Thị trấn Hampi - miền siêu thực

Thị trấn Hampi - miền siêu thực
Hampi từng là trung tâm tôn giáo quan trọng với hàng loạt các đền, đài cố, là một phức hợp tuyệt vời của những ngôi đền xa hoa kết hợp với các công trình được xây dựng bên sông đầy ấn tượng. Được xem là một minh chứng mạnh mẽ cho nền văn minh lâu đời nhất trên thế giới, Hampi vẫn giữ được nét mộc mạc, hoang sơ cùng những di tích đổ nát, nhưng những gì còn sót lại cũng đủ để người ta hình dung về một thời kỳ phồn thịnh xưa kia.
 

Đế quốc Vijayanagara được thiết lập từ những năm 1336, dưới triều đại Vua Harihara I và em trai của ông là Bukka Raya I. Đế chế này tồn tại trong hơn 300 năm từ năm 1336 đến năm 1646. Thời kỳ huy hoàng, Quần thể di tích này được cai quản bởi tầng lớp quý tộc. Sau đó, khi có giao tranh giữa người Ấn Độ và người Hồi giáo, nơi đây được coi là thành trì vững chắc của người Ấn Độ. Đế quốc Vijayanagara trước kia giàu có nhờ buôn bán gia vị và sản xuất hàng dệt vải bông. Hampi của ngày đó là thành phố giao thương sầm uất nhất tại Ấn Độ. Trong thời kỳ đầu tiên của đế quốc Vijayanagara, dưới triều đại Vua Sangama, đế chế này đã bắt đầu việc học chữ Phạn. Năm 1485, triều đại Sulava lên thay thế, sau đó triều đại này lại bị lật đổ và thay thế bởi triều đại Tulava vào năm 1505. Đến năm 1565, đế quốc Vijayanagara bị lật đổ toàn toàn bởi các vương quốc Hồi giáo. Là thủ đô cuối cùng của các vương triều Hindu, không chỉ là nổi tiếng tại Ấn Độ, Hampi còn được các nhà sử học đánh giá là một trong những thành phố đẹp nhất thế giới thời Trung cổ. Nằm rải rác xung quanh những ngọn đồi, thung lũng trước kia vốn thuộc về đế chế Vijayanagara là hơn 500 công trình lớn nhỏ bao gồm đền đài, cung điện, khu chợ xưa, pháo đài, nhà kho.... Từ những chi tiết nhỏ nhất đến những công trình vĩ đại tại thị trấn nhỏ bé này đều được làm bằng đá. Theo thời gian và do chiến tranh, những công trình còn tương đối nguyên vẹn rất ít, đa phần là bị hư hỏng một phần hoặc toàn bộ.

Địa điểm đầu tiên nên dừng chân ở Hampi là đền Hanuman nằm trên ngọn đồi cùng tên. Sau gần 1.000 bậc thang quanh co từ chân cổng, du khách sẽ lên đến đỉnh đồi, thu trọn Hampi vào trong tầm mắt. Ở vị trí này, du khách được đắm mình trong không gian tĩnh lặng, phiêu theo tiếng nhạc của một nghi thức tâm linh nào đó đang được thực hiện bên trong ngôi đền phía kia của quả đồi. Phía dưới là một không gian tĩnh lặng trải dài trên những cánh đồng rộng mênh mông, ngôi làng bình lặng và dòng sông lững lờ trôi ngang sườn đồi, tầm mắt của du khách dõi theo một vùng thung lũng kì bí ẩn mình dưới chân những dãy núi đá. 

Khi đến các đền Durga và Ranganatha, du khách sẽ có cảm giác vừa thất vọng lại vừa thích thú, bởi nếu nhìn bề ngoài của những ngôi đền này thì chỉ có thể thấy một đống đổ nát. Tuy nhiên, khi men theo các vách đá đi sâu vào trong lòng núi, đằng sau những đống đổ nát, những tảng đá trỏng trơ là những bức họa vô giá, hệ thống địa điểm tu tập của các vị tu hành thời xa xưa. Đặc biệt khi đến đây, du khách sẽ được biết được lý do vì sao họ cầu kỳ khi chọn lựa những vị trí có ánh sáng đi vào, đi ra và điều đó có tác động như thế nào đến trạng thái tỉnh thức thân tâm trong khi thực hành yoga hay thiền định.

Cổng vàoVittala và chiếc xe ngựa đá ở trung tâm ngôi đền với những bích họa, hoa văn trạm trổ tinh vi

Một điểm tham quan mà du khách không nên  bỏ lỡ là quần thể ngôi đền Vittala. Chạy dọc từ cổng ngoài cùng vào đến khu đền là các công trình đền tháp còn dang dở, những giếng nước đồ sộ. Những hàng cột dài hai bên đường dẫn đến khu đền chính sắp đặt có chủ đích. Cả quần thể ngôi đền và khuôn viên xung quanh được xây dựng dưới triều đại Krishnadevaraya (1509-1529) nhưng nó đã không được hoàn thành. Tuy vậy công việc điêu khắc để tạo lên khu quần thể này vẫn là một đỉnh cao của nghệ thuật khắc đá Vijayanagar. Các chạm trổ trang trí tinh vi được thực hiện từng bậc thang, cột chống cho đến chiếc xe ngựa đá quan trọng ở chính sân giữa ngôi đền.

Khác với đền Vittala gây ấn tượng bởi 2 tượng voi lớn phía ngoài cửa và hàng cột đá đồ sộ, đền Virupaksha lại nổi tiếng với những họa tiết được trang trí xung quanh đền, đặc biệt là những bích họa trên hình phồn thực ở cổng chính gopuram. Với chiều cao lên tới 50m và 11 tầng tháp cùng những hình bích họa mô phỏng thuyền thuyết về thần Shiva và một không gian thờ cúng. Những vị tu hành vẫn giữ nguyên các nghi thức cúng lễ truyền thống càng làm cho ngôi đền trở nên siêu thực. Du khách sẽ phải cởi giầy để vào đền và đắm chìm trong không gian linh thiêng từ việc voi ban phúc đến việc đánh dấu trên trán. Du khách cũng có thể dạo quanh ngôi đền, leo lên ngọn đồi liền kề để hóng gió và chờ khi hoàng hôn buông xuống, thả hồn mình theo ráng chiều trước cánh đồng trải rộng. Nhìn ngắm những chứng tích đền đài đổi màu theo ánh mặt trời và biến mất khi mặt trời khuất sau những ngọn đồi phía xa khiến cho người ta tưởng mình đang ở miền siêu thực. Nhiều du khách ngỡ ngàng trước cuộc sống diễn ra nơi bến sông “ghat”. Dường như từ sáng đến tối đều có người đổ ra đây, từ việc tắm giặt đi lại đều diễn ra trên một khoảng sông chưa đầy trăm mét. Những ngôi nhà chờ còn sót lại ở bên sông thực ra là các bến “ghat” xưa kia dùng để tắm giặt, thiêu xác hay những hoạt động thường ngày khác, cùng với dòng sông đã tạo lên lên vẻ huyễn hoặc cho những gì đang diễn ra ngay chính ở thời điểm hiện tại.

Tuy Quần thể kiến trúc tại Hampi đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới từ năm 1986 nhưng Chính phủ Ấn Độ vẫn chưa thể có kế hoạch trùng tu, tôn tạo bởi việc này đòi hỏi phải có nguồn kinh phí rất lớn và sự chung tay của giới chuyên gia. Nhưng bù lại, những tàn tích còn sót lại và cơ sở vật chất phục vụ du lịch còn nghèo nàn lại mang đến cho nơi đây vẻ hoang sơ, mộc mạc, cổ kính, làm cho du khách và các tín đồ hành hương có cảm giác như có thể đi xuyên không gian đến một miền siêu thực. Ngay cả khi đã rời Hampi thì ảo giác về một miền siêu thực, những giấc mơ huyễn hoặc trên những ngọn đồi, những đỉnh tháp, dòng sông vẫn còn vấn vương.

Theo thegioidisan.vn

Có thể bạn quan tâm