Tiến tới Đại hội XIII của Đảng: Đưa huyện vùng cao Lâm Bình sớm thoát nghèo

Toàn cảnh Trung tâm huyện Lâm Bình.Ảnh: Quang Đán- TTXVN
Toàn cảnh Trung tâm huyện Lâm Bình.Ảnh: Quang Đán- TTXVN

Lâm Bình là huyện vùng cao khó khăn nhất của tỉnh miền núi Tuyên Quang. Tuy nhiên, với sự đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện, Lâm Bình đã khắc phục khó khăn, phát huy lợi thế địa phương… thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Lâm Bình lần thứ I, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra. Với 15/16 mục tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, Lâm Bình hôm nay đang vững bước trên con đường phát triển.

Tiến tới Đại hội XIII của Đảng: Đưa huyện vùng cao Lâm Bình sớm thoát nghèo  ảnh 1Một góc làng quê ở huyện Lâm Bình.Ảnh: Quang Đán- TTXVN

Sức bật huyện “trẻ” vùng cao

Năm năm qua, với việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, sử dụng các nguồn vốn hỗ trợ một cách hiệu quả, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, huyện trẻ Lâm Bình (huyện thành lập năm 2011) đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Huyện đã hoàn thành đạt và vượt 15/16 chỉ tiêu Nghị quyết đề ra: Giải quyết việc làm cho trên 6.300 lao động, đạt 112,7% chỉ tiêu Nghị quyết; thu nhập bình quân đầu đạt 30,1 triệu đồng/người/năm, đạt 113,2% chỉ tiêu Nghị quyết; 100% xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã từ năm 2017, sớm hơn 3 năm so với Nghị quyết Đại hội đề ra…

Tiến tới Đại hội XIII của Đảng: Đưa huyện vùng cao Lâm Bình sớm thoát nghèo  ảnh 2Tuyến đường từ xã Thượng Lâm đi xã Lăng Can, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang đang được đầu tư nâng cấp. Ảnh: Quang Đán- TTXVN

Về Lâm Bình hôm nay, sự thay đổi đã hiện rõ, huyện đã hoàn thành xây dựng nhà làm việc của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện, Bệnh viện Đa khoa huyện, Trường Trung học Phổ thông, Trun học Cơ sở nội trú huyện; 8/8 trụ sở xã được đầu tư xây dựng mới. Huyện kiên cố hóa 51,79 km kênh mương, đảm bảo trên 83% diện tích đất canh tác được tưới tiêu chủ động; bê tông hóa trên 15,35 km đường giao thông nội đồng; nâng tỷ lệ cứng hóa giao thông nông thôn trên 70%; xây dựng 21/21 nhà văn hóa thôn, đảm bảo 100% thôn có nhà văn hóa; đầu tư điện lưới quốc gia vào 6 thôn, xây dựng gần 100 km đường điện chiếu sáng tại các khu dân cư… Toàn huyện có 3/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 150% chỉ tiêu Nghị quyết, nâng số tiêu chí đạt chuẩn bình quân từ 10 tiêu chí/xã năm 2015 lên 14,4 tiêu chí/xã năm 2020.

Bên cạnh đó, huyện Lâm Bình còn thực hiện tốt các mô hình, dự án phát triển kinh tế nâng cao thu nhập cho người dân. Huyện đã hình thành một số vùng, chuỗi cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa như: Duy trì đàn trâu trên 7.600 con, đàn bò gần 2.000 con, đàn dê trên 4.600 con, trên 480 ha cây lạc, phát triển trên 10 ha rau bò khai và trồng thử nghiệm hơn 7 ha cây dược liệu. Tổng sản lượng lương thực hằng năm đạt trên 17.000 tấn. Huyện đã xây dựng 11 sản phẩm OCOP giai đoạn 2019 - 2020: Lợn đen, rau bò khai - Lăng Can; lạc, dê núi, chè san Khau Mút - Thổ Bình; rượu thóc Lâm Bình, thịt trâu khô - Bình An… Giá trị sản xuất ngành nông - lâm nghiệp - thủy sản năm 2020 ước đạt trên 571 tỷ đồng (theo giá hiện hành), tăng bình quân 6,82%/năm, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra… Qua đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 60,79% (năm 2015) xuống còn 36,03% (cuối năm 2019), kế hoạch đến năm 2020 giảm còn 31%, bình quân giảm 5,96%/năm, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.

