Chiều 6/11, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 10/2021 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Cuộc họp diễn ra ngay sau khi Thủ tướng và Đoàn cấp cao Việt Nam về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Biến đổi khí hậu (COP26), thăm làm việc tại Vương quốc Anh và thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ ngày 31/10-5/11/2021.
Tháng 10 đã xuất siêu trở lại sau nhiều tháng nhập siêu
Sau hơn 3 tuần thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP, tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 đã có nhiều chuyển biến tích cực; củng cố niềm tin, tinh thần phấn khởi, lạc quan của người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư về xu hướng, khả năng phục hồi của nền kinh tế. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, di chuyển của người dân, người lao động dần trở lại trạng thái bình thường mới.
Đáng chú ý, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình doanh nghiệp trong tháng 10 có sự phục hồi, doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 29,8% so với tháng trước. Từ giữa tháng 10/2021 đến nay, khoảng hơn 75% lao động đã trở lại các đô thị lớn, khu công nghiệp, giúp giảm áp lực thiếu lao động cho doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh. Kim ngạch xuất khẩu trong tháng 10 tăng 6,4% so với tháng trước; đáng chú ý là tháng 10 đã xuất siêu trở lại sau nhiều tháng nhập siêu.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, các chỉ số trong tháng 10 rất tích cực; cầu tiêu dùng tăng trở lại; xuất siêu trở lại trong tháng 10 trong khi 9 tháng trước là nhập siêu. Đầu tư nước ngoài tăng cho thấy sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài về sự hồi phục kinh tế của Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đảm bảo cung ứng nguồn vốn cho nền kinh tế; trong10 tháng đầu năm tín dụng tăng; mặt bằng lãi suất ở mức thấp. Hệ thống ngân hàng tiếp tục triển khai hỗ trợ giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp. Lạm phát được kiểm soát, đảm bảo chỉ tiêu của Quốc hội dưới 4%.
Bên cạnh đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh một số rủi ro, trong đó có sức ép lạm phát. Hiện lạm phát ở mức tương đối thấp, đảm bảo chỉ tiêu của Quốc hội dưới 4%; tuy nhiên, sức ép lạm phát tăng dần, trong bối cảnh giá cả hàng hóa thế giới tăng.
Bên cạnh đó là nguy cơ nợ xấu. Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, hiện nợ xấu vẫn ở mức dưới 2%, nhưng các khoản nợ xấu tiềm ẩn do chính sách hỗ trợ hoãn, giãn có thể khiến nợ xấu lên mức 7-8%; nếu doanh nghiệp còn khó khăn do dịch thì nợ xấu có thể tiếp tục tăng. Các chuyên gia trong và ngoại nước cũng có khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước sớm có lộ trình để giữ an toàn cho hệ thống ngân hàng.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, so với thời điểm cách đây 1 tháng, trước khi thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP, số ca mắc trong cộng đồng giảm 66,7%; số tử vong giảm 64,6%; số ca điều trị giảm 97,3%.
"Điều này phần nào thể hiện rõ hiệu quả của chiến dịch tiêm vaccine. Cơ bản hiện nay các địa phương thực hiện tốt Nghị quyết 128/NQ-CP", Bộ trưởng Y tế cho biết.
Đến thời điểm này, trong tổng số 195 triệu liều vaccine đã có hợp đồng hay có thỏa thuận cung ứng thì 124 triệu liều đã về Việt Nam. Có 109 triệu liều đã được phân bổ cho các địa phương, số còn lại đang được phân bổ tiếp. Có 88 triệu liều vaccine đã được tiêm, ngày hôm qua có tới 2 triệu liều đã được tiêm.
Tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam có 27,7 triệu người trên 18 tuổi và tổng số vaccine đã được phân bổ cho khu vực này là 51,7 triệu liều. Tính chung cả khu vực này, có 94,7% dân số trên 18 tuổi đã được tiêm mũi 1; 51,5% trong số đó đã được tiêm mũi 2. Bộ Y tế tiếp tục coi đây là khu vực trọng điểm để cung ứng vaccine và bảo đảm thực hiện chiến dịch tiêm chủng. Về tiêm vaccine cho trẻ em từ 12-17 tuổi, đến nay, tất cả các địa phương đều tiêm an toàn, không có trường hợp nào phản ứng nặng sau tiêm.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề xuất chính sách hỗ trợ người lao động trong lĩnh vực giáo dục mầm non ngoài công lập (có hơn 19.200 cơ sở). Theo Bộ trưởng, số người lao động trong lĩnh vực này đang gặp khó khăn nghiêm trọng. Nếu các trường, lớp mầm non ngoài công lập này phải giải thể thì có khoảng 1,2 triệu trẻ không có chỗ trông gửi, bố mẹ của trẻ không thể đi làm được, lao động, sản xuất.
