Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo Hội thảo. Ảnh: Hoàng Hải |
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình khẳng định: Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, phát triển vùng dân tộc thiểu số, miền núi, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và phát triển bền vững. Trong nhiều năm qua, hệ thống chính sách, pháp luật về dân tộc, miền núi không ngừng được hoàn thiện và ưu tiên bố trí, huy động nguồn lực để thực hiện. Các chính sách tập trung hỗ trợ phát triển kinh tế trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng dân tộc thiểu số và phù hợp với định hướng phát triển chung của cả nước; phát triển văn hóa, xã hội, nhất là hỗ trợ giáo dục- đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giảm nghèo bền vững, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào; bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội, củng cố các địa bàn chiến lược; giải quyết tốt vấn đề đoàn kết dân tộc và quan hệ dân tộc trong mối liên hệ tộc người, giữa các tộc người và liên quốc gia trong xu thế toàn cầu hóa.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, thông qua việc thực hiện các chính sách hỗ trợ, vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt được những kết quả quan trọng: Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội ngày càng phát triển (98,4% xã có đường đến trung tâm, 98% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia); tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh, cuối năm 2017, ở các huyện nghèo còn dưới 40%, ở các xã đặc biệt khó khăn giảm 3-4%/năm. Lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế tiếp tục được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập, khám chữa bệnh của đồng bào, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (100% xã có trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở; 99,3% xã có trạm y tế). Công tác bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa của các dân tộc được chú trọng. Thông tin tuyên truyền phát triển nhanh, cơ bản đáp ứng được nhu cầu thông tin, liên lạc của nhân dân (trên 90% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình)…
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Hoàng Hải |
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng đã chỉ rõ một số hạn chế, bất cập trong việc thực hiện chính sách dân tộc cần sớm được khắc phục: Hệ thống chính sách còn dàn trải, chồng chéo; nguồn lực thực hiện còn khó khăn, chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của từng vùng; chưa khuyến khích được đồng bào tự vươn lên thoát nghèo. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng và thực hiện chính sách còn hạn chế; nhiều địa phương còn gặp khó khăn, vướng mắc trong huy động, phân bổ nguồn lực; chưa phát huy tốt vai trò giám sát của hội đồng nhân dân các cấp. Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở một số địa bàn còn rất khó khăn. Thu nhập bình quân của hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhiều nơi chỉ bằng 40-50% bình quân trong khu vực; tỉ lệ dân số dân tộc thiểu số chiếm 14,6% nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm 52,7% số hộ nghèo của cả nước. Chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa tuy đã được nâng lên nhưng so với mặt bằng chung vẫn còn thấp, mức độ tiếp cận các dịch vụ xã hội còn nhiều khó khăn. Khoảng 21% người trên 15 tuổi chưa đọc thông, viết thạo tiếng Việt. Tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế cao nhưng tỉ lệ khám, chữa bệnh còn thấp. Thụ hưởng văn hóa và tiếp cận các tiến bộ xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều địa phương còn hạn chế. Năng lực, trình độ của cán bộ cơ sở, cán bộ người dân tộc thiểu số ở một số địa phương còn yếu; nhiều vấn đề bức xúc của đồng bào chậm được phát hiện, giải quyết.
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ đề nghị Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành, địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia giàu kinh nghiệm đánh giá đầy đủ, toàn diện hơn về hệ thống chính sách dân tộc giai đoạn 2016 - 2018. Phân tích đúng thực trạng đời sống, thu nhập, sinh kế và mức độ tiếp cận văn hóa, giáo dục, y tế của đồng bào dân tộc thiểu số, đóng góp nhiều ý tưởng, gợi mở những định hướng cho việc xây dựng hệ thống chính sách dân tộc giai đoạn tới mang tính tổng thể, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến cho biết, từ năm 2016 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 41 văn bản đề cập đến việc ưu tiền phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có 15 đề án, chính sách dân tộc. Hiện nay, có 54 chính sách còn hiệu lực hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người.
Trước những kết quả đã đạt được và những khó khăn thách thức lớn ở vùng dân tộc thiểu và miền núi là tình trạng thiếu việc làm, đói nghèo và thiên tai bệnh tật, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT đã xác định những nguyên nhân chính sau: Xuất phát điểm của vùng dân tộc thiểu số và miền núi thấp, đồng bào sinh sống ở nơi địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, mặt bằng dân trí thấp, rất khó khăn trong thu hút đầu tư, do vậy chậm phát triển; Thiên tai, bão lũ, sạt lở đất, xâm nhập mặn, hạn hán… tác động lớn đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi làm cho đời sống của đồng bào đã khó khăn lại càng khó khăn thêm; Phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển còn một số bất cập, ban hành nhiều chính sách nhưng phân tán, manh mún, thiếu nguồn lực đầu tư do vậy không đạt được mục tiêu đề ra; Nhận thức của bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn phiến diện, chưa thật lòng quan tâm đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa thường xuyên chặt chẽ, còn chồng chéo, chưa rõ trách nhiệm.
Bộ trường, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Hoàng Hải |
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến cũng xác định mục tiêu đến năm 2030, cần ban hành đồng bộ các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đảm bảo nguồn lực thực hiện chính sách, thu hẹp một bước chênh lệch giữa vùng dân tộc thiểu số và miền núi so với vùng phát triển, không còn huyện đặc biệt khó khăn, giảm 50% số xã đặc biệt khó khăn, giảm 60% hộ nghèo dân tộc thiểu số hiện nay; 100% trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia, nâng cao chất lượng tiếp cận các dịch vụ phúc lợi cơ bản của người dân; không còn tình trạng hộ dân tộc thiểu số nghèo cùng cực; không còn hộ dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt mà chưa được hỗ trợ.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã thống nhất cho rằng, giai đoạn vừa qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hệ thống chính sách đồng bộ bao phủ các mặt của đời sống xã hội, chính sách đã phát huy hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy đạt được nhiều kết quả nhưng hiện nay vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn là vùng khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế, xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ phúc lợi xã hội cơ bản thấp nhất và tỉ lệ nghèo cao nhất.
Các đại biểu cho rằng, đây cũng là cơ hội rất tốt để tích hợp chính sách, thu gọn đầu mối, tập trung nguồn lực để phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Nhiều ý kiến bày tỏ làm sao phát huy được “nội hàm” chính sách là gì, cơ chế vận hành ra sao, nguồn lực ở đâu để thực hiện chính sách, phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi sao cho khách quan, khoa học nhất để tập trung đầu tư, tránh dàn trải, manh mún...
Hội thảo đã tiếp thu các ý kiến và sẽ báo cáo Chính phủ. Ủy ban Dân tộc sẽ tiến hành xây dựng Đề án đảm bảo chất lượng và thời gian, trên cơ sở đó Chính phủ sẽ trình tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV xem xét.
Hoàng Hải