Thủ tướng Phạm Minh Chính: Xây dựng Gia Lai trở thành vùng động lực của khu vực Tây Nguyên

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Xây dựng Gia Lai trở thành vùng động lực của khu vực Tây Nguyên

Trong chương trình công tác tại Gia Lai, sáng 22/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác của Chính phủ có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Gia Lai về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2021, 4 tháng đầu năm 2022, nhiệm vụ năm 2022 và những năm tiếp theo. Dự buổi làm việc còn có lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.

*Một số kết quả quan trọng

Tại buổi làm việc, Báo cáo của Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Nên cho biết, năm 2021 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ tỉnh Gia Lai, trong bối cảnh chịu tác động của đại dịch COVID-19, nhưng với sự đoàn kết, thống nhất, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, linh hoạt của Đảng bộ tỉnh, các cấp, ngành, cơ quan, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa duy trì, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, cơ bản thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị và đạt được một số kết quả quan trọng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Xây dựng Gia Lai trở thành vùng động lực của khu vực Tây Nguyên ảnh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Trong đó, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2021 tăng 9,71% so với năm 2020; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2021 theo giá hiện hành đạt 49.602,35 tỷ đồng (tăng 13,99% so với cùng kỳ năm trước). Toàn tỉnh có 91 xã và 123 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới; giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) đạt 24.801 tỷ đồng, đạt 100% Nghị quyết (tăng 10,13% so với cùng kỳ). Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 7.881 tỷ đồng, đạt 173,1% dự toán Trung ương giao, đạt 156,2% Nghị quyết đề ra. Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2021 của tỉnh đứng thứ 26 toàn quốc, đứng thứ hai khu vực Tây Nguyên (tăng 12 bậc so với năm 2020).

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Xây dựng Gia Lai trở thành vùng động lực của khu vực Tây Nguyên ảnh 2Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Cùng với đó, lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt được nhiều tiến bộ đáng kể, các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc được bảo tồn và phát huy; y tế, giáo dục và đào tạo đều có những bước tiến vững chắc, đã thực sự làm thay đổi chất lượng cuộc sống của người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng; môi trường được đảm bảo, xây dựng nông thôn mới đạt được những kết quả tích cực. Đáng chú ý, thời gian qua, Tỉnh đã triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm an sinh xã hội.

Trong năm qua, trên địa bàn tỉnh Gia Lai, quốc phòng được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội bảo đảm; đối ngoại được tăng cường. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được chú trọng. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cải cách tư pháp đã có chuyển biến tích cực. Công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể không ngừng được đổi mới, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền.

Tỉnh Gia Lai đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương một số vấn đề về xây dựng tuyến đường cao tốc Pleiku – Quy Nhơn, công trình thủy lợi Ia Mơr; thu hút vốn ODA cho một số dự án giao thông, thủy lợi; tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển vùng Tây Nguyên...

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương liên quan đã phát biểu làm rõ tiềm năng, thế mạnh cũng như những khó khăn, hạn chế và kết quả mà tỉnh Gia Lai đã đạt được; giải đáp các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Gia Lai. Các đại biểu nhấn mạnh, tỉnh Gia Lai có tiềm năng, lợi thế phát triển cây công nghiệp, du lịch, năng lượng tái tạo... Do đó đề nghị tỉnh Gia Lai phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng chiến lược, mở rộng không gian hướng biển để phát triển. Lãnh đạo các bộ, ngành cơ bản nhất trí với các đề xuất, kiến nghị của Gia Lai; sẵn sàng phối hợp với tỉnh để xử lý, giải quyết hiệu quả khi được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng ý, chỉ đạo, quyết định.

*Khai thác tốt các nguồn lực, phát triển nhanh, bền vững, giàu bản sắc

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, Gia Lai là tỉnh miền núi, biên giới, có vị trí chiến lược về kinh tế, quốc phòng, an ninh, trung tâm Tam giác Phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia; có diện tích tự nhiên thứ hai cả nước, có điều kiện tự nhiên thuận lợi; dân số trên 1,5 triệu người; có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa cách mạng, đoàn kết, thống nhất, yêu nước. “Đây là di sản quý báu, là nguồn lực cơ bản để Gia Lai phát triển nhanh và bền vững”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tỉnh cũng có hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, với các tuyến Quốc lộ 14, 19, 78, 25, đường Hồ Chí Minh, đường Đông Trường Sơn; sân bay Pleiku và đường biên giới dài khoảng 90 km với Campuchia. Gia Lai phát triển nông nghiệp với các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như cà phê, chè, cao su, điều, hồ tiêu và cây ăn quả… Công nghiệp chế biến nông, lâm sản theo hướng liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ, đẩy mạnh xuất khẩu. Tỉnh có thế mạnh về phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, chế biến khoáng sản; có cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, thuận lợi cho giao thương quốc tế. Gia Lai cũng có tiềm năng phát triển du lịch với thế mạnh nổi trội.

