Tiêm vaccine mũi thứ 4 để tiếp tục không chế dịch COVID-19, duy trì hoạt động xã hội

Tiêm vaccine mũi thứ 4 để tiếp tục không chế dịch COVID-19, duy trì hoạt động xã hội

Đến thời điểm hiện tại, về cơ bản, Việt Nam đã kiểm soát được dịch COVID-19. Số liệu thống kê ca nhiễm COVID-19 mới mỗi ngày đã giảm từ 6.000 ca (tháng 7/2021) xuống mức hơn 400 ca trong giai đoạn hiện nay. Theo ý kiến của các chuyên gia y tế, yếu tố quan trọng, quyết định thành công trong kiểm soát dịch COVID-19 là tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine đạt mức cao.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, dịch COVID-19 sẽ không biến mất hoàn toàn, có thể sớm trở thành bệnh lưu hành, do đó, việc tiêm vaccine là điều kiện tiên quyết để khống chế dịch. Triển khai tiêm vaccine COVID -19 mũi thứ 4 cần là cần thiết để phòng, chống dịch bùng phát nếu xuất hiện biển thể mới.

Vaccine là vũ khí quan trọng

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến ngày 11/7, Việt Nam đã tiêm được hơn 235,5 triệu liều vaccine COVID-19, trong đó hơn 207,7 triệu liều tiêm cho người trên 18 tuổi, gần 18,8 triệu liều cho trẻ từ 12-17 tuổi và gần 9,2 triệu liều cho trẻ từ 5-11 tuổi. Số người mắc COVID-19 cũng như ca bệnh nặng tỷ lệ nghịch với số lượng liều vaccine được tiêm.

Tiêm vaccine mũi thứ 4 để tiếp tục không chế dịch COVID-19, duy trì hoạt động xã hội ảnh 1Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hưởng ứng tiêm vaccine mũi nhắc lại trong ngày phát động. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Ông Vũ Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế cho biết, từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, trải qua 4 đợt dịch, với những kinh nghiệm phòng, chống, điều trị, thích ứng với dịch hiệu quả, Việt Nam có thể tổng hợp được thành các mô hình chống dịch tùy thuộc vào tình hình thực tế.

Đúc kết từ quá trình chống dịch, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Bác sỹ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nhấn mạnh: Vaccine là phương pháp cơ bản và hiệu quả để khống chế dịch. Là người trực tiếp chứng kiến quá trình Việt Nam triển khai chiến dịch tiêm vaccine tại các điểm nóng, tâm dịch, bác sỹ Nguyễn Lân Hiếu cho biết: Tỷ lệ tử vong giảm xuống rõ rệt theo chiều thẳng đứng sau 2 tuần tiêm vaccine. Có thể khẳng định, đến thời điểm này, vaccine là vũ khí quan trọng nhất để chống lại COVID-19.

Đến nay, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chưa có tuyên bố chính thức về việc kết thúc dịch COVID-19 trên toàn thế giới. Bởi lẽ, tại một số quốc gia, việc tiêm chủng chưa được phổ cập đến toàn bộ người dân. Đây có thể là những địa điểm trung gian để dịch bệnh cư trú và chờ cơ hội lây lan, bùng phát mạnh trở lại.

Bác sỹ Nguyễn Lân Hiếu dự đoán, trong tương lai, thế giới sẽ có những hướng dẫn, khuyến cáo mới để COVID-19 dần dần trở thành bệnh đặc hữu. Hiện tại, Việt Nam đã có hệ thống chuyên nghiệp của Bộ Y tế trong việc theo dõi diễn biến dịch bệnh, tạo ra một hệ thống phản ứng chắc chắn với sự thay đổi của dịch bệnh. Điều cần thiết là thay đổi nhiều phương pháp phòng chống dịch để thích ứng linh hoạt với sự biến đổi của các chủng virus Corona. Như vậy, người dân và mọi sinh hoạt xã hội có thể trở lại trạng thái bình thường.

Cần thiết tiêm vaccine mũi thứ 4

Hiện nay, đa phần người dân trên 18 tuổi đã tiêm đủ 3 mũi vaccine. Nhiều trường hộ tiêm vaccine xong vẫn mắc COVID-19 và vẫn còn nhiều người chưa hề mắc. Việc triển khai tiêm vaccine mũi 4 đang được hệ thống y tế triển khai. Điều này là cần thiết để Việt Nam tiếp tục khống chế được dịch COVID-19, đảm bảo mọi hoạt động xã hội diễn ra bình thường.

Trước luồng thông tin lo ngại về những phản ứng có thể mắc phải sau khi tiêm vaccine mũi thứ 4, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Bác sỹ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y cho biết: Các bằng chứng cho thấy, tỷ lệ biến chứng do tiêm vaccine mũi 4 rất ít. Đặc biệt, nếu 3 lần trước không có nhiều phản ứng phụ sau tiêm thì mọi người nên tiếp tục tiêm mũi thứ 4. Đăc biệt, những người có nhiều bệnh nền, hoặc bệnh nền có nguy cơ tăng nặng khi nhiễm SARS-CoV-2 nên tiêm mũi thứ 4.

Để khuyến khích người dân tiêm vaccine mũi 4, truyền thông đóng vai trò rất lớn. Cần giải thích cho người dân hiểu về vai trò của vaccine là vô cùng quan trọng trong phòng và chống mắc COVID-19 hoặc chuyển nặng khi mắc bệnh. Bên cạnh đó, ngành Y tế cần cá thể hoá từng trường hợp tiêm mũi nhắc lại để phù hợp với tình trạng của mỗi người. Thời điểm tiêm, loại vaccine cần rõ ràng với các trường đã tiêm 3 mũi vaccine và mới mắc COVID-19 trong vòng 3 tháng, 6 tháng hay chưa nhiễm lần nào. Khi người dân hiểu về trường hợp của mình, ngành y tế sẽ nhận được sự ủng hộ từ đông đảo người dân.

