Sáng 28/6, thí sinh trên cả nước đã hoàn thành bài thi tổ hợp (Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội) của Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông 2024.
Theo báo cáo nhanh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ thí sinh dự thi các môn thành phần của tổ hợp Khoa học Tự nhiên đều trên 99%. Cụ thể: môn Vật lí có 99,66% thí sinh dự thi (số thí sinh đăng ký dự thi là 346.925); môn Hóa học có 99,60% thí sinh dự thi (số thí sinh đăng ký dự thi là 347.846); môn Sinh học có 99,75% thí sinh dự thi (số thí sinh đăng ký dự thi là 343.325).
Với tổ hợp Khoa học Xã hội, số thí sinh dự thi đạt trên 95%. Cụ thể: môn Lịch sử có 95,32% thí sinh dự thi (số thí sinh đăng ký dự thi là 709.726); môn Địa lí có 95,22% thí sinh dự thi (số thí sinh đăng ký dự thi là 708.143); môn Giáo dục Công dân có 95,06% thí sinh dự thi (số thí sinh đăng ký dự thi là 585.610).
Buổi thi các môn tổ hợp diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Trong sáng 28/6, cả nước có 9 thí sinh bị đình chỉ thi, trong đó, Vật lí có 1 thí sinh; Hóa học có 2 thí sinh; Sinh học có 2 thí sinh; Lịch sử có 2 thí sinh; Địa lí có 1 thí sinh và Giáo dục công dân có 1 thí sinh. So với năm 2023, số thí sinh vi phạm quy chế đã giảm (năm 2023 có 22 thí sinh bị đình chỉ thi trong buổi thi các môn tổ hợp).
Với tính chất là kỳ thi cuối cùng theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006, theo nhận định của nhiều giáo viên, cấu trúc và mức độ đề thi các môn thành phần của bài thi tổ hợp năm nay không quá tạo áp lực cho thí sinh.
Thầy Phạm Thanh Tùng, giáo viên môn Hóa học của Tuyensinh247.com nhận xét: Đề thi chủ yếu nằm ở chương trình Hóa học 12, một số câu hỏi quen thuộc ở chương trình lớp 11 và không xuất hiện những câu hỏi đặc thù của chương trình Hóa học 10. Các chủ đề xuất hiện tượng tự đề tham khảo và các đề năm trước. Đề thi giảm tải hơn các câu hỏi nặng nề về tính toán; tăng các câu hỏi tư duy và câu hỏi thực tiễn. Các câu hỏi thực tiễn hướng tới vấn đề thực tế như khí nhà kính và điều chế thuốc nổ, acid. Đề thi nhẹ nhàng hơn so với năm 2023 và cùng độ rộng kiến thức. Mức độ đề thi có sự phân hóa nhẹ ở 10 câu hỏi cuối. Phổ điểm năm nay có thể cao hơn 0,5 điểm so với năm 2023.
Nhận định về đề thi môn Sinh học, cô Trần Thu Hoài, giáo viên Phenikaa School cho rằng: Đề thi có rất ít câu phải sử dụng mẹo mức, công thức như trước kia. Bản chất Sinh học thể hiện rõ rệt. Năm nay, đề thi đã đưa vào nhiều câu mang xu hướng đánh giá năng lực, đòi hỏi học sinh phải có khả năng phân tích và suy luận nhiều hơn, đặc biệt là ở những câu vận dụng và vận dụng cao. Mức độ phân hóa tốt. Dự đoán phổ điểm rơi chủ yếu mức 5. Số điểm 10 sẽ không nhiều, học sinh khá giỏi có thể dễ đạt 7-8, tuy nhiên mức 9-10 sẽ là thách thức.
Với môn Vật lí, thầy Đặng Quốc Thắng, giáo viên hệ thống giáo dục Alpha nhận định: Nhìn chung, cấu trúc đề thi giữ được tính ổn định, gần như không có sự thay đổi so với đề thi chính thức năm 2023 và tương đối bám sát cấu trúc của đề thi nhưng khó hơn so với đề minh họa mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố. Điều này không gây ra sự xáo trộn trong việc ôn tập của thí sinh, phù hợp với mục đích chính là xét công nhận tốt nghiệp.
Ở tổ hợp Khoa học Xã hội, nhận xét về đề thi môn Địa lí, cô Trần Thị Hà Mi, giáo viên Trường Trung học Phổ thông Ban Mai, Hà Nội chia sẻ: Mức độ đề thi có phần dễ hơn đề thi năm 2023, vì vậy, phổ điểm năm nay có thể cao hơn năm trước. Nhóm câu hỏi thông hiểu cũng không “đánh lừa” học sinh nhiều. Học sinh xác định được từ khóa của câu hỏi hoặc đọc kĩ các đáp án để loại trừ cũng có thể lựa chọn được đáp án chính xác. Vì thế, để đạt được mức độ 6 -7 điểm cũng không quá khó. Nhóm câu hỏi vận dụng và vận dụng cao có tính phân hóa, để chọn được đáp án đúng cần hiểu thật kĩ vấn đề của từng vùng kinh tế. Tuy nhiên, câu hỏi vận dụng liên quan đến bài tập nhận diện biểu đồ có cấu trúc đáp án tương tự đề thi năm 2022 trở về trước, học sinh có thể dễ dàng dựa vào dấu hiệu nhận biết các loại biểu đồ đặc trưng để lựa chọn.
Môn Lịch sử, thầy Hồ Như Hiển (Thanh Hóa) nhận xét: So với đề minh họa năm 2024, đề thi chính thức có sự thay đổi ở cách hỏi, không thay đổi về cấu trúc. Đề thi có độ chính xác, phù hợp và phân hóa tốt học sinh từ những câu 30 trở đi. Một đặc điểm nổi bật của đề thi năm 2024 môn Lịch sử là có những câu hỏi lấy tư liệu ngoài sách giáo khoa, tuy nhiên, những kiến thức đó vẫn trong phạm vi kiến thức đã học nên hoàn toàn phù hợp. Học sinh nếu nắm chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa sẽ làm tốt những câu như vậy. Với đề thi năm nay, học sinh dễ đạt được mức trên 7 điểm, học sinh khá sẽ làm tốt tới câu 35. Để đạt điểm 9,10, ngoài sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức thì học sinh cần có tốc độ giải bài nhanh, chính xác, giữ được tâm lý, sức khỏe ổn định.
Chiều 28/6, thí sinh tiếp tục dự thi môn Ngoại ngữ từ 14h30, thời gian làm bài 60 phút. Đây là môn thi cuối cùng của Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024.
Việt Hà