Ước mơ trở thành làng nghề kết hợp du lịch

Ước mơ trở thành làng nghề kết hợp du lịch
Chúng tôi đến Hợp tác xã Nông nghiệp Thảo Nguyên vào một ngày cuối tháng 11. Chuyến đi đã đem đến cho chúng tôi nhiều xúc cảm, xen trộn giữa miên man lãng mạn của “mùa vàng” Tây Nguyên và tiếc nuối trước sự mai một của một làng nghề tiểu thủ công nghiệp.
 
Chị Đào giới thiệu những sản phẩm trước đây của hợp tác xã. Ảnh: N.D
Chị Đào giới thiệu những sản phẩm trước đây của hợp tác xã. Ảnh: N.D

Lụi tàn một làng nghề?

Chào đón chúng tôi là những thảm cúc quỳ vàng rực dọc hai bên đường dốc Hàm Rồng, tiếp đến là những rặng cây mát rượi, phía dưới trải dài một màu xanh chè Bàu Cạn. Hút tầm mắt là hồ nước mênh mông, xanh thẳm uốn lượn quanh những vườn chè, cà phê bạt ngàn trông thật trù phú, êm đềm… Nhưng cảm giác phấn khích đó bỗng “khựng” lại khi xe chúng tôi đến cổng Hợp tác xã, trên khu đất rộng hơn 4 ha, nhà sàn, nhà kho, khu sản xuất được đầu tư khang trang nhưng vắng vẻ.

Nhìn những thùng đồ thổ cẩm chất đống, những mô hình nhà rông, các sản phẩm đan lát, đồ gỗ lưu niệm… phủ đầy bụi, chúng tôi không khỏi xót xa. Nhớ lại thời “hoàng kim” của nghề tiểu thủ công nghiệp đan lát của Hợp tác xã cách đây chừng 5 năm, chị Trần Thị Anh Đào-phụ trách mây tre đan của Hợp tác xã tiếc nuối: “Thời đó, lượng hàng đặt từ Hợp tác xã Ba Nhất (TP. Hồ Chí Minh) rất lớn, nhất là sản phẩm bàn ghế làm từ bẹ chuối. Lúc đó, công mỗi lao động có ngày lên đến 200.000 đồng/người nên ai cũng hồ hởi làm. Sau này lượng hàng đặt giảm, chủ yếu là các sản phẩm nhỏ như giỏ, đồ lưu niệm, ngày công lao động giảm xuống còn khoảng 70.000 đồng/ngày nên xã viên không mặn mà, ít người chịu làm và đến giờ thì Hợp tác xã gần như không còn hoạt động. Nghĩ lại mà tiếc, bởi để có những hợp đồng từ phía đối tác, chúng tôi phải lặn lội đi tìm, tiếp cận, đặc mối quan hệ. Giờ họ vẫn hoạt động bình thường chủ yếu là làm bằng nguyên liệu bèo, trong khi nguồn nguyên liệu bẹ chuối ở Tây Nguyên khá lớn, không sử dụng quả uổng phí”.   

Mong trở thành làng nghề du lịch

Dẫn chúng tôi tham quan quanh Hợp tác xã, giới thiệu về tiềm năng cũng như những cảnh quan khu vực, nhất là những cảnh đẹp nhìn từ phía đập Hoàng Ân, ông Trịnh Quang Hải-Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Thảo Nguyên cho rằng: Cái khó nhất hiện nay của Hợp tác xã đó là khâu tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm của Hợp tác xã chủ yếu là làm bằng tay rất khó cạnh tranh với những sản phẩm công nghiệp, hơn nữa việc giao dịch mua bán hạn chế, chủ yếu tại địa phương. Vì vậy, theo ông để phát triển và duy trì nghề sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, cần có các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhất là việc xúc tiến thương mại tìm đầu ra cho sản phẩm như tổ chức tham gia các hội chợ, triển lãm. Đồng thời, nên đầu tư thêm các loại máy móc, thiết bị để kết hợp sản xuất giữa thủ công và cơ giới mới hạ giá thành, tăng tính cạnh tranh trên thương trường. Đặc biệt là giải pháp nghiên cứu phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống thành điểm du lịch, để du khách tham quan tìm hiểu rồi mua sắm thì mới có khả năng phát triển mạnh các làng nghề thủ công mỹ nghệ”.

Cũng theo ông Trịnh Quang Hải thì Hợp tác xã cũng đã nhiều lần bàn bạc tìm hướng đi mới, tạo điều kiện tăng thu nhập cho xã viên như nuôi heo rừng, hợp tác sản xuất viên nén làm chất đốt và hiện nay là dự án trồng cỏ, nuôi bò địa phương… Tuy nhiên, đến nay nhiều dự án vẫn chưa được triển khai hoặc có triển khai nhưng không hiệu quả do vướng nhiều vấn đề, mà chủ yếu vẫn là do thiếu vốn.

Nếu như có thể xây dựng làng nghề kết hợp du lịch, đồng thời triển khai các dự án kinh tế nhằm lấy ngắn nuôi dài, hỗ trợ lẫn nhau thì trong tương lai không xa Hợp tác xã Nông nghiệp Thảo Nguyên sẽ phát triển vững mạnh. Không những mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho Hợp tác xã mà còn phát huy và bảo tồn được nghề thủ công mỹ nghệ trên địa bàn, gìn giữ bản sắc văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên.

Có thể bạn quan tâm