Điểm chuẩn xét tuyển đại học bằng phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay khá cao nhưng chỉ tập trung ở một số ngành tốp trên, thu hút nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển. Trong khi đó, một số ngành, trường đại học vẫn thiếu chỉ tiêu và các trường sẽ tiếp tục xét tuyển bổ sung.
Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh vừa thông báo xét tuyển bổ sung (đợt 1) đại học chính quy năm 2020 tại Phân hiệu Vĩnh Long. Tổng số chỉ tiêu cho đợt bổ sung này là 145 cho 6 ngành đào tạo. Cụ thể, các ngành Quản trị kinh doanh, chuyên ngành Quản trị; ngành Kế toán, chuyên ngành Kế toán doanh nghiệp, mỗi ngành tuyển 25 chỉ tiêu. Các ngành Tài chính ngân hàng, chuyên ngành Ngân hàng; ngành Kinh tế, chuyên ngành Kinh tế và Kinh doanh nông nghiệp; ngành Hệ thống thông tin quản lý, chuyên ngành Thương mại điện tử, tuyển 20 chỉ tiêu mỗi ngành. Ngành Kinh doanh quốc tế tuyển 35 chỉ tiêu.
Phạm vi tuyển sinh gồm học sinh có hộ khẩu thường trú tại 13 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, gồm: An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long.
Trong đợt xét tuyển bổ sung này, trường thực hiện 2 phương thức xét tuyển, gồm xét tuyển học bạ trung học phổ thông (25% chỉ tiêu) và xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020 (các chỉ tiêu còn lại). Trong đó, phương thức xét tuyển học bạ học sinh có điểm trung bình tổ hợp môn đăng ký xét tuyển năm lớp 10, lớp 11 và lớp 12 từ 6,5 trở lên. Phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 mức điểm đủ điều kiện nhận hồ sơ xét tuyển theo tổ hợp môn xét tuyển là 16 điểm. Trường nhận hồ sơ từ nay đến ngày 15/10 và công bố kết quả ngày 20/10.
Trước đó, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tuyển 300 chỉ tiêu cho 6 ngành đào tạo tại Phân hiệu Vĩnh Long, mỗi ngành 50 chỉ tiêu.
Trường Đại học quốc tế, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng tiếp tục thực hiện xét tuyển bổ sung bằng phương thức xét kết quả Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2020 cho 16 ngành đào tạo do trường cấp bằng và 10 ngành đào tạo liên kết với đại học nước ngoài. Như vậy, ngoài ba ngành có điểm chuẩn khá cao như Ngôn ngữ Anh (27 điểm); Logistics và quản lý chuỗi cung ứng (24,75 điểm); Quản trị kinh doanh (26 điểm), tất cả các ngành còn lại của trường đều phải tiếp tục xét tuyển bổ sung với điểm sàn bằng điểm chuẩn trở lên. Trường nhận hồ sơ đến ngày 20/10.
Cùng với một số trường công lập xét tuyển bổ sung, tại các trường ngoài công lập, chỉ tiêu còn lại cho đợt xét tuyển bổ sung còn khá nhiều, cơ hội rộng mở cho thí sinh chưa trúng tuyển.
Năm nay, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành xét tuyển bằng 4 phương thức, gồm xét học bạ, xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, xét điểm thi năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và xét tuyển thẳng. Hiện các thí sinh trúng tuyển bằng phương thức xét học bạ và xét điểm thi đánh giá năng lực đã nhập học với tỷ lệ 95%. Trước đây trường dành 40% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuy nhiên trường đã điều chỉnh chỉ tiêu lên tới 70% cho phương thức này. Hầu hết các ngành đào tạo của trường vẫn còn chỉ tiêu để xét tuyển bổ sung. Tuy nhiên, chỉ tiêu cụ thể còn phụ thuộc vào tỷ lệ thí sinh trúng tuyển nhập học.
Điểm trúng tuyển các ngành của Trường Đại học Hùng Vương năm nay tăng 1 điểm so với trước với điểm chuẩn các ngành là 15 điểm. Trên cơ sở dữ liệu thí sinh trúng tuyển, chỉ tiêu dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông còn nhiều. Do vậy, còn rất nhiều cơ hội cho thí sinh hiện chưa trúng tuyển. Điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung của trường dự kiến từ 15 điểm cho tất cả các ngành. Ngoài ra, trường tiếp tục xét tuyển học bạ.
Kết thúc đợt 1 xét tuyển, nhiều ngành đào tạo của Trường Đại học Văn Hiến vẫn còn chỉ tiêu xét tuyển bổ sung. Tuy nhiên, hiện trường phải chờ thí sinh xác nhận nhập học mới có thể đưa ra chỉ tiêu tuyển bổ sung cụ thể cho từng ngành.
T.Hoài