Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Kết luận số 61-KL/TW ngày 3/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 673/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong 10 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, quyết liệt, sát sao, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo Trung ương, trực tiếp là Trưởng ban Dân vận Trung ương, sự tham mưu kịp thời của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, sự phối hợp của các bộ, ngành Trung ương, các cấp chính quyền với Hội Nông dân Việt Nam các cấp, nội dung cơ bản của Kết luận số 61-KL/TW và Quyết định số 673/QĐ-TTg đã nhanh chóng đi vào cuộc sống và đạt được những kết quả tích cực, góp phần mang đến thành công vượt bậc của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh một số thành tích nổi bật: Trước hết, thông qua hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương, cấp ủy, chính quyền các cấp đã nhận thức, quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW và tầm quan trọng của việc phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới cũng như công tác tập hợp, đoàn kết nông dân, nâng cao chất lượng lao động nông nghiệp địa phương.
Việc triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 673/QĐ-TTg cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và các cấp chính quyền, đoàn thể ở địa phương đã tích cực phối hợp với Hội Nông dân cùng cấp trong việc triển khai các nhiệm vụ chính trị liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Kết luận số 61-KL/TW và Quyết định số 673/QĐ-TTg đã tạo luồng sinh khí mới cho hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân, khẳng định được vai trò, vị thể của tổ chức Hội trong hệ thống chính trị. Ngoài việc làm tốt vai trò cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo và tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền triển khai thực hiện Kết luận số 61-KL/TW và Quyết định số 673/QĐ-TTg, các cấp Hội đã có nhiều cố gắng đổi mới nội dung công tác Hội và phong trào nông dân, xây dựng, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, xứng đáng là trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân, là cầu nối quan trọng giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân;đầu tư hệ thống Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân cấp tỉnh và cấp vốn bổ sung cho Quỹ hỗ trợ nông dân. Đến nay đã có 56/63 UBND tỉnh, thành phố bố trí mặt bằng để xây dựng trung tâm. Chính phủ đã cấp vốn để xây dựng và nâng cấp 35 trung tâm; cấp bổ sung cho Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương 660 tỷ đồng. 63 tỉnh, thành phố đã cấp bổ sung cho Quỹ Hỗ trợ Nông dân Trung ương các cấp ở địa phương gần 2 nghìn tỷ đồng, nâng tổng nguồn bốn Quỹ toàn hệ thống Hội đến nay đạt trên 3,6 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện Kết luận số 61-KL/TW và Quyết định số 673/QĐ-TTg tại địa phương vẫn còn một số điểm tồn tại, hạn chế như việc triển khai của cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành chưa thống nhất, chưa đồng bộ. Một số ngành, cấp uỷ, chính quyền các cấp chưa thực sự quan tam tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp tham gia thực hiện các chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội ở nông thôn.
Một số cấp uỷ không thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Kết luận số 61-KL/TW; việc triển khai Quyết định số 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ở nhiều nơi còn bất cập, nhất là trong việc bổ sung Quỹ hỗ trợ nông dân, chưa tạo điều kiện để các cấp Hội Nông dân hoạt động hiệu quả. Nhiều nơi chưa quan tâm đến công tác bố trí cơ cấu Chủ tịch Hội Nông dân cấp tỉnh, huyện, xã tham gia cấp uỷ.
Hội Nông dân ở một số địa phương chưa thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu cho cấp uỷ, chưa chủ động, tích cực phối hợp với chính quyền và các ngành cùng cấp trong triển khai thực hiện. Đội ngũ cán bộ ở một số cấp còn thiếu và yếu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Việc nhân rộng các mô hình kinh tế và hướng dẫn xây dựng các mô hình kinh tế tập thẻ kết quả chưa cao; hoạt động của một số Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân còn hạn chế, bất cập.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hội Nông dân Việt Nam cần tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò trung tâm và nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với các bộ, ban, ngành, cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp, tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả hơn nữa Kết luận số 61-KL/TW và Quyết định số 673/QĐ-TTg gắn với việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Các cấp Hội Nông dân Việt Nam cần xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, có tư duy sáng tạo, nhiệt tình, tâm huyết với công tác Hội và phong trào nông dân; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có kỹ năng vận động nông dân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để phát huy mạnh mẽ vai trò, vị thế của giai cấp nông dân trong giai đoạn mới.
Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục sử dụng có hiệu quả các nguồn lực mà Đảng và Nhà nước đã giao, nhất là việc khai thác Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh; đồng thời cần huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực của giai cấp nông dân và các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài để giúp cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta có bước phát triển nhanh và bền vững hơn nữa. Phấn đấu thực hiện mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.
Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục phát động và nâng cao hiệu quả phong trào thi đua “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bên vững”; tăng cường đào tạo nghề, nâng cao trình độ cho nông dân Việt Nam để tiếp tục thực hiện chủ trương “Trí thức hóa nông dân”. Xây dựng một giai cấp nông dân Việt Nam tự cường, sáng tạo trong giai đoạn mới, một lớp nông dân mới trung thành với Tổ quốc, có kiến thức về khoa học công nghệ, nắm chắc kinh tế số, đổi mới tư duy, cách làm vươn lên mạnh mẽ, có khát vọng để xây dựng đất nước phồn vinh, thịnh vượng, để người nông dân Việt Nam trong thời đại mới, không chỉ là lực lượng mạnh về kinh tế mà còn là lực lượng mạnh về chính trị, văn hóa, xã hội, thực sự là trụ đỡ của xã hội, chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Các cấp Hội cần chú trọng, làm tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội để kịp thời kiến nghị, đề xuất, bổ sung, sửa đổi những điểm chưa hợp lý, chồng chéo về cơ chế, chính sách nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên, nông dân.
TTXVN