80% mạng lưới phân phối hàng hóa ở địa phương, qua đó cho thấy người tiêu dùng đã quan tâm đến hàng hóa sản xuất trong nước và lựa chọn hàng Việt khi tiêu dùng. Ngoài ra, việc mua sắm và tiêu dùng hàng Việt sản xuất trong nước, trong tỉnh là tiêu chí ưu tiên hàng đầu trong mua sắm tài sản công ở tất cả các địa phương trong tỉnh. Năm 2018, các ngành thành viên của Ban Chỉ đạo cuộc vận động đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp cận nguồn vốn, đổi mới công nghệ, hạ giá thành sản phẩm, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, đồng thời đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí. Bên cạnh đó, tỉnh còn xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, ưu tiên xây dựng, phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi để các hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp đưa sản phẩm Việt Nam đến tay người tiêu dùng. Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long đã phối hợp với các ban, ngành, doanh nghiệp tổ chức Hội chợ và các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ triển lãm, kết nối cung cầu hàng hóa với các nhà phân phối lớn tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, khu vực Tây Nguyên, các tỉnh phía Bắc để phát triển thị trường tiêu thụ. Tỉnh cũng đã xây dựng được 73 điểm kinh doanh thực phẩm an toàn ở các chợ trên địa bàn. Trong năm, siêu thị Co.op-Mart trên địa bàn tỉnh tổ chức 18 đợt đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp… góp phần kích cầu tiêu dùng và tạo điều kiện cho người dân nâng cao ý thức sử dụng hàng Việt Nam chất lượng cao.
Phạm Minh Tuấn