Trao "cần câu" giúp đồng bào vùng núi Quảng Ngãi giảm nghèo bền vững

Trao "cần câu" giúp đồng bào vùng núi Quảng Ngãi giảm nghèo bền vững

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương miền núi Quảng Ngãi đã sử dụng nguồn kinh phí được phân bổ hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, giúp nhiều hộ người đồng bào dân tộc thiểu số có nguồn sinh kế, phát triển kinh tế bền vững, vươn lên thoát nghèo.

Trao "cần câu" giúp đồng bào vùng núi Quảng Ngãi giảm nghèo bền vững ảnh 1Hộ cận nghèo thôn Tang Tong, xã Sơn Liên (Sơn Tây, Quảng Ngãi) nhận bò từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Ảnh: Phạm Cường - TTXVN

Gia đình anh Đinh Văn Hùng (thôn Tang Tong, xã Sơn Liên, huyện Sơn Tây) là hộ cận nghèo. Trước đây, nguồn thu nhập chính của gia đình anh chỉ dựa vào 1 ha cây keo và 4 sào lúa rẫy. Tuy nhiên, cây keo trồng ở khu vực khá xa, chi phí vận chuyển lớn, thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống. Cái nghèo vẫn đeo bám gia đình. Đầu năm 2023, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững (Dự án 2, đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo) được triển khai ở Sơn Liên. Nhờ đó, gia đình anh đã được bình xét và trao một cặp bò cái sinh sản. Đây là nguồn sinh kế giúp gia đình anh vươn lên thoát nghèo.

Anh Đinh Văn Hùng chia sẻ: "Tôi rất vui vì được Nhà nước hỗ trợ một cặp bò giống. Chỉ ít tháng nữa, sau khi bò sinh sản, giá trị của đàn bò tiếp tục tăng lên. Gia đình tôi cố gắng chăm sóc, gây dựng đàn bò để sớm thoát khỏi hộ cận nghèo".

Thôn Tang Tong có gần 100 hộ dân người đồng bào Cadong; trong đó, 25 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ bò cái từ Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững đầu năm 2023. Trưởng thôn Tang Tong Đinh Văn Thanh cho biết, với khí hậu mát mẻ, nhiều đồi núi, cỏ cây tươi tốt, địa phương có lợi thể để phát triển đàn bò. Tuy nhiên, những năm qua, kinh phí để mua bò giống khá lớn, người dân không có điều kiện để đầu tư. Từ Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, nhiều hộ nghèo trong thôn đã được trao "cần câu" để phát triển kinh tế. Địa phương sẽ vận động bà con chăm sóc, nhân rộng phát triển đàn gia súc, tạo nguồn sinh kế bền vững.

Trao "cần câu" giúp đồng bào vùng núi Quảng Ngãi giảm nghèo bền vững ảnh 2Hộ cận nghèo thôn Tang Tong, xã Sơn Liên (Sơn Tây, Quảng Ngãi) nhận bò từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Ảnh: Phạm Cường - TTXVN

Tại thôn Đắk Doa, gia đình anh Đinh Văn Xuân (hộ cận nghèo) được hỗ trợ 400 kg nghệ giống để sản xuất từ Dự án 2 đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Vợ chồng anh đã cải tạo đất trồng hơn 3 sào nghệ phá thế độc canh cây mì. Anh Xuân chia sẻ, gia đình anh đã có nguồn thu từ cây nghệ. Sản lượng thu hoạch vụ đầu tiên, vợ chồng anh quyết định để một phần làm giống, mở rộng diện tích. Việc phát triển thêm cây nghệ là hướng đi mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng có lợi cho đất. Sản phẩm nghệ làm ra được chính quyền địa phương hỗ trợ kết nối để doanh nghiệp thu mua.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sơn Liên Trần Minh Tuấn cho biết, trước khi hỗ trợ nguồn cây con giống cho bà con, chính quyền xã đã phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức họp dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Đồng thời, địa phương định hướng cho bà con phát triển những loại cây trồng, con vật nuôi phù hợp, địa phương có lợi thế. Việc phát triển cây nghệ giống và chăn nuôi bò sinh sản ở Sơn Liên bước đầu cho thấy hiệu quả. Bò được chăm sóc tốt, có hộ bò cái đã sinh sản. Người dân nơi đây đã có thu nhập từ trồng nghệ sau một mùa vụ; giá trị từ loại cây trồng mới này cao gấp hai lần so với trồng mì trước đây.

Theo Phòng Lao động - Thương Binh và Xã hội huyện Sơn Tây, trong các năm 2021 và 2022, thực hiện Dự án 2 đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, huyện đã bố trí hơn hơn 12 tỷ đồng hỗ trợ cây, con giống cho người dân. Trong đó, địa phương đã hỗ trợ giống bò, dê cho 91 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở các xã: Sơn Dung, Sơn Liên và Sơn Tân; 18 ha cây cau giống cho 76 hộ nghèo ở các xã: Sơn Long, Sơn Tân; hỗ trợ trồng nghệ, gừng, dừa xiêm cho 28 hộ nghèo ở các xã Sơn Mùa, Sơn Liên.

Ông Phan Huỳnh Sơn, Phó Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Sơn Tây cho biết, hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện sinh kế, phát triển kinh tế tăng thu nhập cho người dân là điều kiện cần và tiên quyết trong quá trình giảm nghèo bền vững. Phòng đã bình xét hỗ trợ cây trồng, vật nuôi đúng đối tượng, nhu cầu và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương. Cùng với đó, cán bộ các địa phương đã bám sát, tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ người dân cách trồng, chăm sóc, mở các lớp dạy chăn nuôi ngắn hạn. Từ năm 2021 đến nay, số hộ nghèo, cận nghèo của huyện Sơn Tây đã giảm 5,01% (tương ứng 273 hộ). Sơn Tây đang nỗ lực đến năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo giảm ở mức 23%, tương ứng giảm 1.400 hộ nghèo.

Phạm Cường

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm