Vang vọng thanh âm đại ngàn giữa lòng phố Núi Pleiku

Vang vọng thanh âm đại ngàn giữa lòng phố Núi Pleiku

Giữa lòng phố Núi Pleiku chiều Đông se lạnh, những thanh âm trầm hùng, mênh mang hơi thở của đại ngàn vang vọng khắp phố phường. Không dễ gì để du khách thập phương, người dân Gia Lai được tận hưởng, hòa mình vào âm thanh trầm hùng của cồng chiêng, điệu xoang du dương hay làn điệu sử thi đầy ma mị… Những gì tinh túy nhất về sắc thái văn hóa người địa phương được phô diễn giữa lòng phố Núi của hơn 500 nghệ nhân đã chinh phục những vị du khách và người dân bản địa khó tính nhất.

Vang vọng thanh âm đại ngàn giữa lòng phố Núi Pleiku ảnh 1Chương trình biểu diễn cồng chiêng đường phố Pleiku năm 2022 thu hút đông đảo công chúng, du khách. Ảnh: Quang Thái – TTXVN

Đến hẹn lại lên, Tuần văn hóa- du lịch tỉnh Gia Lai năm 2022 tiếp tục là điểm nhấn trong tiến trình gìn giữ, phát huy các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch của tỉnh Gia Lai. Công phu, hoành tráng, tụ hội những nét văn hóa đặc sắc, đậm đà bản sắc nhất của dân tộc bản địa… là những gì Tuần lễ văn hóa- du lịch mang đến cho công chúng.

Bắt đầu từ điểm Nhà văn hóa thiếu nhi tỉnh Gia Lai, hơn 500 nghệ nhân ưu tú nhất của thành phố Pleiku đã truyền đến công chúng những tiết mục cồng chiêng, múa xoang đầy huyền diệu.

Vang vọng thanh âm đại ngàn giữa lòng phố Núi Pleiku ảnh 2Những chàng trai Jrai mạnh mẽ cùng với các nhạc cụ cồng, chiêng. Ảnh: Quang Thái – TTXVN

Từ đường Hoàng Văn Thụ- Trần Phú- Trần Hưng Đạo, đoàn nghệ nhân cuốn hàng ngàn du khách hướng thẳng ra Quảng trường Đại đoàn kết với các điệu xoang dập dìu, âm thanh cồng- chiêng trầm hùng. Với những con người đã quen với thanh âm của đại ngàn có thể sẽ lựa chọn các tiết mục múa xoang uyển chuyển của các cô gái trong sắc phục Jrai, Bahnar để hòa mình.

Vang vọng thanh âm đại ngàn giữa lòng phố Núi Pleiku ảnh 3Những cô gái Jrai uyển chuyển trong từng điệu xoang làm say đắm lòng người. Ảnh: Quang Thái – TTXVN

Với những du khách chưa một lần được hòa mình vào không gian văn hóa cồng, chiêng thì đây thực sự là một trải nghiệm thật tuyệt vời. Và theo cảm nhận của anh Kwon Hyeong Kyu- du khách đến từ xứ sở kim chi (Hàn Quốc), lần đầu tiên được hòa mình vào không gian văn hóa cồng chiêng này thật “wonderful” (kỳ diệu). “Thật may mắn được thưởng thức nền văn hóa này của các bạn, nó rất tuyệt vời. Đây là lần đầu tiên của tôi và tôi cảm thấy nền văn hóa của các bạn rất đáng để tôi khám phá. Vợ tôi là người Gia Lai nên có lẽ sau đợt này tôi sẽ phải tìm hiểu thêm về nền văn hóa của các bạn. Nó rất tuyệt”- anh Kwon Hyeong Kyu chia sẻ.

Vang vọng thanh âm đại ngàn giữa lòng phố Núi Pleiku ảnh 4Pơtual - nhân vật đặt biệt thường làm trò trong các lễ hội của người đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Quang Thái – TTXVN

Với những du khách đã quen với cuộc sống nhộn nhịp ở thành phố lớn, khi được hòa mình vào dòng người với điệu xoang rộn ràng, tiếng cồng chiêng dìu bước tung tăng giữa phố phường trong tiết trời se lạnh khiến họ say mê đến cuồng nhiệt. Họ cùng múa, cùng nhảy, cùng hòa mình vào đoàn nghệ nhân, say trong tiếng cồng chiêng nhịp nhàng. Dọc tuyến đường Trần Hưng Đạo hướng thẳng ra Quảng trường Đại đoàn kết, thanh âm của đại ngàn vang vọng cuốn theo dòng người về với núi rừng Tây Nguyên.

Du khách Nguyễn Thị Huyền đến từ thủ đô Hà Nội chia sẻ: "Với tính chất công việc nên tôi đã được đi rất nhiều nơi và thưởng thức nhiều nền văn hóa khác nhau. Nhưng với lễ hội cồng chiêng đường phố như ở thành phố Pleiku-Gia Lai này, đây là lần đầu tiên tôi được may mắn thưởng lãm. Dù mới lần đầu được thưởng thức, nhưng tôi thực sự bị cuốn hút, rất hấp dẫn. Tôi sẽ trở lại đây vào thời gian tới và sẽ cố gắng thưởng thức thêm một lần nữa không gian lễ hội đặc biệt này".

Vang vọng thanh âm đại ngàn giữa lòng phố Núi Pleiku ảnh 5Biểu diễn cồng chiêng đường phố tại thành phố Pleiku với hơn 500 nghệ nhân tham gia. Ảnh: Quang Thái – TTXVN

Chương trình biểu diễn cồng chiêng đường phố là một hoạt động nằm trong Tuần văn hóa- du lịch tỉnh Gia Lai năm 2022. Dù là một hoạt động nhỏ nhưng nó đã mang lại sức hút rất lớn đối với khách du lịch trong và ngoài tỉnh Gia Lai. Đây sẽ là tiền đề để Pleiku phát huy các di sản này gắn với phát triển du lịch trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Xuân Hà, Trưởng phòng Văn hóa thông tin thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai): "Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng các kế hoạch, chương trình cụ thể để gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa cồng chiêng gắn với phát triển du lịch. Các chương trình như biểu diễn cồng chiêng đường phố, cồng chiêng cuối tuần, thi hát dân ca- sử thi, Festival cồng chiêng… sẽ là điểm nhấn để thu hút khách du lịch thập phương đến với Gia Lai".

Quang Thái

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm