Thủ tướng Phạm Minh Chính: Hội đồng điều phối vùng có tư duy đổi mới, tạo động lực mới để có kết quả mới

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Hội đồng điều phối vùng có tư duy đổi mới, tạo động lực mới để có kết quả mới

Sáng 20/7, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng (Hội đồng) chủ trì Hội nghị lần thứ nhất, ra mắt và triển khai hoạt động của Hội đồng.

Hội nghị được tổ chức ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng điều phối 4 vùng kinh tế-xã hội trong cả nước (gồm: Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; Đông Nam Bộ; Đồng bằng sông Hồng; Tây Nguyên) và vừa tổ chức Hội nghị ra mắt, triển khai hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ.

Dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng. Cùng dự có các Bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và các chuyên gia, nhà khoa học.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Hội đồng điều phối vùng có tư duy đổi mới, tạo động lực mới để có kết quả mới ảnh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính và các thành viên Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Xây dựng thể chế, cơ chế liên kết vùng đủ mạnh

Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định rõ cần “xây dựng thể chế liên kết vùng đủ mạnh, bảo đảm hiệu quả điều phối, liên kết phát triển vùng” nhằm đổi mới cách thức hoạt động, điều phối và phương thức liên kết giữa các địa phương trong vùng để phát huy hiệu quả cao nhất những tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trong vùng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Hội đồng điều phối vùng có tư duy đổi mới, tạo động lực mới để có kết quả mới ảnh 2Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận hội nghị. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Ngày 09/01/2023 Quốc hội thông qua Nghị quyết số 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; ngày 19/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 492/QĐ-TTg về phê quyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, vùng Đồng bằng sông Hồng được định hướng trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn có giá trị kinh tế cao; trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước; đi đầu về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; có hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, đô thị thông minh, có tính kết nối cao. Tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông và ngập úng cơ bản được giải quyết. Trong đó, Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước, phấn đấu ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Hội đồng điều phối vùng có tư duy đổi mới, tạo động lực mới để có kết quả mới ảnh 3Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tham luận tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng lần thứ nhất. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Theo Quyết định số 826/QĐ-TTg, ngày 11/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng là tổ chức phối hợp liên ngành, thực hiện chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, điều phối, giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành về liên kết vùng, phát triển bền vững vùng.

Cùng với nghe công bố Quyết định thành lập và quy chế, nhiệm vụ hoạt động của Hội đồng, tại Hội nghị, lãnh đạo của nhiều Bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, nhà khoa học đã tham luận đề xuất các chương trình phối hợp, giải pháp phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng như: Giải pháp phân bổ không gian đô thị và giải nén, giảm tải cho các đô thị lớn vùng Đồng bằng sông Hồng; giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát triển xanh, bền vững.

Các bộ, ngành, địa phương cũng đề xuất giải pháp phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng trở thành trung tâm khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển các trung tâm đô thị, dịch vụ, du lịch; giải pháp phát triển các ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ cao; xây dựng các trung tâm kinh tế biển, phát triển hệ thống cảng biển trên địa bàn vùng gắn với xây dựng hệ thống kho bãi, logistics hiện đại, thương mại tự do, liên kết các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển.

Đáng chú ý, các đại biểu đề xuất các cơ chế đặc thù cho vùng Đồng bằng sông Hồng. Đặc biệt, nghiên cứu các cơ chế, chính sách huy động hiệu quả nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế vào đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng, nhất là hạ tầng giao thông, phân cấp cho các địa phương chủ động thực hiện các dự án liên vùng kết nối; nghiên cứu hình thành Quỹ phát triển hạ tầng vùng để đầu tư xây dựng các dự án liên vùng…

Hội đồng Điều phối vùng không làm thay việc của địa phương

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Đảng, Nhà nước, các đồng chí Lãnh đạo chủ chốt, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt quan tâm triển khai đường lối Đại hội XIII của Đảng về 6 vùng kinh tế - xã hội, trong đó có vùng Đồng bằng sông Hồng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Hội đồng điều phối vùng có tư duy đổi mới, tạo động lực mới để có kết quả mới ảnh 4Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng lần thứ nhất. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Thủ tướng nhấn mạnh, vùng Đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo; là cửa ngõ phía Bắc của đất nước và ASEAN về kết nối phát triển kinh tế, thương mại với Trung Quốc; là cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa quốc tế; là vùng đất rất màu mỡ và giàu tiềm năng phát triển.

Vùng có hệ thống giao thông kết nối đồng bộ; vùng biển có diện tích lớn; là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, có nguồn nhân lực dồi dào. Trong đó Thủ đô Hà Nội, hạt nhân phát triển vùng; trung tâm về kinh tế, văn hóa, khoa học-công nghệ; có bề dày phát triển hàng nghìn năm gắn với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tuy nhiên, vùng Đồng bằng sông Hồng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và vị trí của vùng.

