Theo đó, Bộ yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, học sinh, học viên và toàn xã hội về kỳ thi. Đồng thời, thực hiện tổng kết, chú trọng đánh giá và tổ chức rút kinh nghiệm đối với những hạn chế của kỳ thi THPT quốc gia năm 2015; trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp thực tế, khả thi để tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Giờ học tiếng Anh tại trường Phổ thông Dân tộc nội trú Đông Gia Lai. Ảnh: Văn Thông- TTXVN |
Quy chế kỳ thi THPT quốc gia sẽ được rà soát, bổ sung; đồng thời, ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn tổ chức thi và các văn bản liên quan khác. Tổ chức hội thảo, tập huấn về công tác đề thi, công tác coi thi, chấm thi, phần mềm quản lý thi để cán bộ, giáo viên nắm vững quy định của quy chế, thực hiện tốt các khâu của kỳ thi.
Bộ cũng yêu cầu tiếp tục xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, ma trận đề thi, đề thi minh họa theo hướng đánh giá năng lực, tăng dần các câu hỏi vận dụng, câu hỏi mở ở cả 4 mức độ nhận biết, thông, hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Chuẩn bị sớm, đầy đủ các điều kiện để tổ chức tốt kỳ thi; xây dựng phương án dự phòng các rủi ro và các tình huống phát sinh trong quá trình tổ chức thi.
Các Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm tổ chức cho người học của các cơ sở giáo dục phổ thông và thí sinh tự do tại địa phương đăng kí dự thi đúng quy định; cùng với các trường đại học tổ chức coi thi, chấm thi; xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông cho thí sinh của địa phương; chủ trì cụm thi tại địa phương (nếu có) dành cho thí sinh đăng kí dự thi với mục đích chỉ để xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông; tham gia công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Bộ yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo và tổ chức thi; thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo để đảm bảo kết nối thông tin thông suốt, chính xác, kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo, tổ chức thi.
Báo Tin Tức