Bộ Giao thông Vận tải vừa chính thức ban hành hướng dẫn tạm thời về tổ chức vận tải hành khách đường bộ từ ngày 1/10.
Taxi vẫn có thể hoạt động tại vùng nguy cơ rất cao
Theo hướng dẫn tổ chức hoạt động vận tải hành khách của 5 lĩnh vực đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 do Bộ Giao thông Vận tải ban hành, việc tổ chức hoạt động vận tải hành khách sẽ được thực hiện dựa trên sự đánh giá nguy cơ và quy mô cấp độ dịch (cấp xã hoặc có thể ở quy mô tổ/đội, khu dân cư, khóm/ấp, thôn/xóm).
Cụ thể, cấp 1 là nhóm nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh; cấp 2 là nhóm nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng; cấp 3 là nhóm nguy cơ cao tương ứng với màu cam; cấp 4 là nhóm nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ.
Riêng lĩnh vực vận tải đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị tiếp tục dừng hoạt động vận chuyển hành khách bằng phương tiện giao thông công cộng (trừ xe taxi, xe công nghệ dưới 9 chỗ có vách ngăn với khách, thanh toán điện tử) tại các địa phương/vùng có nguy cơ rất cao. Trường hợp phương tiện vận tải hành khách có hành trình bắt buộc phải đi qua thì không được dừng, đỗ.
Tại địa phương/vùng có nguy cơ cao (cấp 3), các phương tiện giao thông công cộng hoạt động dưới hoặc bằng 50% công suất (chuyến/lượt hoặc số chỗ trên phương tiện).
Tại địa phương/vùng có nguy cơ thấp (cấp 1) và trung bình (cấp 2), các phương tiện giao thông được hoạt động bình thường.
Để đảm bảo yêu cầu phòng dịch, tại địa phương/vùng có nguy cơ rất cao, lái xe taxi, xe công nghệ dưới 9 chỗ (xe hợp đồng, xe du lịch sử dụng hợp đồng điện tử) phải được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng và có kết quả xét nghiệm âm tính COVID-19 trong vòng 72 giờ (kể từ khi nhận kết quả) bằng PCR hoặc test kháng nguyên nhanh.
Tại địa phương/vùng có nguy cơ trung bình và nguy cơ cao: lái xe/ nhân viên phục vụ trên xe phải xét nghiệm COVID-19 hàng tuần (7 ngày/lần) theo phương pháp test nhanh hoặc PCR; tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế theo quy định.
Đối với vận tải hành khách theo tuyến cố định nội tỉnh, xe buýt, taxi, hợp đồng, du lịch, vận chuyển học sinh, sinh viên, Sở Giao thông Vận tải tham mưu UBND cấp tỉnh quyết định đảm bảo theo nguyên tắc đánh giá nguy cơ và quy mô cấp độ dịch.
Đối với vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Sở Giao thông Vận tải hai đầu tuyến tham mưu UBND cấp tỉnh cho phép hoạt động lại tuyến cố định liên tỉnh. Trong quá trình thực hiện, căn cứ vào tình hình dịch tại địa phương, Sở Giao thông Vận tải địa phương hai đầu tuyến thống nhất áp dụng thực hiện tần suất khai thác đảm bảo theo nguyên tắc đánh giá nguy cơ và cấp độ dịch.
Khi tham gia giao thông bằng phương tiện vận tải công cộng đường bộ, hành khách phải tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế.
Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các bến xe, trạm dừng nghỉ phải xây dựng phương án đón, trả hành khách/phương án cho xe ra, vào đáp ứng chặt chẽ các nguyên tắc phòng dịch; trong đó, có cả việc xét nghiệm COVID-19 hàng tuần đối với nhân viên phục vụ
Nhân viên tại bến xe/trạm dừng nghỉ đã tiêm vaccine không phải xét nghiệm
Tại hướng dẫn ban hành, Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu bến xe khách, trạm dừng nghỉ phải xây dựng phương án đón, trả hành khách/phương tiện ra, vào bến xe theo đúng các quy định về phòng, chống dịch; bố trí điểm khai báo y tế, quét mã QR; tổ chức điểm xét nghiệm COVID-19; bố trí phòng hoặc khu vực cách ly tạm thời đảm bảo thông thoáng.
Đồng thời, bến xe khách, trạm dừng nghỉ bố trí khu vực bán vé, phòng chờ và nơi dừng, đỗ phương tiện để hành khách lên, xuống phương tiện bảo đảm giãn cách; tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các khu vực công cộng; niêm yết số điện thoại đường dây nóng của cơ quan chức năng địa phương để thông tin khi có vi phạm quy định về phòng, chống dịch COVID-19.
Người làm việc tại bến xe, trạm dừng nghỉ có tiếp xúc trực tiếp với lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, hành khách phải tuân thủ thông điệp 5K; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế.
“Tại địa phương/vùng có nguy cơ trung bình và nguy cơ cao, nhân viên làm việc tại bến xe/trạm dừng nghỉ phải xét nghiệm COVID-19 hàng tuần (7 ngày/lần); không yêu cầu xét nghiệm đối với người đã tiêm 1 liều vaccine sau 3 tuần hoặc đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng”, Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn.
Đối với đơn vị kinh doanh vận tải, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu phải xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 và phương án xử lý khi có trường hợp mắc COVID-19 theo quy định; chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của phương tiện, lái xe trong suốt quá trình vận chuyển; tăng cường kiểm tra, giám sát thông qua thiết bị giám sát hành trình, camera lắp trên xe ô tô kinh doanh vận tải; tổ chức vệ sinh, khử khuẩn phương tiện hàng ngày và sau mỗi chuyến đi.
Các đơn vị kinh doanh vận tải yêu cầu người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe chỉ dừng đỗ dọc đường (ăn uống, vệ sinh) đúng các địa điểm đã ghi trong lệnh vận chuyển hoặc hợp đồng vận chuyển hành khách. Phương tiện vận tải phải được trang bị nước sát khuẩn, khẩu trang y tế; phải được vệ sinh, khử khuẩn sau mỗi lần phục vụ…
Quang Toàn