Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN |
Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh: Trong những năm qua Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người mù. Các chương trình, đề án, các hoạt động trợ giúp người khuyết tật, người mù đã góp phần giải quyết việc làm, tạo điều kiện thuận lợi cho người mù hòa nhập vào xã hội, cải thiện cuộc sống, tham gia đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Trong số hội viên của Hội, nhiều người đã được ghi nhận, biểu dương về ý chí vươn lên trong cuộc sống, có những đóng góp tích cực cho cộng đồng xã hội trên các lĩnh vực khác nhau... Những tấm gương đó đã thực sự tỏa sáng, có sự lan tỏa, truyền cảm hứng trong xã hội bằng chính những người thật, việc thật và sự cống hiến hữu ích của người khuyết tật cho xã hội.
Theo bà Trương Thị Mai, bên cạnh những thành tích đạt được, việc thực hiện Chỉ thị 51 còn có một số hạn chế như: một số cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể chưa quan tâm sâu sắc công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ cho Hội. Công tác xã hội hóa chăm lo, giúp đỡ người mù chưa thường xuyên và đạt hiệu quả như mong muốn. Tại một số cơ sở Hội điều kiện làm việc, cơ sở vật chất thiếu thốn, kinh phí hoạt động hạn chế. Một bộ phận người mù, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, còn gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống...
Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN |
Trưởng ban Dân vận Trung ương đề nghị: Thời gian tới các cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị tiếp tục tuyên truyền, quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về công tác chăm lo, hỗ trợ, giúp đỡ cho người khuyết tật, trong đó có người mù và Hội Người mù các cấp hòa nhập xã hội và tham gia đóng góp cho sự phát triển của đất nước thông qua việc ban hành các chính sách tạo cơ hội, điều kiện cho người mù, người khuyết tật học tập, có việc làm, thụ hưởng các thành quả của quá trình phát triển đất nước.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với xây dựng, thực thi các chính sách đối với người khuyết tật, người mù, các hội về người khuyết tật, Hội Người mù; nghiên cứu rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống chính sách, pháp luật chung và một số chính sách phù hợp với tính đặc thù của từng nhóm người khuyết tật nhằm tạo điều kiện, cơ hội tốt nhất cho họ hòa nhập và đóng góp vào sự phát triển đất nước; vận động nguồn lực xã hội để góp phần cùng nhà nước hỗ trợ, chăm lo, giúp đỡ người mù, người khuyết tật xóa, đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao cuộc sống, hòa nhập cộng đồng...
Chủ tịch Trung ương Hội Người mù Việt Nam Phạm Viết Thu cho biết: Sau 30 năm thực hiện Chỉ thị 51 đã mang lại những kết quả to lớn trên các mặt công tác - phát triển, củng cố tổ chức, nâng cao năng lực quản lý, đào tạo cán bộ từ Trung ương đến địa phương; tạo điều kiện cho các cấp hội tham gia các chương trình quốc gia như xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, vay vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, dạy nghề ngắn hạn cho người khuyết tật, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế…
Với sự nỗ lực, cố gắng của các cấp Hội, đến nay Hội Người mù Việt Nam đã có một hệ thống tổ chức chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương. Từ 17 tỉnh thành với 6.000 hội viên, đến nay tổ chức hội đã được thành lập ở 56 tỉnh, thành với 73.475 hội viên; có 15 Trung tâm dạy chữ, dạy nghề; 357 cơ sở sản xuất, dịch vụ tập trung; có tạp chí, phòng thu âm, xưởng in sách báo phục vụ công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của hội viên.
Ông Phạm Viết Thu, Chủ tịch Hội người mù Việt Nam phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN |
Chương trình việc làm, dạy nghề, chăm lo đời sống là một trong những hoạt động được Trung ương Hội chú trọng. Để có kiến thức, tay nghề trong sản xuất, kinh doanh, phù hợp với sức khỏe và khả năng của người mù, trong nhiều năm qua, nhất là những năm gần đây, Trung ương Hội chỉ đạo triển khai chương trình dạy nghề ngắn hạn cho người mù giai đoạn 2007 - 2017 bằng nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương hoặc bằng nguồn vận động, viện trợ. Các cấp hội đã mở được 909 lớp, cho 14.475 học viên, với các nghề học: xoa bóp bấm huyệt, vi tính văn phòng, nuôi ong lấy mật, chăn nuôi và phòng bệnh cho lợn, gia cầm, làm hương, kết hạt cườm, học đàn organ, kỹ thuật làm hoa.
Bên cạnh mạng lưới cơ sở dạy nghề từng bước được phát triển ở nhiều địa phương đảm bảo cho nhu cầu dạy nghề theo vùng, miền, tổ chức Hội, các cấp hội đã tranh thủ nguồn tài chính về chính sách đảm bảo an sinh xã hội của Nhà nước, các nguồn viên trợ thông qua dự án, quyên góp vận động để giúp người mù giảm bớt khó khăn, có điều kiện vươn lên thay đổi cuộc sống.
Nhằm đảm bảo đời sống cho người mù trên cả nước, Hội Người mù Việt Nam đề nghị Đảng và Nhà nước ban hành văn bản mới về tiếp tục giúp đỡ Hội Người mù Việt Nam trong giai đoạn mới; hỗ trợ kinh phí, con người, cơ sở vật chất để tổ chức Hội duy trì và phát triển, dạy nghề ngắn hạn trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020. Chính phủ sớm ban hành quy định về chế độ, chính sách đối với người làm công tác người khuyết tật, cán bộ, công chức, nhân viên chăm sóc phục hồi chức năng, cán bộ chuyên trách của tổ chức người khuyết tật...
Đỗ Bình