Bên cạnh biểu dương, đánh giá cao kết quả phát triển mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Gia Lai đã đạt được như báo cáo của tỉnh, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế mà Gia Lai cần lưu ý, khắc phục như: Gia Lai chưa phát huy hết tiềm năng; hạ tầng chiến lược còn hạn chế; tính tự tin vươn lên từ nội lực đã có nhưng chưa nhiều; các bộ, ngành Trung ương đã quan tâm nhưng chưa đủ; đời sống đồng bào dân tộc, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn khó khăn; công tác bảo vệ môi trường ở một số nơi chưa tốt.

Năm 2021 có 3/21 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra; quy mô kinh tế còn nhỏ, phát triển chưa bền vững, năng lực cạnh tranh còn thấp; quy hoạch chậm; tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu; hạ tầng giao thông vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; tình hình quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là quản lý, bảo vệ rừng còn nhiều vấn đề phức tạp; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở một số địa bàn còn tiềm ẩn các yếu tố phức tạp...

Trên cơ sở phân tích, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà tỉnh cần thực hiện trong thời gian tới. Theo đó, Thủ tướng đề nghị Gia Lai tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, các nguồn lực để xây dựng Gia Lai phát triển nhanh, bền vững, giàu bản sắc, phấn đấu đến năm 2030 trở thành vùng động lực của khu vực Tây Nguyên, có vị trí quan trọng trong khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.

Tỉnh cần tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; thực hiện có trọng tâm, trọng điểm; đúc rút bài học kinh nghiệm, mô hình hay để nhân rộng; những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc quy định không còn phù hợp thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội; phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết; tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả.

Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh tập trung triển khai có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, đẩy mạnh triển khai có hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Tỉnh cần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, ứng dụng khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh và tăng cường thu hút đầu tư. Huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế nhanh và bền vững; tập trung phát triển các lĩnh vực trọng điểm như: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, du lịch chất lượng cao. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Thủ tướng đề nghị Gia Lai đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả đầu tư công, tránh dàn trải, chia cắt, manh mún; đa dạng hóa các nguồn lực, tăng cường hợp tác công - tư để phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong khai thác, sử dụng đất, nước, rừng, tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc tách thửa, phân lô, bán nền.

Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ, Gia Lai phải quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục nâng hạng các chỉ số về cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh; đẩy mạnh chuyển đổi số; phát triển nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ khởi nghiệp và thu hút doanh nghiệp có tiềm lực trong nước, quốc tế; bảo tồn, phát huy tốt giá trị văn hóa truyền thống, cách mạng, các di sản, di tích gắn với phát triển du lịch; tập trung đầu tư giáo dục, y tế...

Thủ tướng lưu ý, tỉnh tiếp tục củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tiếp tục chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại với các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia.

Theo Thủ tướng, Gia Lai tiếp tục coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực.

Về các đề xuất, kiến nghị của địa phương, trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ phân tích, cho ý kiến đối với từng vấn đề. Theo đó, cơ bản đồng ý về mặt nguyên tắc đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh; đồng thời yêu cầu các bộ, ngành, phối hợp, bàn bạc với Gia Lai và địa phương liên quan giải quyết theo thầm quyền. Những vấn đề vượt thẩm quyền thì tổng hợp, đề xuất, trình Chính phủ và cấp có thẩm quyền xem xét.

"Đề nghị Gia Lai tự tin hơn nữa; tự lực, tự cường hơn nữa; phát huy nội lực; chọn công việc để làm, làm việc nào dứt điểm việc đó; đưa Gia Lai phát triển nhanh và bền vững", Thủ tướng nhấn mạnh.

Phạm Tiếp

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm