Tham dự Hội nghị còn có Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn Phạm Duy Hưng, đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Kạn, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Kạn, Báo Bắc Kạn, Báo Yên Bái, các cán bộ làm công tác phối hợp biên dịch ngữ Mông, ngữ Tày, bạn đọc là đồng bào dân tộc và Trưởng các cơ quan thường trú TTXVN tại 16 tỉnh khu vực phía Bắc.
Bà Vũ Việt Trang, Phó Tổng Giám đốc TTXVN phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Hoàng Hà |
Theo báo cáo tại Hội nghị, Việt Nam có 53 dân tộc thiểu số với 13,38 triệu người (số liệu năm 2015), chiếm 14,6% dân số của cả nước. Trong đó, dân tộc Mông có trên 1,2 triệu người, cư trú tập trung ở các tỉnh miền núi phía Bắc: Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Cao Bằng…; Miền Tây Thanh Hóa, Nghệ An và một số tỉnh Tây Nguyên. Dân tộc Tày có gần 1,8 triệu người, cư trú tập trung ở vùng thung lũng các tỉnh Ðông Bắc, từ Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang đến Lào Cai, Yên Bái và một số tỉnh Tây Nguyên.
Ông Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn, phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Hoàng Hà |
Để góp phần đưa thông tin của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào các dân tộc Mông, Tày, từ tháng 4/2013 tới nay, TTXVN đã xuất bản 2 ấn phẩm Báo ảnh Dân tộc và Miền núi song ngữ bằng tiếng Việt và chữ viết của đồng bào dân tộc Mông, dân tộc Tày với số lượng 25.000 cuốn/kỳ, phát hành tại 16 tỉnh khu vực phía Bắc từ Nghệ An trở ra. Hai ấn phẩm song ngữ Việt-Mông, Việt-Tày đã được đông đảo cán bộ, đồng bào dân tộc tiếp nhận, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng tại các địa bàn. Nội dung thông tin của hai ấn phẩm này ngày càng gần gũi hơn, bám sát hơn, gắn liền với đời sống của đồng bào Mông, Tày. Hằng tháng, hai ấn phẩm đều có bài viết, hình ảnh riêng phản ánh đời sống kinh tế - xã hội, những tấm gương người tốt - việc tốt, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa dân tộc Mông, Tày…
Bà Trần Thị Khánh Vân, Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo ảnh Dân tộc và Miền núi, báo cáo công tác thông tin, xuất bản, phát hành báo. Ảnh: Hoàng Hà |
Với chủ đề “Nâng cao hiệu quả thông tin, biên dịch Báo ảnh Dân tộc và Miền núi song ngữ Việt-Mông và Việt-Tày”, Hội nghị là cơ hội để đánh giá lại công tác thông tin, tuyên truyền về đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào dân tộc Mông, dân tộc Tày nói riêng ở khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc. Những ý kiến đóng góp tại Hội nghị là cơ sở để Báo ảnh Dân tộc và Miền núi nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả thông tin, biên dịch, từ đó đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu thông tin của đồng bào các dân tộc, trong đó có đồng bào Mông, Tày.
Ông Bế Ngọc Thuấn, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn, phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Hoàng Hà |
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn Phạm Duy Hưng cho rằng, hai ấn phẩm song ngữ Báo ảnh Dân tộc và Miền núi Việt-Mông và Việt-Tày của TTXVN rất hữu ích với cán bộ và đồng bào dân tộc, đặc biệt là đồng bào dân tộc Mông, dân tộc Tày sinh sống trên địa bàn tỉnh, do có hình thức trình bày đẹp, nội dung ngắn gọn, súc tích, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo; Góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; Nâng cao dân trí, đẩy lùi các hủ tục lạc hậu; Giữ gìn chữ viết, bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc Mông, Tày trên địa bàn. Với lợi thế của một ấn phẩm báo chí song ngữ, Báo ảnh Dân tộc và Miền núi luôn được đồng bào các dân tộc ở tỉnh Bắc Kạn đón nhận nồng nhiệt. Bởi lẽ, các ấn phẩm song ngữ Việt-Tày, Việt-Mông này vừa giúp đồng bào hiểu được nội dung thông tin, nắm bắt vấn đề bằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ của mình vừa giúp đồng bào có điều kiện trau dồi, học thêm tiếng Việt.
Các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: Hoàng Hà |
Phó Tổng Giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang nhấn mạnh: Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, mạng xã hội cùng những thông tin không được kiểm chứng đang lan tràn, đồng bào dân tộc hiện rất cần có thông tin và đặc biệt là thông tin có định hướng. TTXVN đã chỉ đạo tòa soạn Báo ảnh Dân tộc và Miền núi xây dựng nội dung ấn phẩm sát với cuộc sống và khả năng tiếp nhận thông tin của đồng bào. Để phản ánh được nhiều vùng miền, địa bàn khác nhau, Báo ảnh Dân tộc và Miền núi cố gắng đảm bảo nguyên tắc báo phát hành ở vùng nào thì ít nhất có từ 30 - 35% số trang thông tin về vùng đó.
Ông Liêu Văn Bảy, Phó Tổng Biên tập báo Bắc Kạn, phát biểu tại Hội nghị.
