Quang cảnh buổi hội thảo.Ảnh: Nguyễn Hoài Nam-TTXVN |
Tại Hội thảo, đại biểu các tỉnh Tây Nguyên đã dành phần lớn thời gian đi sâu thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn mang lại hiệu ứng tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế hộ gia đình; vai trò của hệ thống chính trị, già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong cuộc vận động làm thay đổi nhận thức của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.
Thời gian qua, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế khu vực Tây Nguyên đạt được những kết quả đáng khích lệ, tỷ lệ bình quân chung toàn vùng cao hơn bình quân chung của cả nước. Song theo đánh giá còn thiếu tính bền vững, tỷ lệ còn thấp so với tiềm năng.
Để mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội trong thời gian tới, Hội thảo đưa ra một số giải pháp cụ thể phù hợp với từng đối tượng thụ hưởng. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền chính sách mới hỗ trợ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, theo đó mức hỗ trợ được qui định đối với chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn là 30%, hộ cận nghèo 25% và các đối tượng khác 10%. Bên cạnh đó, tiếp tục kiện toàn, mở rộng mạng lưới đại lý thu bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình hợp lý, đầy đủ biển hiệu, thông tin để người dân dễ nhận biết; phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, tổ trưởng tổ dân phố trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và quyền lợi hữu ích khi tham gia bảo hiểm xã hội...
Tính đến cuối tháng 9/2017, toàn vùng Tây Nguyên có trên 335 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội, chiếm khoảng 12% lực lượng lao động trong khu vực; trong đó gần 330 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, hơn 6.500 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Sau 2 năm thực hiện Luật bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung, toàn vùng Tây Nguyên có gần 4,5 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, chiếm tỷ lệ bảo phủ hơn 79% so với dân số toàn vùng.
Nguyễn Hoài Nam