Tuyển sinh Đại học 2016: Nhiều hồ sơ vẫn lo thiếu chỉ tiêu

Tuyển sinh Đại học 2016: Nhiều hồ sơ vẫn lo thiếu chỉ tiêu
Lo thí sinh “ảo” 
Những ngày qua, tại trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, rất đông thí sinh đến nộp hồ sơ với phổ điểm từ 20 trở lên. Thí sinh Đặng Ngọc Kim Phương ở TP Hồ Chí Minh được 24 điểm ở khối A1 cho biết: “Sau mấy ngày bàn bạc với gia đình và tìm hiểu trên báo chí em quyết định nộp vào 2 trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh và ĐH Ngoại Thương. Em tự tin đậu vào trường Kinh tế hơn vì năm ngoái trường Ngoại thương lấy điểm rất cao". 

Ảnh minh hoạ. Ảnh: Công Thử - TTXVN
Ảnh minh hoạ. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Theo thống kê của các trường như trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, trong 4 ngày trường nhận được khoảng hơn 3.000 bộ hồ sơ với phổ điểm khá cao. Tương tự trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cũng nhận được khoảng hơn 3.500 hồ sơ thông qua hình thức trực tuyến, bưu điện và trực tiếp. Trường ĐH Nông Lâm có hơn 2.500 hồ sơ, trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng khoảng hơn 2.000 hồ sơ. Các trường dân lập cũng nhận được lượng hồ sơ nhiều hơn so với năm 2015, như trường ĐH Kinh tế Tài chính TP Hồ Chí Minh nhận được 670 hồ sơ, trường ĐH Hoa Sen trên 1.200 hồ sơ, trường ĐH Công nghệ nhận được trên 2.000 hồ sơ...

Dù nhận được số lượng hồ sơ nhiều hơn so với mức dự đoán nhưng những trường này vẫn chưa yên tâm sẽ đảm bảo đủ nguồn để xét tuyển nguyện vọng 1. Bởi theo quy định, mỗi thí sinh có được hai phiếu xét tuyển vào hai trường, như vậy chắc chắn thí sinh sẽ nộp một phiếu vào trường tốp đầu và đây là trường các em thật sự mong muốn vào học. Phiếu còn lại sẽ dự phòng vào các trường tốp giữa. 
Thầy Thái Doãn Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết: Hồ sơ nộp vào trường cũng tương đương so với cùng kỳ năm ngoái, và phổ điểm nộp vào nhiều nhất nằm ở mức 17 - 21 điểm. Tuy nhiên, theo tính toán số thí sinh "ảo" rất nhiều, có thể lên tới 50%. Do trường nằm ở tốp giữa nên đối với những thí sinh có mức điểm cao trên 22 điểm sẽ phải tính toán và cân nhắc rất kỹ vì khả năng các em ở mức điểm này vào học sẽ không cao. Dự tính nhà trường tuyển được khoảng 80% chỉ tiêu ở nguyện vọng 1. 
Trong bối cảnh đó, nhiều trường ĐH dân lập chỉ trông chờ vào đợt tuyển sinh sau, do thí sinh nộp hồ sơ vào các trường dân lập ở đợt 1 chỉ là phương án dự bị. Xét tuyển ở đợt 1 sẽ là cuộc chiến giữa các trường công lập còn đợt 2 sẽ là các trường dân lập và các trường tốp giữa. Một đại diện Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP Hồ Chí Minh cũng cho biết: Thời điểm này, trường nhận được nhiều hồ sơ hơn so với những ngày đầu năm 2015. Thế nhưng, do cách xét tuyển năm nay nên nhà trường phải trừ ra 50% số hồ sơ “ảo” để tiếp tục xét tuyển đợt 2. Còn theo tính toán của ĐH Hoa Sen, dù số hồ sơ nộp vào trường đến thời điểm này tăng hơn 20% so với năm ngoái nhưng khả năng trường chỉ tuyển được 70% chỉ tiêu ở đợt 1 còn lại phải chờ ở đợt xét tuyển 2. 
Thận trọng khi nộp hồ sơ 
Năm nay, phổ điểm thi đạt từ 15 điểm trở lên giảm so với năm 2015, trong khi đó chỉ tiêu tuyển sinh tại các trường lại nhiều. Để đảm bảo nguồn tuyển sinh ngay cả những trường tốp trên những năm trước có điểm chuẩn khá cao, năm nay cũng nhận hồ sơ bằng với điểm sàn là 15 điểm. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, việc các trường tốp trên nhận hồ sơ bằng với điểm sàn vô tình gây khó cho các trường tốp dưới và ngay cả cho thí sinh.
Nhìn nhận về vấn đề này ông Nguyễn Chí Thu, Phó Trưởng phòng Tuyển sinh và truyền thông, trường ĐH Hoa Sen cho rằng, việc các trường tốp trên công bố điểm bằng với điểm sàn là cuộc cạnh tranh tuyển sinh giữa các trường, tuy nhiên điều này lại cướp đi cơ hội trúng tuyển của thí sinh ở ngay đợt xét tuyển nguyện vọng 1 và của một vài trường khác. "Tôi đã gặp một vài thí sinh với số điểm 15 - 16 điểm nhưng vẫn nộp vào các trường tốp trên vì không nắm rõ được điểm trúng tuyển ở những trường này nên nộp vào, đến khi biết được thì đã quá muộn bởi năm nay thí sinh không được rút hồ sơ ra", ông Chí Thu cho biết thêm. 
Thầy Thái Doãn Thanh cho rằng, các trường tốp trên khi nhận hồ sơ bằng với điểm sàn về cơ bản sẽ an toàn nguồn tuyển cho trường nhưng lại đẩy thí sinh và các trường tốp dưới vào thế khó. Các trường tốp trên nên lấy một ngưỡng điểm sàng lọc không quá chênh lệch để tránh cho thí sinh lao đao trong việc lựa chọn trường. 
Theo các chuyên gia tuyển sinh, trước những “ma trận” về điểm sàn xét tuyển thí sinh phải cân nhắc kỹ trước khi nộp hồ sơ. Trước hết, thí sinh phải theo dõi điểm trúng tuyển những năm trước của trường mà mình muốn nộp vào chứ không phải là điểm sàn nhận hồ sơ. Các thí nên cân nhắc thật kỹ để lựa chọn được ngành đúng sở thích, khả năng, không nên bằng mọi giá vào được đại học.

Có thể bạn quan tâm