Ngày 25/9, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nghệ An thông tin, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan liên quan khảo sát thực địa tại nhiều vườn cam ở các huyện Quỳ Hợp, Con Cuông, Nghĩa Đàn để tìm ra nguyên nhân cam rụng bất thường. Theo đó, các nguyên nhân chính khiến cam rụng hàng loạt là bị nấm, bệnh greening; ngoài ra còn do chăm sóc, sốc sinh lý...
Bệnh greening ở cam làm suy giảm mạnh hệ thống miễn dịch của cây. Đến thời điểm cho trái, quả tích đường đòi hỏi nhiều chất dinh dưỡng nhưng cây không đáp ứng được, tạo cơ hội cho các đối tượng gây hại xâm nhập, gây tác động mạnh. Một số diện tích khác bị vàng lá, thối rễ do nấm rồi sau đó bị tấn công bởi lượng lớn ngài bướm lâm nghiệp kí sinh. Bên cạnh đó, một số vườn cam bị hiện tượng sốc sinh lý do ảnh hưởng của hạn hán kéo dài, sau đó trời lại mưa to xảy ra trong thời gian qua tại địa phương.
Qua khảo sát, nhiều vườn cam xuất hiện sâu bệnh hại như ruồi đục quả, nhện đỏ, rệp, bệnh vàng lá, thối rễ, bệnh greening... Trong đó có những diện tích cam được trồng trên các khu đất trước đây từng xuất hiện bệnh trên loại cây này. Hiện những các khu đấy này đã thoái hóa, khiến bộ rễ cây cam không thể phát triển để hút chất dinh dưỡng.
Thực tế, người dân trồng cam tại Nghệ An chủ yếu lấy giống ở các cơ sở sản xuất mà người dân cho là uy tín nên khó biết được cây giống có bệnh hay không và chất lượng giống như thế nào. Khoảng 3 năm đầu, cây phát triển tốt nhưng sang năm thứ 4 bắt đầu biểu hiện vàng lá, thỗi rễ, hệ thống miễn dịch của cây suy yếu. Đây cũng là lúc cây cam cho quả nên cần lượng lớn dưỡng chất nhưng không thể cung cấp đủ. Nếu chăm sóc không đúng quy cách, những năm tiếp theo, quả sẽ rụng nhiều hơn, ảnh hưởng đến năng suất.
Để giảm thiệt hại do cam rụng, ông Nguyễn Tiến Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nghệ An cho biết, trước mắt, đối với bệnh vàng lá, thối rễ, đơn vị sẽ hướng dẫn người dân chăm sóc cây trồng theo mô hình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Riêng đối với những vườn cam bị bệnh greening chữa trị không mang lại sẽ phải chặt bỏ.
Về lâu dài, đơn vị sẽ tuyên truyền người dân lựa chọn ra cây đầu dòng, giống đưa vào ứng dụng bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; tập trung trồng cam tại vùng có điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng phù hợp, không áp dụng dàn trải để giảm thiểu trường hợp như hiện nay.
Đặc biệt, thời điểm này bắt đầu vào mùa mưa, hiện tượng cam rụng sẽ tiếp tục xảy ra. Vậy nên Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nghệ An yêu cầu các địa phương và chủ vườn thực hiện tiêu thoát nước, không để cây bị úng; không bón phân ngay sau khi trời mưa; tuân thủ quy trình kỹ thuật chăm bón và phòng trừ sâu bệnh của ngành nông nghiệp.
Toàn tỉnh Nghệ An có hơn 5.500 ha cam; trong đó, gần 3.400 ha đang cho thu hoạch . Nửa tháng qua, nhiều vườn cam ở xã Minh Hợp (huyện Quỳ Hợp), xã Nghĩa Bình, Nghĩa Hiếu (huyện Nghĩa Đàn), xã Yên Khê (huyện Con Cuông)... xảy ra hiện tượng rụng quả hàng loạt. Nhiều vườn cam rụng từ 60 - 80% lượng quả trên cây, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng cho các hộ trồng.
Nguyễn Oanh