Thổ cẩm thành tiền

Thổ cẩm thành tiền

Kiếm tiền triệu mỗi tháng

Tại phòng trưng bày của Trung tâm Thiết kế Hà Nội, 91 Âu Cơ, quận Tây Hồ sặc sỡ sắc màu thêu hoa văn trên vải lanh. Khách Tây có, ta có nườm nượp ra vào. Ai cũng thích thú dõi theo những đôi bàn tay xanh xanh múc từng gáo chàm nhuộm những tấm lanh một cách kỳ công; hay ngạc nhiên trước những họa tiết được tạo ra bằng sáp ong, chắp vải và thêu do những người phụ nữ Mông ở xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình trình diễn.

16e6f_h_1.jpg

Ảnh: thesaigontimes.vn

Ở một góc trưng bày trên tầng 2, khách hàng xúm đông, xúm đỏ quanh người phụ nữ Mông váy xanh đang tíu tít giới thiệu những chiếc túi nhỏ nhỏ xinh xinh vẽ sáp ong cách điệu, những chiếc vỏ gối cải tiến từ chính chiếc địu quen thuộc của chị em… Người phụ nữ đó là Sùng Y Khia, thành viên tổ hợp tác nghề dệt thổ cẩm, xã Pà Cò, huyện Mai Châu.

Chị Khia kể, từ khi triển khai dự án của Thụy Sĩ, chị được tham gia tập huấn trồng lanh, nhuộm vải, biết làm cho đường thêu, mũi chỉ của mình đẹp hơn, biến chúng thành những sản phẩm hàng hóa được thị trường ưa chuộng. Đến cây lanh quen thuộc ngàn đời với người Mông, bây giờ có dự án, chị mới biết trồng sao cho lợi nhuận nhất:

“Ngày xưa nó không có phân lân, phân lợn bón thì cây lanh nó không tốt, cắt không được nhiều. Bây giờ có phân lân, có phân lợn thì cây lanh nó tốt. Mình không biết bón, dự án dạy cho mình bón, lanh cắt được nhiều. Dự án dạy cho mình làm khâu đều, khâu tốt mới bán được nhanh, người ta mới thích. Tạo ra nhiều hoa văn khác nhau, hoa văn đẹp, khách người ta mới thích”. – Chị nói.

Không đơn thuần tạo ra những sản phẩm sử dụng trong gia đình, tham gia dự án, người Mông Pà Cò biết tận dụng những kỹ thuật may thêu thường ngày của các bà, các mẹ để làm ra các sản phẩm cải tiến như tranh treo tường, vỏ gối, ga trải giường, đệm ghế salon, túi, ví, quả bóng pao… thậm chí, làm theo đơn đặt hàng của khách.

“Ngày xưa mình chỉ biết làm cái váy này mặc thôi, không biết làm hoa văn gì bán, chả ra tiền đâu. Bây giờ có dự án mới biết làm hoa văn. Hàng thổ cẩm, in sáp ong, nhuộm chàm tốt, bán chạy. Làm cái ví, làm cái túi, làm cái tranh, cái vỏ gối các kiểu. Ôi giời, cô cứ làm hết. Lúc nào cửa hàng nó làm kiểu gì thì mình cứ làm kiểu đấy. Người ta cho làm gì thì mình cũng làm kiểu đấy. Tận dưới Hà Nội người ta đặt. Giờ mình có tuổi rồi, lại không biết chữ, tìm không được tiền cho các cháu, các con đi học. Tôi tham gia cái dự án này ra tiền, cho các cháu, các con đi học”.

Tìm được đầu ra cho sản phẩm, thu nhập 2 triệu đồng/tháng, nuôi được con ăn học, cải thiện được đời sống gia đình, lại nâng cao được tay nghề, thế là chị vui.

Vừa có thu nhập lại vừa giữ gìn được văn hóa dân tộc mình, là điều chị Mùa Y Gánh, tổ trưởng tổ hợp tác nghề đệt thổ cẩm xã Pà Cò tâm đắc nhất. Chị kể: được sự hỗ trợ của Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, dự án Cải thiện sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số thông qua phát triển bền vững chuỗi giá trị dâu tằm và dệt vải của cơ quan Hợp tác phát triển Thụy Sỹ, dự án Oxfam đã hỗ trợ thị trường cho các hàng thủ công truyền thống, các sản phẩm của nhóm có nơi tiêu thụ ổn định, thậm chí xuất sang các thị trường Mỹ, Châu Âu. Năm 2013, các sản phẩm của nhóm đã có gian hàng trưng bày riêng tại địa phương để phục vụ khách du lịch.

co17-344580-1372523164_500x0.jpg

Thổ cẩm Pà Cò. Ảnh: ione.vnexpress.net

Hiện nay, 250 thành viên của tổ hợp tác nghề dệt thổ cẩm do chị phụ trách vẫn duy trì và có việc làm ổn định với thu nhập từ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng. “Tham gia dự án mình thấy rất lợi. Thứ nhất, bảo tồn được nét văn hóa của dân tộc. Thứ hai, tất cả mọi người trong nhóm luôn luôn được đi tham quan như ở Hà Nội này, du lịch ở trong nước, ngoài nước cũng được đi. Tôi đã đi Thái Lan với Ấn Độ. Nguyên liệu của mình không giống như bên Ấn Độ. Bên đấy toàn mặc đồ mỏng, mát. Dân tộc Mông chúng tôi thường mặc những bộ đồ dày mà bền. Bên đấy không được ưa thích lắm. Đợt tôi đi sang bên đấy cũng bán được rất khá”.

Đào tạo là tiền đề của tạo sinh kế

Theo chị Mùa Y Gánh, Tổ trưởng tổ hợp tác nghề dệt thổ cẩm xã Pà Cò, sự thành công của những người phụ nữ Mông trong việc giữ gìn nghề dệt thổ cẩm và làm cho nó thành hàng hóa, bên cạnh việc được tập huấn, nâng cao tay nghề dệt thổ cẩm, các chị còn được tham gia vào các lớp đào tạo ngắn hạn về kinh doanh, thay đổi tư duy và nhận thức, để có thể tham gia nhiều hơn vào các hoạt động kinh tế của gia đình và cộng đồng.

Hơn 30 thành viên trong tổ dệt do chị Mùa Y Gánh phụ trách được tham gia một khóa đào tạo doanh nhân Empretec ngắn hạn do Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công thương, tổ chức. Bằng việc vạch ra mục tiêu, học thay đổi các hành vi như tìm kiếm cơ hội kinh doanh, lập kế hoạch kinh doanh, xây dựng quy trình trong làm việc… mặc dù chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng lại có ý nghĩa thiết thực với các chị em.

Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, PGĐ Dự án hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam do Thụy Sĩ tài trợ, nhận định: “Về bản chất chị em rất thông minh, nhưng có điều các anh chị làm kinh doanh, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số các chị thường gắn với gia đình, có trách nhiệm cao đối với gia đình, thành ra những việc cam kết hoạt động kinh doanh nó chỉ có mức độ. Để thay đổi hành vi, thái độ thì cơ bản phải thay đổi hành vi, thái độ của cả người chồng nữa. Người chồng cũng phải hỗ trợ chị em thì chị em mới có thể làm tốt hơn được".

Chị Mùa Y Gánh lần đầu biết cách quản lý, kinh doanh và hợp tác với các doanh nghiệp để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cũng là nhờ được tham gia các lớp đào tạo: “Tham gia lớp của chị Thúy xong tôi tiếp thu được các công việc quản lý về kinh doanh, kế toán, thu chi, làm thế nào để hợp tác với các bạn hàng lớn, công việc rất thuận lợi. Trước chữ không biết, nghề không biết, cái gì cũng rất khó khăn”.

Rõ ràng nếu như được trang bị kiến thức, nỗ lực vươn lên thì những người phụ nữ dân tộc thiểu số sẽ tham gia nhiều hơn vào các hoạt động kinh tế, tạo sinh kế bền vững ngay tại địa phương mình, góp phần giảm nghèo bền vững.

Theo VOV4

Có thể bạn quan tâm