Do ảnh hưởng của bão số 6, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có mưa to đến rất to; nhiều điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở, lũ quét và ngập lụt cao.
Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết: Tại huyện miền núi này trước diễn biến phức tạp của bão số 6, địa phương huy động lực lượng tổ chức sơ tán 168 hộ/663 nhân khẩu thuộc xã Ga Ry đến nơi an toàn. Đồng thời, 10 hộ với 44 nhân khẩu tại thôn H’júh (xã Ch'Ơm) cũng được sơ tán khẩn cấp do bị uy hiếp bởi sạt lở đất, xuất hiện vết nứt sụt trên đỉnh đồi... Bên cạnh đó, huyện huy động lực lượng hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, thu hoạch lúa, khơi thông dòng chảy tại một số điểm xung yếu và kiểm tra các sườn đồi gần khu dân cư.
Tại Trung tâm Y tế huyện Tây Giang cũng đã xuất hiện tình trạng sụt lún, nứt gãy nền, tường nhà bất thường. Qua rà soát, địa phương phát hiện nhiều khu vực phòng làm việc chuyên môn của Trung tâm Y tế huyện bị đe dọa bởi sạt lở, một số dãy tường và nền nhà có dấu hiệu sụt lún, nứt gãy rất nguy hiểm.
Theo Trung tâm Y tế huyện Tây Giang, nhiều khoa, phòng làm việc, điều trị của đơn vị bị hư hỏng, xuống cấp, thiếu nhiều công trình phụ trợ. Thời gian gần đây do ảnh hưởng của các đợt mưa lũ khiến vị trí nền nhà kho chính Khoa Dược của trung tâm bị sụt lún, nứt gãy diện rộng bất thường (khoảng 100m2); khu dịch vụ Kỹ thuật mổ - xét nghiệm - chẩn đoán hình ảnh (khoảng 300m2) nhiều chỗ bị nứt tường diện rộng, thấm dột, ẩm mốc... Đặc biệt, bên trong phòng mổ bị bong và rớt các tấm gạch men ốp tường, cũng như sụt lún nền nhà bất thường, có nguy cơ tiềm ẩn sập nền và tường nhà, đe dọa đến an toàn cho cán bộ, viên chức, người lao động, bệnh nhân và tài sản công của đơn vị.
Bác sĩ Zơrâm Báo, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tây Giang cho biết, với hiện trạng cơ sở hạ tầng bị hư hỏng, xuống cấp này ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác an toàn phẫu thuật. Nguy cơ tiềm ẩn gây nhiễm trùng hậu phẫu, ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc và điều trị người bệnh; không đảm bảo an toàn tính mạng cho ê-kíp phẫu thuật và bệnh nhân.
Trước tình trạng trên, huyện Tây Giang đang rà soát toàn bộ khu vực bị ảnh hưởng để có biện pháp xử lý tạm thời, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng người bệnh và đội ngũ y bác sĩ của đơn vị. Trước mắt, huyện huy động lực lượng hỗ trợ, chủ động phương án di dời tạm thời để đảm bảo an toàn cho cán bộ, viên chức, người lao động, bệnh nhân, cũng như phương tiện, máy móc phục vụ chuyên môn y tế.
Còn tại xã Phước Gia (huyện Hiệp Đức), qua kiểm tra tình hình sạt lở trước khi bão số 6 đổ bộ, xã đã phát hiện trên đỉnh đồi ngay chính giữa khu dân cư Nà Nổ xuất hiện một vết nứt có độ sâu 1m, dài 30m dạng vòng cung bán kính 10m, ước khối lượng đất đá có nguy cơ sạt lở 100m3.
Chủ tịch UBND xã Phước Gia Nguyễn Thành Liêm cho biết, địa phương đã đặt biển cảnh báo, bố trí lực lượng canh gác 24/24h tại khu vực đồi núi phía sau khu dân cư Nà Nổ thuộc thôn Gia Cao (xã Phước Gia), tuyệt đối không cho người dân quay về nhà để tránh nguy cơ sạt lở. Chính quyền đã huy động lực lượng công an, xã đội, dân quân thường trực, đoàn viên thanh niên, phụ nữ, tiến hành vận động và hỗ trợ bà con di dời đến nơi an toàn.
Tính đến 18 giờ chiều 26/10, toàn bộ 30 hộ với 163 nhân khẩu ở khu dân cư Nà Nổ, phần lớn là đồng bào Ca Dong đã được bố trí đến ở tạm tại khu vực Trường Tiểu học Kpa-Kơ Long. Ngoài ra, xã Phước Gia cũng đã bố trí sơ tán 3 hộ với 11 nhân khẩu ở khu vực lân cận có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.
Cũng theo ông Nguyễn Thành Liêm, trong chiều 26/10, xã sẽ đưa phương tiện cơ giới tạo mương chia nước trên đỉnh núi phía sau khu dân cư Nà Nổ nhằm giảm lượng nước mưa đổ về vị trí vết nứt.
Trước tình hình các vết nứt, sụt lún nguy hiểm đến tính mạng của người dân xảy ra tại một số địa phương, UBND tỉnh Quảng Nam đã Quyết định công bố tình huống khẩn cấp. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho Chủ tịch UBND - Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện Tây Giang, Hiệp Đức triển khai thực hiện biện pháp khẩn cấp để ứng phó, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Trần Tĩnh