Chiều 11/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã chủ trì Hội nghị đánh giá việc thực hiện Quy chế phối hợp công tác của Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Trong 5 năm, MTTQ các cấp đã vận động được hơn 27.000 tỷ đồng cho Quỹ “Vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội; xây mới và sửa chữa hơn 198.000 căn nhà đại đoàn kết; hỗ trợ hơn 9 triệu lượt người nghèo và cận nghèo, nạn nhân chất độc da cam và đối tượng khó khăn với tổng giá trị gần 6.400 tỷ đồng.
Cũng trong thời gian nói trên, MTTQ đã tổng hợp và phản ánh đến Chính phủ 34.125 ý kiến của nhân dân về 19 nhóm vấn đề (riêng năm 2020 có 6.750 ý kiến). Thủ tướng đã giao các bộ, ngành, địa phương liên quan xem xét giải quyết, có văn bản trả lời theo đúng quy định.
Đặc biệt, trong năm 2020, MTTQ Việt Nam đã đồng hành cùng Chính phủ trong công tác phòng chống dịch COVID-19, góp phần vào những kết quả quan trọng trong việc thực hiện "Mục tiêu kép".
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho rằng, nhân dân tin tưởng, vui mừng kỳ vọng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, phản ứng nhanh nhạy trước những tình huống khó khăn, bất thường. Tinh thần quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả đó đã mang lại những thành tựu có ý nghĩa quan trọng của đất nước. Kiến nghị, đề xuất về cơ chế, chính sách của Mặt trận được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm giải quyết thỏa đáng.
Về nhiệm vụ năm 2021, Chủ tịch MTTQ Trần Thanh Mẫn nêu rõ, trọng tâm là triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Chính phủ, Quốc hội. Trước mắt là cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp.
Mặt trận tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ, thường xuyên, kịp thời phản ánh đầy đủ thực tế tình hình nhân dân; thực hiện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Thực hiện các chương trình giám sát, trong đó tập trung giám sát việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế-xã hội và những vấn đề nhân dân, doanh nghiệp quan tâm nhiều.
Tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu quả làm việc, công tác. Phát huy hiệu quả hệ thống giao ban trực tuyến của MTTQ và trung tâm công nghệ thông tin ở Trung ương và các địa phương để nắm tình hình nhân dân. “Ngay việc tập huấn công tác bầu cử với hàng nghìn đại biểu, nếu không có mạng truyền hình trực tuyến mà tổ chức hội nghị tại 3 miền thì rất tốn kém”, Chủ tịch MTTQ Trần Thanh Mẫn nói.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, “5 năm qua, hai bên chúng ta đồng tâm hiệp lực, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, góp phần rất quan trọng đưa đất nước ta vượt qua khó khăn, thử thách chưa từng có và đạt kết quả rất đáng khích lệ, đáng tự hào”.
Thủ tướng nêu một số thành tựu quan trọng của nền kinh tế, như quy mô nền kinh tế đã đứng thứ 44 thế giới, trong bối cảnh dịch bệnh nhưng Việt Nam là một trong 10 nước tăng trưởng cao nhất trong năm 2020. Lạm phát được kiểm soát. Nợ công trong tầm kiểm soát. Dự trữ ngoại hối kỷ lục. Các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững. Với việc ký nhiều hiệp định thương mại tự do, năm 2020, kim ngạch thương mại đạt hơn 540 tỷ USD, xuất siêu 20 tỷ USD. Thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng 29% với giá trị đạt 319 tỷ USD. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng được hết sức quan tâm.
Thủ tướng nêu rõ, năm 2020, Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam đã phối hợp vận động nhân dân, các cấp, ngành trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19. MTTQ đã hai lần tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến, kêu gọi phòng, chống dịch trong nhân dân. Thủ tướng Chính phủ cùng Chủ tịch MTTQ Việt Nam đã phát động, kêu gọi sự hỗ trợ của mọi tầng lớp nhân dân trước đại dịch COVID-19 và đã huy động được 2.000 tỷ đồng trong thời gian ngắn.
Cùng với việc phối hợp hiệu quả trong nhiều chương trình khác, Thủ tướng cho rằng, đây là kinh nghiệm quý cần phát huy trong phối hợp giữa hai cơ quan. Chính phủ, các thành viên Chính phủ luôn lắng nghe ý kiến của MTTQ Việt Nam. Nhất là Chính phủ, chính quyền và MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp chặt chẽ trong thực hiện dân chủ cơ sở, giải quyết khiếu nại tố cáo, đối thoại để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, kịp thời giải quyết các vướng mắc. “Trong các phiên họp Chính phủ thường kỳ, đều mời đại diện của MTTQ phát biểu để Chính phủ lắng nghe ý kiến về các chính sách pháp luật”.
Tự hào về kết quả đạt được thời gian vừa qua, nhưng Thủ tướng cho rằng, năm 2021 là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII thì nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề. Do đó, hai cơ quan cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong nhiều nhiệm vụ.
Trước hết, tiếp tục phòng chống dịch bệnh, không được phép lơ là, chủ quan dù đã có vaccine. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “vaccine + 5K”. Tiếp tục phối hợp củng cố, mở rộng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đồng thuận xã hội; phát động, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Nếu không tăng cường khối đại đoàn kết, không đồng thuận xã hội thì khó có thể thành công.
Thực hiện tốt các hoạt động đối ngoại, vận động, tăng cường đoàn kết đồng bào các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài; phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; tiếp tục rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để phát huy vai trò các tôn giáo trong xã hội hóa y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội, dạy nghề, bảo vệ môi trường...
Phối hợp phát huy dân chủ, đặc biệt là dân chủ ở các cấp cơ sở; nắm bắt dư luận, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, “đây là vấn đề rất quan trọng, không được chủ quan”.
Nhiệm vụ quan trọng nữa là hai cơ quan cần phối hợp để sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 88 về phối hợp thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và nâng cao chất lượng các phong trào này.
Phối hợp chặt chẽ, phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam trong việc xây dựng, hoạch định chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Các chính sách, thể chế pháp luật không thể tách rời quyền lợi của nhân dân, không lắng nghe ý kiến của nhân dân, Thủ tướng nói.