Triển khai khẩn cấp các phương án phòng chống bão Trà Mi

Chiều tối 23/10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng chủ trì cuộc họp trực tuyến với các sở, ban, ngành, địa phương để triển khai khẩn cấp các phương án phòng, chống bão Trà Mi.

vna_potal_quang_nam_trien_khai_khan_cap_cac_phuong_an_phong_chong_bao_tra_mi_7666820.jpg
Buổi làm việc trực tuyến triển khai khẩn cấp các phương án phòng chống bão Trà Mi của tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Đoàn Hữu Trung - TTXVN

Ông Trương Xuân Tý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam nhận định: Bão Trà Mi là cơn bão mạnh, có diễn biến phức tạp, có khả năng đi thẳng vào Quảng Nam. Khi vào vùng biển và đất liền tỉnh Quảng Nam, hoàn lưu bão sẽ gây mưa to, sóng biển cao. Tình trạng ngập lụt và sạt lở đất ở khu vực miền núi, vùng ven biển là không tránh khỏi. Hiện các địa phương đã xây dựng phương án ứng phó với các cấp độ của thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ; trong đó, phương án sơ tán người dân trong vùng sạt lở núi, sạt lở ven sông, ven biển, vùng trũng thấp đã được các địa phương nêu cụ thể.

Đại tá Trần Tiến Hiền, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Nam cho biết, hiện nay tỉnh Quảng Nam có 54 tàu với 2.306 lao động trên biển đang di chuyển về phía Nam; tại khu vực vùng biển Trường Sa có 50 tàu với 2.194 lao động; tất cả đã nhận được thông tin về diễn biến của bão Trà Mi và đang tìm nơi trú ẩn an toàn.

“Trên vùng biển Trường Sa hiện còn 4 tàu đánh cá với 112 lao động đang hoạt động trong vùng nguy hiểm. Bộ đội Biên phòng Quảng Nam hiện đang giữ liên lạc với tất cả các phương tiện này. Dự kiến đến 14 giờ ngày 24/10, 4 tàu đánh cá nói trên sẽ về đến đất liền”, Đại tá Trần Tiến Hiền cho biết.

Theo Đại tá Trần Tiến Hiền, để chủ động ứng phó với bão Trà Mi, Bộ đội Biên phòng Quảng Nam thường xuyên cập nhật về diễn biến của bão đến phương tiện còn hoạt động trên biển qua các kênh như: Điện thoại vệ tinh, hệ thống trực canh ven bờ, giữ kết nối thường xuyên với ngư dân còn trên biển để hướng dẫn các phương tiện khẩn trương di chuyển vào khu vực an toàn.

“Tối 24/10, Bộ đội biên phòng Quảng Nam sẽ bắn pháo hiệu tại 3 điểm Cù Lao Chàm, Cửa Đại (Hội An) và Bàn Than (Núi Thành) để thông báo, kêu gọi và hướng dẫn cho các chủ tàu thuyền đưa phương tiện vào nơi trú ẩn an toàn; phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đối với phương tiện đậu tại bờ, các lồng bè trong khu vực nuôi trồng thủy sản; tuyệt đối không cho bất kỳ người nào ở lại trên tàu thuyền và lồng bè khi bão vào đất liền”, Đại tá Trần Tiến Hiền thông tin.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cũng nhận định, Trà Mi là cơn bão mạnh và di chuyển phức tạp, nhiều khả năng hướng thẳng vào tỉnh Quảng Nam. Trong khi đó, 3 năm qua, tỉnh Quảng Nam không có cơn bão lớn dẫn đến tâm lý chủ quan, lơ là trong phòng, chống thiên tai ở một bộ phận cán bộ và nhân dân. Do đó, công tác kiểm tra, giám sát về phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của tất cả các địa phương, đơn vị thời điểm này.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị tăng cường kiểm tra công tác 4 tại chỗ trong phòng, chống bão. Các huyện miền núi phải chuẩn bị dự trữ đầy đủ lương thực, thực phẩm thiết yếu để cung cấp cho người dân, tuyệt đối không để người dân nào phải thiếu ăn do mưa lũ. Đồng thời, khẩn trương lên phương án cụ thể di chuyển người dân ở những nơi có nguy cơ cao sạt lở và lũ quét đến nơi an toàn trước khi bão Trà Mi vào đất liền.

Đối với số lượng tàu thuyền và lao động còn trên biển, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng thường xuyên phát thông tin về diễn biến của bão, đồng thời hướng dẫn chủ phương tiện đưa người và phương tiện vào nơi trú ẩn an toàn, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong công tác ứng phó với diễn biến của thiên tai.

“Sau cuộc họp này, trong đêm nay, các địa phương, đơn vị phải triển khai ngay phương án phòng, chống bão với tinh thần nhanh nhất, thực chất nhất theo phương châm 4 tại chỗ. Chuẩn bị đầy đủ và chi tiết phương án di chuyển khoảng 200.000 người trong vùng chịu ảnh hưởng của bão Trà Mi đến nơi an toàn; yêu cầu tất cả các địa phương, đơn vị đang thi công công trình, nhất là công trình chống sạt lở, ven sông ven biển, có biện pháp phòng, chống, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tài sản, kho tàng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng chỉ đạo.

Đoàn Hữu Trung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm