Tại buổi gặp mặt, các thầy cô giáo đã cùng chia sẻ những câu chuyện xung quanh công việc của mình. Đó là những khó khăn, vất vả mà người giáo viên ở vùng khó phải trải qua nhưng cũng có không ít những niềm vui, niềm hạnh phúc khi được “gieo chữ”, đem tri thức đến cho học sinh.
Có những vùng học sinh dân tộc rất đông, bất đồng ngôn ngữ là khó khăn lớn nhất đối với các thầy cô giáo như tại trường mầm non Bắc Hà (Lào Cai) có 100% học sinh là dân tộc Mông... Nhiều giáo viên đã gắn bó với giáo dục vùng khó hàng chục năm: cô giáo Nguyễn Thị Hương Bình đã có hơn 20 năm gắn bó với giáo dục huyện nghèo vùng biên Quản Bạ (Hà Giang), cô Hoàng Thị Hương với 17 năm gắn bó với giáo dục huyện nghèo Thông Nông (Cao Bằng), cô Trần Thị Bình gắn bó với giáo dục huyện nghèo Mường Khương (Lào Cai) suốt 16 năm, thầy Lê Đình Thường đã có hơn 18 năm đem tri thức tới với các học sinh huyện nghèo vùng cao Phước Sơn (Quảng Nam)... Tuy điều kiện công tác còn nhiều khó khăn, nhưng các thầy cô giáo đã nỗ lực hết mình, không chỉ truyền đạt kiến thức cho các em mà còn chăm lo cho các em học sinh ở xa từ bữa ăn đến giấc ngủ.
Một giờ học của học sinh trường Phổ thông Dân tộc nội trú Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình). Ảnh: TTXVN |
Cô Lê Thị Hằng công tác ở huyện Lang Chánh, Thanh Hóa chia sẻ: cô cũng đã chọn dạy ở địa điểm khó khăn không đường, không điện của huyện. Thứ 7, chủ nhật hàng tuần được về thị trấn, cô đều phải mang gạo, thực phẩm để lên với các em. Không xa trung tâm nhưng đường đi lại rất khó khăn. Thương học sinh chỉ ăn cơm nguội với muối, cô luôn tranh thủ mang theo thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt để chia sẻ cho các em. Mỗi khi về thị trấn, cô luôn mang theo về điểm trường một ít sách vở, bút, chút thuốc chữa các bệnh cảm cúm thông thường... để chia sẻ cho học sinh. Cô Nguyễn Thị Hạ ở trường tiểu học Xuân Đài, huyện Tân Sơn Phú Thọ cho biết, cô đã với 20 năm trong ngành và hàng ngày cô đều phải vượt quãng đường hơn 20km trong đó đi bộ đã mất 6km để tới trường giảng dạy. Cô Phạm Thị Bích Ngọc – Trường Giá Gối (Sơn Thủy, Sơn Hà, Quảng Ngãi) cũng chia sẻ, nhiều khi thấy bạn bè ở vùng thuận lợi ăn mặc đẹp đi dạy học cũng thấy tủi thân khi mình lúc nào cũng phải ăn mặc đơn giản, thuận tiện, đi ủng để tiện cho giao thông vùng khó, đặc biệt là mùa mưa lũ. Tuy nhiên, mỗi khi nhìn thấy sự chăm chỉ học tập và niềm vui của học sinh khi được đến trường, cô lại thấy mọi khó khăn của mình đều có thể vượt qua.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cho biết trong những năm qua, ngành giáo dục đã hoàn thành mục tiêu xóa mù chữ và hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục, chất lượng giáo dục có những mặt được nâng lên và có những mặt đã sánh ngang với thế giới. Có những thành tích đó, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp các ngành, đặc biệt là sự tâm huyết của các thầy cô giáo, trong đó có 64 thầy, cô ở điểm trường lẻ. 64 thầy, cô giáo - mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau nhưng đều có một điểm chung là tâm huyết với giáo dục. Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa mong các thầy cô tiếp tục cố gắng vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, góp phần to lớn vào sự nghiệp trồng người. /.