Tiến tới Đại hội XIII của Đảng: Đưa huyện vùng cao Lâm Bình sớm thoát nghèo  ảnh 3Làm đường bê tông ở trung tâm huyện Lâm Bình. Ảnh: Quang Đán- TTXVN

Đặc biệt, với việc khai thác tốt thế mạnh cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, du lịch của Lâm Bình có nhiều khởi sắc, từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện. Hiện nay, huyện đã xây dựng một số sản phẩm du lịch đặc trưng như: Du lịch cộng đồng (Homestay); tham quan, trải nghiệm khu du lịch sinh thái Na Hang - Lâm Bình; Lễ hội Lồng Tông và ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Lâm Bình… Khách du lịch đến huyện tăng nhanh, từ khoảng 10.000 lượt khách, doanh thu xã hội từ du lịch khoảng 4 tỷ đồng năm 2015 lên trên 120.000 lượt khách, doanh thu trên 70 tỷ đồng năm 2019.

Là huyện vùng cao không có nhiều lợi thế trong phát triển công nghiệp, tuy nhiên ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ của Lâm Bình vẫn có bước phát triển nổi bật. Công tác quản lý tài chính, tài sản của huyện ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng (tính theo giá hiện hành) năm 2020 ước đạt trên 530 tỷ đồng, vượt 48% chỉ tiêu Nghị quyết. Toàn huyện hiện có 32 doanh nghiệp tư nhân, 60 hợp tác xã; 350 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, 550 cơ sở thương mại, dịch vụ. Thu ngân sách địa phương năm 2020 ước đạt trên 18 tỷ đồng, vượt 20% so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Cùng với đó, công tác giáo dục, đào tạo việc làm, bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân cũng được huyện quan tâm…

Đoàn kết, sáng tạo, phát triển bền vững

Những thành tựu huyện Lâm Bình đã đạt được trong 5 năm qua, đã tạo ra những bước tiến lớn trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, tạo nguồn lực quan trọng phát triển nhanh, bền vững hơn trong nhiệm kỳ tới. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Lâm Bình vẫn còn nhiều hạn chế. Quy mô kinh tế của huyện còn nhỏ, chất lượng phát triển các ngành thấp, chưa bền vững. Sản xuất nông nghiệp, thủy sản, du lịch, dịch vụ chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Thu nhập của bình quân đầu người còn thấp. Kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, tỷ lệ hộ cận nghèo còn cao. Đời sống của nhân dân ở khu vực vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn...

Tiến tới Đại hội XIII của Đảng: Đưa huyện vùng cao Lâm Bình sớm thoát nghèo  ảnh 4 Thác Khuổi Nhi, huyện Lâm Bình. Ảnh: Quang Đán- TTXVN

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình Nguyễn Văn Dưng cho biết: Lâm Bình được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang chọn tổ chức thí điểm Đại hội trực tiếp bầu Bí thư cấp ủy cấp huyện tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ II, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Dự kiến, Đại hội được tổ chức từ ngày 5 -7/8/2020. Đến nay, mọi công tác chuẩn bị cho Đại hội đang được huyện tích cực triển khai, trong đó có việc phân tích tìm ra nguyên nhân, cách khắc phục những hạn chế, yếu kém để tìm ra hướng đi phù hợp cho những năm tiếp theo. Với phương châm: “Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, sáng tạo, phát triển” Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Lâm Bình sẽ tiếp tục nêu cao quyết tâm chính trị, phát huy truyền thống đoàn kết, sức mạnh tổng hợp, tiềm năng, lợi thế của địa phương, nắm bắt thời cơ, mạnh dạn đổi mới cách nghĩ, cách làm... xây dựng Lâm Bình “Kinh tế phát triển; văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc; cảnh quan, môi trường sạch - xanh - đẹp - an toàn, sớm thoát khỏi huyện nghèo”.

Tiến tới Đại hội XIII của Đảng: Đưa huyện vùng cao Lâm Bình sớm thoát nghèo  ảnh 5Cầu Thẳm My, thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang được đầu tư xây dựng. Ảnh: Quang Đán- TTXVN

Theo đó, Lâm Bình sẽ tập trung nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tạo tiền đề vững chắc để huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo; huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, trọng tâm là giao thông kết nối vùng, hạ tầng du lịch. Huyện chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cán bộ, công chức xã có phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội dưới cơ sở.

Tiến tới Đại hội XIII của Đảng: Đưa huyện vùng cao Lâm Bình sớm thoát nghèo  ảnh 6Toàn cảnh Trung tâm huyện Lâm Bình.Ảnh: Quang Đán- TTXVN


Huyện Lâm Bình phấn đấu đến năm 2025, sản xuất ngành công nghiệp tăng bình quân trên 4,3%/năm. Sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân trên 5,6%/năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 47 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân trên 4%/năm (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025). Huyện có thêm ít nhất 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu có ít nhất 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, ít nhất 4 thôn đạt thôn nông thôn mới kiểu mẫu, tạo tiền đề vững chắc để huyện đạt huyện nông thôn mới giai đoạn tiếp theo. Tỷ lệ đô thị hóa trên 22,6%...

Vũ Quang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm