Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN |
Điểm nổi bật của Kon Tum là diện tích rừng đặc dụng lớn, điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho công tác phát triển dược liệu dưới tán rừng, đặc biệt là sâm Ngọc Linh. Qua thực tế cho thấy, việc giao rừng, thuê rừng để trồng sâm Ngọc Linh và các loài dược liệu dưới tán rừng không phát sinh hoạt động khai thác lâm sản, không ảnh hưởng đến cấu trúc rừng. Đồng thời, góp phần to lớn vào công tác quản lý, bảo vệ diện tích rừng được giao, cho thuê vì yêu cầu phải có độ che phủ của rừng >70% để tạo môi trường sống thích hợp cho cây sâm Ngọc Linh và các loài dược liệu phát triển.
Tại buổi làm việc, Kon Tum kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét có cơ chế cho tỉnh được thực hiện việc giao rừng, cho thuê rừng đặc dụng để thực hiện các dự án đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh và các loài dược liệu dưới tán rừng. Trước mắt xem xét thống nhất cho phép tỉnh được thực hiện thí điểm việc giao rừng, thuê rừng đối với diện tích rừng đặc dụng 8.807 ha thuộc lâm phần của Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh để trồng và phát triển sâm Ngọc Linh dưới tán rừng.
Cho ý kiến về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tỉnh Kon Tum tập hợp, rà soát, đánh giá kỹ kết quả các dự án đã triển khai; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trên tinh thần “tạo điều kiện thuận lợi” để tỉnh phát triển cây dược liệu đặc biệt quý hiếm và giá trị kinh tế cao là sâm Ngọc Linh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận tại buổi làm việc. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN |
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến đặc thù của Kon Tum là địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao cùng sinh sống. Do đó, yêu cầu gìn giữ, phát huy tình đoàn kết, không gian đa văn hóa của các dân tộc cần phải luôn được chú trọng. Một đặc điểm khác của Kon Tum là địa phương của Việt Nam giáp ranh hai nước Lào – Campuchia nên nhiệm vụ đối ngoại, gìn giữ, củng cố tình hữu nghị, hợp tác truyền thống cũng cần được coi là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng bộ, các cấp chính quyền và nhân dân trong tỉnh.
Phân tích sâu về những tiềm năng lợi thế của Kon Tum, nhất là sở hữu nhiều kinh doanh thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp, cây dược liệu, Thủ tướng nhắc đến truyền thống của người dân Kon Tum trung kiên, anh dũng, luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân chung sức, chung lòng xây dựng quê hương Kon Tum ngày càng phát triển đi lên.
Nhận xét về kết quả phát triển kinh tế xã hội của địa phương, Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh điều kiện biến đổi khí hậu gây ra nhiều khó khăn, trở ngại, nhưng Kon Tum đã có nhiều cố gắng và đạt được một số thành công căn bản, làm tiền đề cho tăng trưởng của tỉnh trong thời gian tới.
Thủ tướng đánh giá cao kết quả công tác đối ngoại, củng cố, phát huy tình hữu nghị, hợp tác truyền thống với các nước bạn Lào, Campuchia. Tỉnh thường xuyên chú trọng, quan tâm giải quyết và làm tốt công tác dân tộc trên địa bàn.
Thủ tướng cho rằng, với các dự án trồng cây sâm Ngọc Linh - quốc bảo của Việt Nam, Kon Tum đã bước đầu đạt được thành công trên con đường phát triển loại dược liệu hiếm có và giá trị kinh tế cao này gắn với những vấn đề về “quốc kế dân sinh” tại địa phương.
Tuy nhiên, thẳng thắn chỉ rõ một số hạn chế cần khắc phục của tỉnh, Thủ tướng nhận xét, Kon Tum còn phát triển dưới tiềm năng, thu nhập bình quân đầu người còn thấp, có nguy cơ tụt hậu. Thương hiệu của một số sản phẩm như cà phê, hàng nông sản còn yếu. Phát triển doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, hầu hết doanh nghiệp đều thuộc diện nhỏ và siêu nhỏ. Đáng chú ý, chỉ số PCI của tỉnh còn thấp, có những mặt thậm chí còn tụt hậu; chất lượng nguồn nhân lực còn cần phải cải thiện nhiều trong thời gian tới…
Về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế xã hội Kon Tum, Thủ tướng đề nghị tỉnh chọn một số lĩnh vực quan trọng, phù hợp để ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ. Cùng với đó là tập trung tìm nguồn lực đảm bảo cho chất lượng tăng trưởng bền vững, nhất là về giao thông, thủy lợi. Bên cạnh đó, tỉnh cần chú ý hơn đến nâng cao chất lượng giáo dục, xử lý tốt vấn đề đất đai, không để xảy ra điểm nóng; phát triển hài hòa các vấn đề xã hội và nâng cao dân trí cho người dân. Thủ tướng căn dặn Kon Tum coi trọng hơn nữa việc tìm kiếm, kêu gọi đầu tư, nhất là những nhà đầu tư lớn, giàu tiềm năng.
Gợi ý hướng phát triển của Kon Tum, Thủ tướng đề nghị tỉnh phát huy tiềm năng sẵn có dựa trên các trụ cột: Phát triển rừng bền vững, nâng cao năng suất rừng gắn với trồng cây dược liệu dưới tán rừng; phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ cao đa chức năng; phát triển công nghiệp năng lượng, chế biến ở phân khúc cấp cao; phát triển kinh tế cửa khẩu, du lịch…
Nhân dịp công tác tại Kon Tum, Thủ tướng đã đến thăm hỏi, tặng quà một số gia đình chính sách, cán bộ lão thành, người có công với cách mạng tại Thành phố Kon Tum. Thủ tướng đã đến thăm hỏi, động viên ông Vũ Năng Phấn ( 93 tuổi, cán bộ tiền khởi nghĩa, 75 tuổi Đảng); ông Đào Duy Tồn (93 tuổi, cán bộ tiền khởi nghĩa, thương binh 4/4, nhiễm chất độc hóa học, 70 năm tuổi Đảng) và các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh Kon Tum là bác sĩ Sô Lây Tăng và bà Y Viêng ( nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy).
Quang Vũ – Cao Nguyên