Thiết lập hệ thống nguồn giống cây lâm nghiệp chất lượng

Từ nay đến năm 2030, Nghệ An phấn đấu thiết lập được hệ thống nguồn giống cây lâm nghiệp đảm bảo chất lượng di truyền, dần chủ động được nguồn vật liệu giống phục vụ trồng rừng. Tỉnh cũng phấn đấu bảo tồn nguồn gen các giống cây lâm nghiệp bản địa quý, hiếm để cung cấp vật liệu ban đầu cho nhân giống, tạo giống phục vụ sản xuất hàng hóa đối với các nguồn gen đã được công nhận.

vna_potal_nghe_an__phat_trien_hieu_qua_cay_duoc_lieu_7066347.jpg
Tại một số địa phương ở Nghệ An, cây dược liệu giúp người nông dân thu nhập 120 triệu đồng/ha/năm. Ảnh: Nguyễn Văn Nhật - TTXVN

Từ nay đến năm 2030, Nghệ An phấn đấu thiết lập được hệ thống nguồn giống cây lâm nghiệp đảm bảo chất lượng di truyền, dần chủ động được nguồn vật liệu giống phục vụ trồng rừng. Tỉnh cũng phấn đấu bảo tồn nguồn gen các giống cây lâm nghiệp bản địa quý, hiếm để cung cấp vật liệu ban đầu cho nhân giống, tạo giống phục vụ sản xuất hàng hóa đối với các nguồn gen đã được công nhận.

Bên cạnh đó, Nghệ An cũng tăng cường quản lý Nhà nước, thực hiện kiểm tra, kiểm soát chất lượng giống và hoạt động sản xuất, cung ứng, sử dụng giống cây lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh theo quy định; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giống cây lâm nghiệp, gắn với hoạt động nghiên cứu chọn, tạo và phát triển các giống năng suất, chất lượng cao.

Tỉnh cũng khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh tham gia sản xuất giống để đáp ứng đủ giống chất lượng cao phục vụ trồng rừng tập trung gắn với chuỗi sản xuất, chế biến và thương mại lâm sản. Tỉnh cũng hỗ trợ các cơ sở sản xuất giống hoàn thiện cơ sở vật chất trong sản xuất giống và đưa vào vận hành trung tâm sản xuất giống ứng dụng công nghệ cao thuộc Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng, Bắc Trung, Bộ và hệ thống, các vườn ươm vệ tinh.

Qua đó đến năm 2030, Nghệ An cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu về giống trồng rừng trên địa bàn tỉnh với khoảng 41.500.000 cây giống các loại/năm (gồm cả cây phân tán) và khoảng 1.500.000 - 2.000.000 cây giống lâm sản ngoài gỗ để kết hợp trồng dưới tán rừng.

Để đạt được các mục tiêu trên, tỉnh Nghệ An sẽ xác định danh mục các loài cây ưu tiên tại địa phương như nhóm loài cây lấy gỗ phục vụ trồng rừng kinh tế; nhóm loài cây trồng làm giàu rừng, trồng bổ sung trong khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng; nhóm loài cây lâm sản ngoài gỗ, nhóm loài cây trồng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng ngập nước.

Tỉnh cũng hỗ trợ khoảng 120.000 cây giống trồng vườn cây đầu dòng cho các đơn vị chủ rừng nhà nước để phục vụ nhân giống chất lượng cao. Điều tra, khảo sát, bình tuyển, chọn lọc công nhận khoảng 200-300 cây trội đặc hữu của tỉnh như Quế quỳ, Lim xanh, Samu, Pơ mu, Thông nhựa...

Tỉnh cũng hỗ trợ khoảng 12 triệu cây giống mầm mô chất lượng cao được chuyển giao kỹ thuật để chăm sóc, huấn luyện phục vụ trồng rừng chất lượng cao cho các Ban quản lý rừng phòng hộ, Ban quản lý rừng đặc dụng, Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp...

Ông Nguyễn Danh Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An cho biết, thời gian tới, ngành nông nghiệp Nghệ An sẽ thực hiện một số đề tài nghiên cứu về chọn tạo, khảo nghiệm và phát triển một số loài cây bản địa, cây nhập nội chủ lực làm gỗ lớn, cây lâm sản ngoài gỗ có năng suất, chất lượng, lợi thế cạnh tranh cao. Ngành cũng xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về giống, chọn tạo, bảo tồn nguồn gen quý hiếm nhằm nâng cao chất lượng nguồn giống nhằm phục vụ cho việc trồng rừng.

Được biết, Nghệ An có trên 1,1 triệu ha rừng và đất lâm nghiệp và ghi nhận khoảng 3.961 loài; trong đó, có nhiều loại cây dược liệu quý như: Sâm Puxailaileng, Mú từn, Trà hoa vàng và các loại cây nguyên liệu làm hàng thủ công, mỹ nghệ, như song, mây.... Sản lượng gỗ khai thác bình quân hàng năm đạt từ 1.200.000 - 1.500.000 m3 gỗ rừng trồng và hàng ngàn tấn dược liệu, lâm sản ngoài gỗ.

Tuy nhiên chất lượng, năng suất rừng trồng chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế về đất đai, tài nguyên của tỉnh. Nguyên nhân của thực trạng này là việc quản lý và sử dụng nguồn giống cây lâm nghiệp phục vụ trồng và phát triển rừng còn hạn chế; sử dụng giống không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nên dẫn đến tình trạng năng suất rừng trồng không đồng đều, sản lượng thấp và ảnh hưởng lớn đến hiệu quả đầu tư./.

Trịnh Duy Hưng

Có thể bạn quan tâm