Ảnh: Hoàng Hà
|
Ngoài việc thể hiện các bài viết ngắn gọn, ngôn ngữ giản dị, TTXVN cũng chỉ đạo tòa soạn Báo ảnh Dân tộc và Miền núi sử dụng nhiều ảnh có nội dung và bố cục gần gũi với đồng bào, hình thức trình bày rõ ràng về ý tưởng, công tác biên dịch - chuyển ngữ phải đảm bảo dễ hiểu. Để Báo ảnh Dân tộc và Miền núi có những hình ảnh sắc nét, màu sắc rõ ràng, TTXVN đặc biệt quan tâm tới chất lượng in ấn, mong muốn báo đến tay bạn đọc không chỉ kịp thời mà còn phải là một ấn phẩm đẹp, thể hiện sự trân trọng đối với đồng bào.
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi song ngữ Việt-Mông, Việt-Tày giờ đã trở thành những ấn phẩm không thể thiếu trong thư viện các trường phổ thông dân tộc nội trú khu vực miền núi phía Bắc. Ảnh: Hoàng Hà |
Việc xuất bản Báo ảnh Dân tộc và Miền núi đã và đang đóng góp hữu hiệu vào việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết của cộng đồng các dân tộc thiểu số theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước. Thực tế cho thấy, Báo ảnh Dân tộc và Miền núi giờ đã trở thành một trong các tài liệu được sử dụng trong việc dạy và học chữ dân tộc. TTXVN tin tưởng rằng, việc làm này góp phần đắc lực vào cuộc đấu tranh chống lại sự chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch, phản động, tạo sự đồng thuận xã hội, xây dựng đất nước ngày càng phát triển trong môi trường hòa bình và ổn định.
Ông Sùng A Hồng, chuyên gia biên dịch ngữ Mông, phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Hoàng Hà |
Để tăng cường tính lan tỏa của thông tin và tận dụng sự phát triển của nền tảng Internet, Báo ảnh Dân tộc và Miền núi không chỉ được in ấn và phát hành bằng bản giấy mà bản điện tử cũng đã được phát hành trên trang thông tin tổng hợp đa ngữ của tòa soạn ở địa chỉ dantocmiennui.vn cũng như trang xembao.vn của TTXVN. Số lượng công chúng tiếp cận bản điện tử cũng đang có sự cải thiện trong thời gian qua.
Ông Đặng Thái Thuần, Trưởng Cơ quan thường trú TTXVN tại Lạng Sơn, phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Hoàng Hà |
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi được xuất bản theo Giấy phép xuất bản số: 2529/GP-BTTTT, Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 26/12/2012, ISSN 1859-0929. Mang bản sắc riêng do TTXVN xuất bản, Báo ảnh Dân tộc và Miền núi được phát hành tại 45 tỉnh, thành phố và vùng đồng bào dân tộc với số lượng 68.000 cuốn/kỳ/tháng. Với 11 ấn phẩm gồm: Việt-Khmer, Việt-Bahnar, Việt-Jrai, Việt-Êđê, Việt-Chăm, Việt - K’ho, Việt-M’nông, Việt-Mông, Việt-Tày, Việt-Xê đăng và Việt-Cơ tu, Báo ảnh Dân tộc và Miền núi hiện là ấn phẩm báo chí song ngữ duy nhất ở Việt Nam xuất bản bằng tiếng Việt và chữ viết của đồng bào các dân tộc thiểu số được Nhà nước công nhận.
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi song ngữ Việt-Mông, Việt-Tày là “người bạn”, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú khu vực miền núi phía Bắc. Ảnh: Hoàng Hà |
Báo gồm các chuyên mục chính: Sự kiện và vấn đề, Phóng sự chuyên đề, Kinh tế - Xã hội, Xóa đói giảm nghèo, Văn hóa, Đất nước qua ảnh, Y tế - Giáo dục, Mỗi xã một sản phẩm, Kinh nghiệm nhà nông, Chính sách và cuộc sống, Biên giới - Biển đảo, Du lịch... được thực hiện bởi các phóng viên, biên tập viên của Tòa soạn, các cơ quan thường trú TTXVN tại các tỉnh, các cộng tác viên…
Ông Nguyễn Việt Hoàng, Trưởng Cơ quan thường trú TTXVN tại Lai Châu, phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Hoàng Hà |
Tới đây, tháng 10/2019, sau thời gian xuất bản thử nghiệm, TTXVN sẽ tiếp tục xuất bản song ngữ Việt-Hoa, nâng tổng số song ngữ Báo ảnh Dân tộc và Miền núi do TTXVN xuất bản lên 12 song ngữ với số lượng xuất bản 69.000 cuốn/kỳ. Ban Dân tộc các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn - nơi có đồng bào Hoa sinh sống đã phối hợp chặt chẽ với TTXVN hoàn thiện việc rà soát và lập danh sách cấp báo cho các đối tượng.
Ông Mạc Nguyên Thu (dân tộc Tày), đại diện cho đối tượng đang được thụ hưởng báo là người có uy tín, ở thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn, phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Hoàng Hà |
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang đề nghị các đơn vị đối tác của TTXVN, các đơn vị thụ hưởng Báo ảnh Dân tộc và Miền núi tiếp tục hợp tác chặt chẽ, ủng hộ tòa soạn trong việc thực hiện các nội dung thông tin cũng như công tác phát hành để ấn phẩm Báo ảnh Dân tộc và Miền núi ngày càng gần gũi và lan tỏa trong cộng đồng các dân tộc thiểu số.
Ông Trần Cao Hoài, Giám đốc Bưu điện tỉnh Bắc Kạn, phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Hoàng Hà |
Bà Lê Minh Thư, cán bộ Công ty Phát hành Báo chí Trung ương, phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Hoàng Hà |
Tưởng Chí Cường