Theo Thủ tướng, Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ có các Nghị quyết, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó có việc nghiên cứu, xây dựng thể chế điều phối vùng đủ mạnh để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả điều phối, liên kết vùng, tập trung vào một số lĩnh vực như quy hoạch, phát triển hạ tầng, xúc tiến đầu tư, xử lý các vấn đề về môi trường liên tỉnh, phát triển các cụm liên kết ngành về môi trường… Do đó, Hội đồng điều phối vùng được thành lập để khắc phục những hạn chế, tồn tại, thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Quốc hội và Chính phủ.

“Hoạt động của Hội đồng điều phối vùng không làm thay việc của cấp ủy, chính quyền các địa phương mà điều phối, liên kết, đôn đốc, kiểm tra, tạo xu thế, phong trào để làm tốt và sơ kết, tổng kết, đề xuất khen thưởng, xử lý các vấn đề còn vướng mắc. Các địa phương phải phát huy tinh thần tự lực, tự cường, không trông chờ, ỉ lại; nhằm tạo sức mạnh tổng hợp của cả vùng để phát triển”, Thủ tướng nêu rõ.

Theo Thủ tướng, trong điều kiện hiện nay, liên kết vùng cần tập trung thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn. Trong đó, ưu tiên cho tăng trưởng, cụ thể là tập trung cho 3 động lực tăng trưởng gồm đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu.

Cùng với đó, tiếp tục triển khai 3 đột phá chiến lược. Trong đó, thực hiện kết nối hạ tầng chiến lược trong vùng như xây dựng tuyến cao tốc và đường ven biển từ Thanh Hóa - Ninh Bình - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh; kết nối hạ tầng kỹ thuật như điện, nước, viễn thông; kết nối, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển; thúc đẩy cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hoàn thiện thể chế, trong đó xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi đặc biệt cho phát triển vùng.

Hội đồng cũng tạo liên kết để sử dụng hiệu quả nguồn tài chính Nhà nước, phát huy hiệu quả nguồn tài chính của các địa phương theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị; thúc đẩy hợp tác công tư, liên kết để thu hút vốn FDI; phát triển hạ tầng xã hội, văn hóa gắn với du lịch; liên kết, chia sẻ kinh nghiệm trong phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các tỉnh, thành phố khẩn trương kiện toàn và triển khai hoạt động của Hội đồng và tổ chức trực thuộc; khẩn trương hoàn thiện quy hoạch tỉnh và vùng, nhất là Hà Nội; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cho vùng và Luật Thủ đô; hoàn thiện các thủ tục và công tác chuẩn bị đầu tư các tuyến đường ven biển, các cao tốc trong vùng; nghiên cứu phát hành trái phiếu, tìm kiếm các nguồn vốn, nguồn ODA để phát triển đường sắt cao tốc kết nối Hà Nội – với khu Láng - Hòa Lạc và Hà Nội với Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hưng Yên...

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Hội đồng điều phối vùng có tư duy đổi mới, tạo động lực mới để có kết quả mới ảnh 5Đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng tham dự hội nghị. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Cùng với đó, nghiên cứu xây dựng các dự án bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, gắn với thúc đẩy tăng trưởng xanh của Hà Nội và cả vùng; liên kết các khu công nghiệp, thương mại, tạo sức mạnh chung, tránh lãng phí nguồn lực; kết nối doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khôi phục các chuỗi sản xuất, cung ứng, mở rộng thị trường, phát triển sản phẩm OCOP; phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo; xây dựng cơ chế hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, phòng chống tham nhũng.

Thủ tướng cũng yêu cầu tổ chức các hội thảo khao học tập trung vào chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu; đặc biệt nghiên cứu thành lập hình thành Quỹ phát triển hạ tầng vùng.

“Đầu quý 4/2023 sẽ tổ chức kiểm điểm và cuối năm 2023 sẽ tổ chức sơ kết việc thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển các vùng kinh tế-xã hội”, Thủ tướng cho biết.

Cho rằng, “tư duy đổi mới mang lại cách làm mới; cách làm mới mang lại động lực mới; động lực mới mang lại kết quả mới”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tin tưởng, với sự quyết tâm, đoàn kết, chung sức đồng lòng và nỗ lực cao của các bộ, ngành, các địa phương trong vùng; sự góp sức, chung tay của các chuyên gia, nhà khoa học, các viện nghiên cứu, các đối tác liên quan, Hội đồng điều phối sẽ không ngừng nỗ lực, đổi mới, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ đã đề ra, phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng nhanh và bền vững; góp phần xây dựng đất nước ngày càng hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Phạm Tiếp

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm