Trái ngọt từ Dự án giảm nghèo

Trái ngọt từ Dự án giảm nghèo
Kể từ khi tham gia nhóm cải thiện sinh kế (LEG) cải tạo vườn hộ của Dự án giảm nghèo, chị H’Ving H’Jông (buôn H’Muk, xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa) đã biết cách để trồng rau xanh, tạo nguồn thực phẩm tươi cải thiện bữa ăn gia đình mình. “Trước đây, mình chỉ biết lên rẫy hái lá mì, rau rừng về ăn thôi. Bữa nào không hái được đi mua, cũng có khi không có tiền, chỉ biết ăn cơm với muối ớt”- chị H’Jông chia sẻ.
 
Chị H’Jông chăm sóc vườn rau thuộc mô hình cải tạo vườn hộ
Chị H’Jông chăm sóc vườn rau thuộc mô hình cải tạo vườn hộ
Tham gia nhóm sinh kế cải tạo vườn hộ, chị H’Jông được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật trồng rau, nuôi gà. Từ cách thức làm đất, lên luống, tận dụng các loại phân chuồng có sẵn để bón lót cho rau hay cách sử dụng các loại phân sao cho hợp lý, an toàn, hiệu quả. “Hồi trước, mình cứ nghĩ trồng cây rau xanh khó lắm, nay làm thấy không có gì là khó cả. Chỉ cần chịu khó một chút, mỗi buổi sáng chiều tưới nước, lâu lâu nhổ sạch cỏ dại, rau cằn quá thì tưới ít phân đạm là có rau xanh ăn thôi”-chị H’Jông nói. Từ việc tận dụng khoảnh đất trong vườn vốn thường xuyên bỏ trống bấy lâu nay, chị H’Jông đã tạo ra nguồn rau xanh phục vụ thường xuyên cho các bữa ăn hàng ngày. Lắm lúc ăn không hết, chị H’Jông còn đem chia cho hàng xóm. Với việc chăn nuôi gà, trước đây, mặc dù ruộng rẫy, thóc lúa có sẵn nhưng H’Jông không mấy chú tâm. Bây giờ, H’Jông biết làm chuồng, nuôi gà. “Ban đầu khi nhận chỉ là gà con 3 tuần tuổi, giờ gà đã đạt trọng lượng khoảng 0,4-0,6 kg/con rồi. Nuôi gà rất nhàn, không tốn công sức, vậy mà trước nay mình cứ ngại”-chị H’Jông vui vẻ cho biết.

Chia sẻ về ý nghĩa của dự án tại địa phương, anh Lê Huy Du-cán bộ hướng dẫn viên cộng đồng (CF) xã Chư Ngọc cho hay: Khi dự án triển khai về xã, được sự động viên, hướng dẫn tận tình của các thành viên Ban Phát triển xã và cán bộ dự án, bà con đã tích cực tiếp cận và tham gia nắm bắt các kỹ thuật, phương pháp để trồng rau xanh, trồng cỏ và chăn nuôi bò và gà. “Riêng với nhóm LEG cải tạo vườn hộ, nhiều hộ trong nhóm đã được thu hoạch rau. Cá biệt, ngoài đáp ứng đủ cho nhu cầu sử dụng của gia đình, có hộ còn đem đi bán hay đổi để lấy các thực phẩm thiết yếu khác. Nhiều hộ xung quanh thấy vậy cũng học cách trồng rau, nuôi gà; có hộ tìm đến các hộ thành viên nhóm cải thiện sinh kế (LEG) xin giống cỏ lai về trồng để tạo nguồn thức ăn cho đàn bò… Chúng tôi thấy rất mừng khi từ mô hình của dự án, nhiều hộ xung quanh đã học tập và làm theo. Điều đó cho thấy, sức lan tỏa của dự án này tại địa phương là không nhỏ”- anh Du nhận định.

Tại xã Đất Bằng-một trong những xã xa xôi và khó khăn nhất huyện Krông Pa, Dự án giảm nghèo cũng triển khai thành lập 2 nhóm LEG nuôi bò pha lai sinh sản. Đất Bằng là xã duy nhất trong số 5 xã tham gia dự án triển khai tới 2 nhóm LEG nuôi bò pha lai sinh sản. Theo anh Huỳnh Thiên Trình-cán bộ CF xã Đất Bằng, thì tại 2 nhóm LEG nuôi bò pha lai sinh sản thì có đến 6/20 con bò đã mang thai, số còn lại đều phát triển rất tốt. “Bà con trong xã lâu nay quen duy trì chăn nuôi theo phương thức chăn thả truyền thống, chưa chú trọng lắm đến việc nâng cao chất lượng đàn bò thông qua việc lai hóa, việc triển khai nuôi bò pha lai sinh sản gắn liền với các kỹ thuật chăm sóc đi kèm như: trồng cỏ lai, phòng dịch bệnh… đã ít nhiều thay đổi tư duy và tập quán chăn nuôi cũ, hướng đến nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh tế từ việc chăn nuôi đem lại”-anh Trình nhận định.

Không chỉ dành cho người nông dân tham gia, dự án còn lan tỏa sang nhiều hộ dân khác. “Từ 20 hộ thuộc 2 nhóm LEG nuôi bò pha lai sinh sản đã có rất nhiều hộ khác trong buôn tìm đến các hộ này tham quan, học hỏi kinh nghiệm, xin giống cỏ về trồng để phục vụ cho việc chăn nuôi bò… Điều này khiến chúng tôi tin tưởng, hiệu quả của dự án còn được nhân lên rất nhiều nhờ sức lan tỏa ngoài thực tiễn”- anh Trình cho biết thêm.

Báo Điện tử Gia Lai

Có thể bạn quan tâm