Phát huy tinh thần đoàn kết trong thực hiện mục tiêu kép
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong tháng 10 có nhiều sự kiện quan trọng, cả đối nội và đối ngoại. Cũng trong tháng 10 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và Bộ Y tế ban hành Quyết định 4800/QĐ-BYT để cụ thể hóa Nghị quyết 128/NQ-CP.
Kể từ khi ban hành (từ ngày 11/10) đến nay, các quy định của Nghị quyết 128/NQ-CP cơ bản phù hợp với tình hình. Theo Thủ tướng, chúng ta đã thay đổi tư duy và cách chống dịch theo hướng quản lý rủi ro chứ không theo đuổi chính sách “zero COVID”, đồng thời thực hiện từng bước thận trọng, chắc chắn, rút kinh nghiệm và mở rộng dần. Các bộ, ngành, địa phương đã cơ bản đồng tình và tổ chức thực hiện quyết liệt Nghị quyết 128/NQ-CP. Khi chuyển trạng thái có thể xảy ra vướng mắc nhưng quan trọng nhất là chúng ta phát hiện ra, điều chỉnh và chỉ đạo thực hiện quyết liệt.
Thủ tướng nêu rõ “không có lựa chọn hoàn hảo mà chỉ có lựa chọn tối ưu” và sự tối ưu được chứng minh qua thực tiễn. Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần: "Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là" trong phòng, chống dịch.
Thủ tướng cho biết, chỗ nào phát sinh ổ dịch thì tập trung dập dịch theo đúng 3 trụ cột trong công tác phòng, chống dịch: cách ly nhanh nhất, hẹp nhất, nghiêm ngặt nhất; có mục tiêu và lộ trình để có giải pháp phù hợp, hiệu quả. Nếu một tổ dân phố có dịch thì cả phường, cả xã phải lo; một phường, một xã mà bị thì cả huyện phải lo; một huyện mà bị thì cả tỉnh phải lo; một tỉnh mà bị thì cả khu vực phải lo. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng sẽ tham gia hỗ trợ các địa phương.
Nhắc lại tình hình tháng 10, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện trên các mặt công tác, hoàn thành khối lượng lớn công việc, bao gồm chuẩn bị cho kỳ họp Trung ương VI khóa XIII, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, tập trung cho công tác đối ngoại, cả đa phương và song phương. Để hoàn thành tốt các công việc này, Thủ tướng cho rằng có sự đoàn kết, thống nhất, quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan trực thuộc Chính phủ, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo; căn cứ chức năng, quyền hạn của mình để chủ động giải quyết.
Về tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng khẳng định, có nhiều điểm tích cực. Trước hết, dịch bệnh dần được kiểm soát, thực hiện quyết liệt chính sách an sinh xã hội, chiến lược vaccine được đẩy mạnh (gồm cả nhập khẩu, thúc đẩy sản xuất trong nước và tiêm chủng).
Thủ tướng đánh giá, hoạt động sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp đang phục hồi, xuất nhập khẩu duy trì đà tăng tích cực; khắc phục được nhập siêu và trở lại xuất siêu với mức 160 triệu USD; giữ vững các cân đối lớn của nền kinh tế. Lạm phát được kiểm soát tốt. Xu hướng thu hút vốn đầu tư nước ngoài gia tăng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nổi bật, Thủ tướng yêu cầu, không được chủ quan, cần nhìn nhận rõ các rủi ro, thách thức. Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp; rủi ro tài khóa, nợ công, sức ép lạm phát... Mặc dù tình hình doanh nghiệp đã phục hồi, số doanh nghiệp trở lại hoạt động nhiều hơn số doanh nghiệp rút khỏi thị trường, nhưng doanh nghiệp còn gặp khó khăn. Tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm.
Thủ tướng cho rằng phải đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine, bảo đảm an toàn, hiệu quả, khoa học, không chần chừ, nhất là tập trung cho các địa bàn, khu vực trọng điểm như các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Thủ tướng cho rằng phải phấn đấu tiêm hết số vaccine còn lại trong tháng 11 này.
Về đầu tư công, Thủ tướng nhấn mạnh, cần phân tích rõ nguyên nhân về thể chế chính sách hay khâu tổ chức thực hiện để khắc phục những tồn tại, hạn chế; phải tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy đầu tư công.
Định hướng nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, tiếp tục thực hiện các mục tiêu: thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo tinh thần quản lý rủi ro và đẩy mạnh phục hồi kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm an ninh trật tự xã hội; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, khai thác hiệu quả các FTA đã ký kết. Thủ tướng cũng nhấn mạnh về kích thích tiêu dùng nội địa bởi hoạt động bán lẻ đã phục hồi nhưng còn yếu; đồng thời đảm bảo các giải pháp kiềm chế lạm phát.
Bên cạnh đó, tại phiên họp Chính phủ đã thảo luận Đề án thí điểm tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư; xem xét báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 17/NQ-CP quý III/2021; báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ giao và tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết tháng 10 và 10 tháng năm 2021.
TTXVN