Trường Sa Đông – sức sống mãnh liệt giữa trùng khơi

Trường Sa Đông – sức sống mãnh liệt giữa trùng khơi

Đặt chân lên đảo, mọi người đều ngỡ ngàng khi thấy cây xanh được trồng khắp nơi, tán lá sum suê, tỏa bóng mát giữa muôn trùng sóng nước. Dưới sân, từng dãy bàn ghế đá được đặt ngăn nắp, làm nơi nghỉ ngơi, thư giãn cho cán bộ chiến sĩ sau những giờ huấn luyện. Cùng với các chiến sĩ cần mẫn chăm sóc từng cây bàng vuông mới trồng,

Chăm sóc cây bàng vuông trên đảo Trường Sa. Ảnh: TTXVN
Chăm sóc cây bàng vuông trên đảo Trường Sa. Ảnh: TTXVN

Trung tá Hoàng Văn Hạnh - Phó Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa Đông cho biết: Ngoài nước trời, vào mùa nắng nóng, tuy nguồn nước có hạn nhưng chúng tôi vẫn giành cho cây con mới trồng một lượng nước ngọt nhất định để chúng có thể bén rễ nơi môi trường khắc nghiệt này một cách tốt nhất. Để có khuôn viên rợp bóng mát như hôm nay, ngoài việc chăm sóc kỹ càng, có lúc chúng tôi phải mang kiến từ đất liền ra để chúng diệt sâu bọ phá hại cây trồng. Nhiệm vụ trồng và chăm sóc cây xanh được xác định là một trong những nội dung thi đua gắn với chỉ tiêu cụ thể của từng tập thể, cá nhân trong toàn đơn vị. Những năm trước, toàn bộ cây con giống đều đưa từ đất liền ra đảo nhưng bắt đầu từ năm nay chúng tôi đã ươm chiết được gần 200 cây tra và cây bàng vuông, từng bước giải quyết được nhu cầu cây giống để phủ xanh đất đảo. Trồng và chăm sóc cây xanh trên đảo không chỉ là nhiệm vụ thường xuyên của cán bộ, chiến sĩ mà còn thể hiện tình cảm của chúng tôi với thiên nhiên sau những giờ huấn luyện. Không phụ công người chăm sóc, chia sẻ từng can nước trong mùa nắng hạn, các loại cây như cây bàng vuông, cây tra, cây phong ba khi đã bén rễ, đâm chồi thì sức sống của nó vô cùng mãnh liệt mặc cho điều kiện sinh trưởng và phát triển vô cùng khắc nghiệt. 

Đi một vòng quanh đảo, giới thiệu nơi ăn ở, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ, Trung tá Hoàng Văn Hạnh chia sẻ: Trong những chuyến công tác, tận mắt chứng kiến những khó khăn của cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa nói chung và đảo Trường Sa Đông nói riêng, năm 2015, một nhóm các nhà khoa học trẻ của Liên hiệp các tổ chức Khoa học Hà Nội kết hợp với một số doanh nghiệp đã nhiên cứu, chế tạo và lắp đặt trên đảo Trường Sa Đông hệ thống máy lọc nước biển thành nước ngọt chạy bằng năng lượng mặt trời với công suất 60 lít/giờ, mỗi ngày hệ thống này hoạt động liên tục 10 giờ đồng hồ. Nước biển sau khi được máy đưa vào hệ thống lọc sẽ tự động tách bỏ cặn bã và các thành phần không cần thiết, chỉ giữ lại phần nước ngọt, nấu cơm, pha trà hay dùng để tăng gia sản xuất đều được. Tuy nhiên do công suất lọc nước biển thành nước ngọt của hệ thống còn hạn chế nên vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của cán bộ, chiến sĩ trên đảo. 

Một trong những công trình góp làm thay đổi diện mạo, nâng cao đời sống tinh thần cho cán bộ chiến sĩ trên đảo là hệ thống điện gió. Nhìn từ xa, hệ thống trụ điện gió như những cánh tay khổng lồ đón nhận dòng năng lượng sạch, thân thiện với môi trường được thiên nhiên ban tặng. Thượng úy Hà Văn Cường phụ trách năng lượng sạch đảo Trường Sa Đông cho hay: Hệ thống điện gió và pin năng lượng mặt trời lắp đặt khắp nơi trên đảo, đảm bảo cung cấp nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường cho tất cả các hoạt động sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ trên đảo suốt 24/24 giờ hằng ngày đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ chiến sĩ sau những giờ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu trên thao trường. Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết trên đảo khắc nghiệt nên nhiều thiết bị của hệ thống điện gió và năng lượng mặt trời rất dễ bị xuống cấp, cần được kiểm tra và thay thế thường xuyên để đảm bảo cho hệ thống điện gió và điện mặt trời trên đảo hoạt động liên tục, đây cũng chính là mong muốn của cán bộ và chiến sĩ trên đảo. 

Sức sống mãnh liệt trên quần đảo Trường Sa cũng như đảo Trường Sa Đông còn thể hiện qua thành quả lao động của cán bộ, chiến sĩ trên đảo sau những giờ huấn luyện trên thao trường. Thời tiết khắc nghiệt là thế nhưng vườn rau thanh niên mơn mởn xanh với đầy đủ các loại rau xanh, khu chăn nuôi tập trung có hàng trăm gia súc, gia cầm. Trong năm 2015 cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa Đông đã tăng gia sản xuất và đưa thêm vào bữa ăn hằng ngày gần 10 tấn thịt lợn, thịt gia cầm, rau xanh và cá các loại, góp phần đáng kể để 100% quân số trên đảo đảm bảo sức khỏe tốt, sẵn sàng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đất và người, sóng nước cùng với sự kiên nhẫn và nghị lực của con người đã biến Trường Sa Đông từ bãi đá san hô sắc nhọn đã trở thành một hòn đảo với sức sống mãnh liệt giữa trùng khơi. 

Đại tá Bùi Đình Dương - Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 cho hay, đóng quân nơi đảo xa với nhiều khó khăn, song với tinh thần vượt khó, xác định rõ trách nhiệm của người lính nơi tuyến đầu của Tổ quốc, cán bộ chiến sĩ đảo Trường Sa Đông luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ngoài việc xây dựng đơn vị chính quy, hiện đại, huấn luyện sát với thực tế chiến đấu, nâng cao ý thức chính trị, sẵn sàng chiến đấu, giúp đỡ để ngư dân vững tin vươn khơi bám biển và tăng gia sản xuất để cải thiện bữa ăn cho bộ đội, từ nhiều năm qua, cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa Đông là một trong những đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua của Quân chủng Hải quân. Năm 2015, đơn vị được Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân tặng danh hiệu “Đơn vị quyết thắng” và Bằng khen của Quân chủng về đợt thi đua cao điểm 70 ngày đêm hành động kiểu mẫu chào mừng kỷ niệm 70 Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Đơn vị cũng đã vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng, Nhà nước và của Bộ Quốc phòng./. 



Có thể bạn quan tâm