Để làm được điều này, bác sỹ Nguyễn Lân Hiếu đề cập đến việc cần phải phát huy vai trò của y tế cơ sở, đặc biệt trong việc giúp người dân hiểu rõ hơn tình hình của bản thân, khuyến khích, động viên thuyết phục người dân và gia đình tham gia tiêm chủng kịp thời. Đây là cách thức để duy trì hiệu quả của việc tiêm vaccine mang lại với cá nhân và với cộng đồng.

Theo khuyến cáo của các nhà sản xuất vaccine COVID-19, vaccine là một hình thức giúp cơ thể sớm tạo ra kháng thể để chống lại sự tấn công của virus. Khi tiêm vaccine, kháng thể được tạo ra một cách từ từ, hạn chế được việc nhiễm virus SARC CoV-2 gây ra bão cytokine. Bão cytokine là giai đoạn đầu khi mắc COVID-19 với các triệu chứng tương đối nhẹ và hơi giống với bệnh cúm, gồm: phát ban, đau đầu, mệt mỏi, sốt, đau cơ và xương khớp. Khi đã chuyển sang giai đoạn nặng, cytokine sẽ khiến người bệnh bị ho và thở nhanh, dẫn tới các biến chứng suy hô hấp cấp.

Thực tế cho thấy, vaccine giúp giảm tỷ lệ tử vong, giảm tỷ lệ lây nhiễm nhưng không thể giúp mọi người không bao giờ mắc COVID-19. Một người có thể tiêm đủ liều vaccine nhưng khi tiếp xúc với người đang mắc COVID vẫn có khả năng lây nhiễm. Ngoài ra, mọi người cần hiểu sự khác nhau giữa 2 khái niệm "mắc COVID-19" và "mắc bệnh COVID-19". Rất hiếm trường hợp đã tiêm vaccine và khi mắc COVID-19 mà chuyển biến thành trường hợp nguy kịch.

Với các loại vaccine đang lưu hành, tỷ lệ "chống chỉ định tuyệt đối" của tiêm vaccine là rất thấp. Trường hợp đặc biệt không tiêm khi và chỉ khi đã có phản ứng phản vệ với chính thành phần của vaccine. Tỷ lệ chống chỉ định chiếm 1 phần vài triệu, là mức phổ biến đối với mọi loại vaccine. Đồng thời, khi không thể xác định được các đối tượng chống chỉ định, ngành y tế có thể tập huấn, nâng cao tay nghề, kiến thức của cán bộ y tế về phương pháp phòng chống sốc phản vệ theo cách tiêu chuẩn. Việc tiêm chủng cần phải tiêu chuẩn hoá để mọi nhân viên y tế đều có thể cấp cứu được trường hợp sốc phản vệ. Những trường hợp cấp cứu kịp thời đều không gặp vấn đề nghiêm trọng nào.

Với kinh nghiệm trực tiếp điều trị các bệnh nhân COVID-19 nặng cũng như quan sát các đợt bùng phát bệnh, lời khuyên của bác sỹ Nguyễn Lân Hiếu là: "Đừng lo ngại về những phản ứng phụ của vaccine. Hãy tiêm vaccine và bình tĩnh trước những đợt sóng mới của dịch bệnh nếu nó xảy ra".

Trước thực tế nhiều người lo lắng về các triệu chứng "hậu COVID-19", dẫn đến việc mua các gói khám đắt tiền tại bệnh viện, bác sỹ Nguyễn Lân Hiếu khuyến cáo, người dân không nên đi theo các gói khám hậu COVID đắt tiền, phải bình tĩnh "lắng nghe cơ thể". Khi cảm thấy cơ thể có khác thường, gặp vấn đề ở bộ phận, chức năng nào thì đến gặp bác sỹ chuyên khoa để được khám và tư vấn chính xác.

Để biết cơ thể có mắc thêm các bệnh khác sau khi khỏi COVID-19 (kiểm tra hậu COVID-19), người dân có thể thực hiện chụp X-quang kiểm tra phổi. Phổi là bộ phận bị virus tấn công trước tiên và nặng nhất, nên kiểm tra phổi sẽ biết được mức độ ảnh hưởng hậu COVID-19. Người đã mắc COVID-19 đồng thời có thể xét nghiệm công thức máu để xác định viêm nhiễm virus và kiểm tra tai mũi họng để xem các tổn thương vùng hầu họng.

Hiện nay, ngành y tế đang tập hợp sức mạnh của đội ngũ y bác sỹ và máy móc trang thiết bị để triển khai y tế từ xa, nhằm kịp thời cứu chữa, tư vấn cho người dân về bệnh tật và sức khỏe y tế. Bác sỹ Nguyễn Lân Hiếu cũng kêu gọi người dân cần tin tưởng vào hệ thống y tế, đặc biệt là hệ thống y tế công, lắng nghe các khuyến cáo từ các kênh thông tin chính thống, chủ độnh theo dõi và đăng ký các kênh khám chữa bệnh từ xa. Đây đã và đang là những phương cách thông minh, hợp lý, hiệu quả để bảo vệ bản thân, gia đình, góp phần cùng ngành Y tế và xã hội thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, đảm bảo duy trì các hoạt động bình thường.

Ngọc Bích

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm