Tuổi trẻ Thông tấn xã Việt Nam hành trình về địa chỉ đỏ

Đoàn viên Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam chăm sóc phần mộ Anh hùng liệt sĩ - nhà báo Bùi Đình Túy, nguyên Phó Giám đốc Thông tấn xã Giải phóng. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN
Đoàn viên Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam chăm sóc phần mộ Anh hùng liệt sĩ - nhà báo Bùi Đình Túy, nguyên Phó Giám đốc Thông tấn xã Giải phóng. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2022), hướng về nguồn cội, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Thông tấn xã Việt Nam đã tổ chức hành trình về những địa chỉ đỏ - nơi lưu dấu các bước chân anh hùng, nơi nằm xuống của các liệt sĩ xả thân vì nền độc lập dân tộc, vì dòng tin chính thống không bao giờ ngừng chảy...

Tuổi trẻ Thông tấn xã Việt Nam hành trình về địa chỉ đỏ ảnh 1Đại diện Đảng ủy, đoàn viên Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam dâng hương trước Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Hành trình là sự tri ân sâu sắc trước sự hy sinh và công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, các thế hệ cha anh, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ trẻ.

Duy trì “mạch máu” thông tin

Những ngày tháng 7, thế hệ trẻ Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam có dịp được cùng các nhân chứng lịch sử của Thông tấn xã Giải phóng ôn lại truyền thống hào hùng tại Bia kỷ niệm Thông tấn xã Giải phóng.

Tuổi trẻ Thông tấn xã Việt Nam hành trình về địa chỉ đỏ ảnh 2 Đại diện Đảng ủy, đoàn viên Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam dâng hương tưởng nhớ các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Cách đây hơn 60 năm, ngày 12/10/1960, dưới tán rừng Chàng Riệc (huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh), Thông tấn xã Giải phóng chính thức ra đời. Suốt 15 năm hoạt động dưới bom đạn kẻ thù (1960 - 1975) từ khu V trở vào, Thông tấn xã Giải phóng luôn duy trì “mạch máu” thông tin và có mặt ở hầu hết các mặt trận, điểm nóng trên chiến trường miền Nam. Với vai trò là cơ quan phát ngôn chính thức, chính thống của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và sau đó là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Thông tấn xã Giải phóng có nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, phổ biến tin tức và kinh nghiệm đấu tranh rất phong phú của đồng bào ở khắp nơi, phản ánh uy thế ngày càng lớn mạnh của phong trào cách mạng và sự suy sụp của ngụy quyền Sài Gòn.

Đối với điện báo viên Đoàn Văn Thiều, nguyên Phó Chánh văn phòng Thông tấn xã Giải phóng (sinh năm 1937) - một trong 6 người đầu tiên của Thông tấn xã Giải phóng - ký ức những năm tháng gian khổ nhưng vô cùng hào hùng về Thông tấn xã Giải phóng vẫn như vừa diễn ra hôm qua.

Tuổi trẻ Thông tấn xã Việt Nam hành trình về địa chỉ đỏ ảnh 3Đại diện Đảng ủy, đoàn viên Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam dâng hương tưởng nhớ các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các anh hùng, liệt sĩ. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Chú Tư Thiều (tên gọi thân mật của điện báo viên Đoàn Văn Thiều) kể, lúc bấy giờ, đơn vị mới thành lập, cơ sở vật chất chưa có gì, chỉ vẻn vẹn có 6 người đảm nhiệm toàn bộ nhiệm vụ thông tin. Hơn nữa, trong số 6 người chỉ có anh Ba Đỗ (Đỗ Văn Ba) là có kinh nghiệm, còn lại đều chưa biết gì về kỹ thuật điện báo. Bàn ghế cũng chưa có nên mọi người đều ngồi trên một chiếc tăng vải. Vậy mà, bằng một chiếc máy phát sóng 15W, Thông tấn xã Giải phóng đã phát đi bản tin đầu tiên của mình.

Chú Tư Thiều kể thêm, trong giai đoạn 1960 - 1972, Thông tấn xã Giải phóng liên tục thay đổi căn cứ từ Chiến khu Tây Ninh, sang Mã Đà (Chiến khu Đ, Đồng Nai), có lúc ở giáp biên giới Campuchia hoặc tạm lánh sang đất bạn Campuchia, rồi trở về Chiến khu Lò Gò (Tây Ninh) khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ở Đông Dương. “Trong quá trình di chuyển dài ngày, trên đường hành quân, đến giờ phát tin, các kỹ thuật viên dừng lại đặt máy thu phát, phát bản tin về Tổng xã tại Hà Nội. Xong việc, mọi người lại thu dọn để tiếp tục hành quân. Khi địch càn vào căn cứ, cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên Thông tấn xã Giải phóng cầm súng chiến đấu để bảo vệ căn cứ, phương tiện làm việc, đồng thời bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt với Tổng xã ở Hà Nội và các địa phương”.

Tuổi trẻ Thông tấn xã Việt Nam hành trình về địa chỉ đỏ ảnh 4Đại diện Đảng ủy, đoàn viên Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam dâng hương tưởng nhớ Anh hùng liệt sĩ - nhà báo Bùi Đình Túy, nguyên Phó Giám đốc Thông tấn xã Giải phóng. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Theo ông Đoàn Văn Thiều, công việc của người điện báo viên cơ quan báo chí giai đoạn đó rất nguy hiểm. Tín hiệu, máy móc thu phát thông tin phải được ưu tiên đảm bảo giữ bí mật, an toàn. “Nếu không có sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa các cán bộ trong đơn vị và ở từng vị trí như người làm nhiệm vụ canh gác, bảo vệ, quan sát từ trên cao, người khẩn trương quay máy phát điện, người thu - phát thông tin thì không thể hoàn thành được nhiệm vụ. Dù hy sinh gian khổ hay bất cứ trong hoàn cảnh nào, nhiệm vụ “làn sóng điện tin luôn thông suốt, không bao giờ tắt”, giữ đúng các phiên làm việc để bảo đảm mạch máu thông tin liên lạc thông suốt liên tục trở thành mệnh lệnh luôn ở trong tim những thành viên của Thông tấn xã Giải phóng”, nhân chứng lịch sử điện báo viên Thông tấn xã Giải phóng Đoàn Văn Thiều chia sẻ.

Được “chi viện” từ miền Bắc vào tham gia “chiến trận thông tin” tại Thông tấn xã Giải phóng từ năm 1973, ông Lý Văn Tích, nguyên Giám đốc Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam Khu vực phía Nam chia sẻ, vào những năm 1973 – 1974, cuộc kháng chiến ở miền Nam diễn ra vô cùng khốc liệt. Khi ấy, đoàn phóng viên Thông tấn xã Giải phóng đi tác nghiệp có 4 người (1 phóng viên ảnh, 2 kỹ thuật quay magoro, 1 người làm tin đánh Moorse). Không may bị địch đánh bom trúng thì có thể hy sinh cùng lúc 4 người. “Chúng tôi là những người may mắn được sống sót và không thể quên đồng đội, đồng chí, những cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên của Thông tấn xã Giải Phóng đã hy sinh hoặc để lại một phần xương máu của mình trên mảnh đất Tây Ninh khốc liệt”, ông Lý Văn Tích ngậm ngùi.

Theo thống kê, trong tổng số hơn 600 nhà báo liệt sĩ của cả nước trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đề quốc Mỹ, Thông tấn xã Việt Nam đã có gần 260 nhà báo liệt sĩ. Trong đó, hơn 240 phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên Thông tấn xã Giải phóng đã vĩnh viễn nằm lại trên chiến trường. Thông tấn xã Giải phóng là cơ quan báo chí có số lượng nhà báo hy sinh nhiều nhất trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam.

Tuổi trẻ Thông tấn xã Việt Nam hành trình về địa chỉ đỏ ảnh 5Đoàn viên Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam chăm sóc phần mộ Anh hùng liệt sĩ - nhà báo Bùi Đình Túy, nguyên Phó Giám đốc Thông tấn xã Giải phóng. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Tiếp nối thế hệ anh hùng

Dưới tán rừng ở huyện Tân Biên (Tây Ninh), trước bia ghi dấu di tích lịch sử gắn với Thông tấn xã Giải phóng, đoàn viên Nguyễn Minh Phú, Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam không giấu nổi cảm xúc. Anh Minh Phú chia sẻ: “Tôi cảm thấy tự hào là thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống của Thông tấn xã anh hùng, và càng vinh dự hơn khi được tham gia những chuyến hành trình trong những ngày tháng 7 đầy ý nghĩa này. Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, thế hệ đi trước sẽ mãi ghi vào trang sử vàng oanh liệt của dân tộc như một thiên anh hùng ca bất diệt, là ánh sáng soi đường cho tuổi trẻ hôm nay. Qua đó, thế hệ trẻ Thông tấn xã hôm nay càng thấy mình phải có ý thức trách nhiệm hơn nữa, phát huy truyền thống anh hùng bất khuất của thế hệ cha anh, ra sức thi đua học tập, rèn luyện, lao động, góp một phần nhỏ bé vào sự phát triển chung của ngành cũng như phong trào của Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam”.

Không chỉ tổ chức các chuyến đi về nguồn tại nơi lưu dấu Thông tấn xã Giải phóng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, các đoàn viên Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam còn tổ chức các đoàn đến thắp hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng; thăm viếng, tặng quà các gia đình liệt sĩ Thông tấn xã Giải phóng.

Ông Trần Tràng Dương, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Thông tấn xã Việt Nam, Phó Giám đốc Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam, nhấn mạnh, máu đào của các thương binh, liệt sĩ đã tô thắm thêm cho lá cờ cách mạng. Tất cả sự hy sinh to lớn của thế hệ đi trước đã để lại cho hôm nay một truyền thống đáng tự hào về sự hy sinh anh dũng, sự phụng sự Tổ quốc trong bất cứ hoàn cảnh nào của một nghề nghiệp cao quý - nghề báo.

Tuổi trẻ Thông tấn xã Việt Nam hành trình về địa chỉ đỏ ảnh 6Đoàn viên Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam thắp hương tại phần mộ các liệt sĩ. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Tiếp nối truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, nhiều năm qua, Thông tấn xã Việt Nam nói chung và Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam nói riêng đã có nhiều hoạt động thăm hỏi, chăm lo cho các gia đình thương binh, liệt sĩ của cơ quan. Đây là những hoạt động có ý nghĩa, thể hiện tình cảm của những người đi sau dành cho những đồng chí, đồng nghiệp đi trước đã hy sinh hoặc để lại một phần thân thể nơi chiến trường trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Với truyền thống tốt đẹp của cả dân tộc, với lòng tự hào là một thành viên của hãng thông tấn quốc gia, Thông tấn xã Việt Nam anh hùng, là thế hệ tiếp nối của Thông tấn xã Giải phóng anh hùng, cựu chiến binh cùng thế hệ trẻ các đơn vị phía Nam của Thông tấn xã Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, cùng Cơ quan chung tay góp sức để chăm lo tốt hơn cho những gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công của Thông tấn xã Việt Nam, Thông tấn xã Giải phóng trên địa bàn. Đoàn viên thanh niên Thông tấn xã Việt Nam đồng thời nỗ lực phấn đấu, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau tích cực tham gia các phong trào thi đua và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trên địa bàn để xứng đáng với truyền thống của Thông tấn xã Giải phóng và để dòng thông tin Thông tấn không bao giờ ngừng chảy.

Chương Đài

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm