Nếu có dịp ngồi trò chuyện cùng Hồ Thanh Tùng, nghe Tùng kể chuyện trường lớp, học trò, những khát khao cống hiến của một giáo viên trẻ và hành trình nỗ lực phấn đấu thực hiện ước mơ của cậu trò nghèo miền biển, người nghe sẽ đều xúc động, khâm phục.
Cậu trò nghèo miền biển…
Thầy giáo trẻ Hồ Thanh Tùng (sinh năm 1991) vừa được Tỉnh Đoàn Bạc Liêu tuyên dương là giáo viên trẻ tiêu biểu cũng là gương mặt quen thuộc trong Cuộc thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật của tỉnh. Có thể khẳng định, thầy là giáo viên hướng dẫn có duyên đối với học sinh của trường trong cuộc thi sáng tạo khi 5 năm liền đều đoạt giải cao.
Tùng sinh ra, lớn lên trong gia đình khó khăn tại phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu, cha làm ngư phủ, mẹ vá lưới, cuộc sống đắp đổi qua ngày. Xung quanh Tùng, nhiều đứa trẻ đồng trang lứa cũng mới chỉ biết đọc, biết viết đã phải nghỉ học cùng cha mẹ tham gia vào hành trình mưu sinh đầy vất vả.
Nhưng với cậu bé Tùng thì khác, cậu yêu những con chữ, thích đến trường và luôn ngưỡng mộ thầy cô giáo của mình, luôn mơ ước một ngày không xa, bản thân cậu sẽ đứng trên bục giảng, truyền ngọn lửa đam mê, truyền kiến thức học được đến các em nhỏ. Vì vậy, dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng suốt 12 năm học phổ thông, 4 năm đại học, Tùng chưa một lần có ý định bỏ dở con đường học vấn.
Hồ Thanh Tùng tâm sự, do nhà nghèo, không có tiền mua xe đi học, những năm cấp 1, 2 cậu phải đi bộ tới trường. Đây là chuyện không dễ dàng với một đứa trẻ, nhưng dù ngày nắng hay mưa, Tùng không bao giờ nghỉ học bởi cậu luôn tâm niệm phải cố gắng học để thực hiện ước mơ cho bản thân, cho cha mẹ và cho cả em trai nghỉ học sớm để nhường phần cho anh đi học.
Lên cấp 3, Hồ Thanh Tùng thi đậu vào Trường Trung học Phổ thông Bạc Liêu đồng nghĩa với quãng đường từ nhà tới trường xa hơn. Suốt những năm cấp 3, nhiều ngày đạp xe đến trường người nhễ nhại mồ hôi mà vẫn không kịp giờ, may mắn Tùng được thầy chủ nhiệm cũng như các thầy cô bộ môn thông cảm, bạn bè động viên, giúp đỡ.
Những suất học bổng dành cho học trò nghèo vượt khó học giỏi, những buổi trưa được bạn bè cho tạm trú ở phòng trọ đã phần nào san sẻ bớt những khó khăn để Tùng tiếp bước tới trường. Hình ảnh cậu học trò nhỏ, nghị lực, nhiều thành tích trong học tập tốt đã để lại ấn tượng tốt trong các thầy cô.
Không có điều kiện đi học thêm, Hồ Thanh Tùng tập trung tối đa trên lớp để nắm, vững kiến thức cơ bản, về nhà tự học, làm bài tập nâng cao. Chính sự kiên trì, nỗ lực quyết tâm ấy, cậu trò nghèo miền biển đã trúng tuyển vào ngành Sư phạm Hóa học, Đại học Bạc Liêu với số điểm khá cao trong niềm tự hào của thầy cô, cha mẹ, người thân, hàng xóm. Cũng chính từ đây, nỗi lo kinh tế lại đè nặng trên đôi vai gầy guộc của đấng sinh thành, của chính chàng thanh niên nhỏ nhắn ngày nào với bao niềm ước mơ, hoài bão…
Nhớ lại thời đại học, Hồ Thanh Tùng rất tự hào vì mình đã luôn phấn đấu học tập, nhờ những kiến thức học được ấy, Tùng đi làm gia sư, kiếm tiền trang trải cuộc sống, mua xe máy, máy tính trả góp để phục vụ việc học, bớt được phần nào gánh nặng cho gia đình.
Tâm huyết của thầy giáo trẻ
Ra trường, Hồ Thanh Tùng về công tác tại Trường Trung học Cơ sở Võ Thị Sáu (thành phố Bạc Liêu), ngôi trường với bề dày truyền thống, nhiều giáo viên giỏi có kinh nghiệm. Từ những ngày đầu bỡ ngỡ, với tinh thần ham học hỏi và được sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình từ các đồng nghiệp đi trước, Hồ Thanh Tùng nhanh chóng bắt nhịp, vững vàng hơn trong từng tiết dạy, được học trò yêu mến, phụ huynh tin tưởng, được Ban Giám hiệu trường giao phụ trách Đội tuyển học sinh giỏi Hóa học của trường.
“Nỗ lực đầu tư cho từng tiết dạy, yêu thương, quan tâm đến từng học trò” là quan niệm của thầy giáo Tùng từ khi chính thức đứng trên bục giảng. Với thầy giáo Tùng, dạy học sinh giỏi, khá hay trung bình, yếu, việc đầu tiên phải tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, phải kích thích tinh thần ham học của các em.
Những em ngoan, học tốt thương một, đối với nhưng em chưa ngoan, học còn yếu phải thương gấp đôi, gấp ba, dành thời gian quan tâm hơn gấp nhiều lần. Bởi, sau gần 7 năm đứng lớp, Hồ Thanh Tùng nhận thấy rằng, đa phần những em chưa có ý thức học tập tốt đều có hoàn cảnh sống đặc biệt, rất đáng thương, cần được giáo viên yêu thương, tận tình dạy dỗ.
Hồ Thanh Tùng tâm sự, dạy học trò trước tiên phải dạy ý thức, trách nhiệm, hay cách yêu thương những người bên cạnh trước sau đó mới dạy cách tiếp cận kiến thức. Và một khi dạy, là dạy hết mình, đến khi nào các em hiểu hết bài mới thôi. Chính vì vậy, trong đợt giãn cách xã hội do dịch COVID-19 tháng 4 vừa qua, với mong muốn học trò vẫn tiếp tục được học dù không đến trường, thầy giáo Tùng đã mở nhiều lớp học online phù hợp với từng đối tượng học sinh. Dù không thông báo rộng rãi nhưng các em tham gia học rất đông, rất nhiệt tình. Điều bất ngờ là rất nhiều học sinh ý thức học tập trên lớp không tốt nhưng cũng xin được học và thường xuyên trao đổi bài.
Là một giáo viên trẻ, Hồ Thanh Tùng luôn đi đầu trong các hoạt động của trường, các hoạt động Đoàn hội. Ngoài ra, với đặc thù là giáo viên bộ môn Hóa học, Tùng đã không ngừng nghiên cứu sáng tạo để phục vụ tốt hơn cho việc dạy - học.
Giải pháp “Bảng tính tan thông minh dành cho học sinh Trung học Cơ sở” đoạt giải Nhì Cuộc thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh năm 2019 là thành quả sau bao ngày miệt mài nghiên cứu của thầy giáo trẻ. Công trình đã, đang được áp dụng tại Trường Trung học Cơ sở Võ Thị Sáu một cách hiệu quả, giúp học trò học Hóa một cách dễ dàng hơn.
Hiểu được vai trò của sáng tạo trong việc học của học sinh thời đại 4.0, thầy giáo Hồ Thanh Tùng luôn khuyến khích các em không ngừng tìm tòi, phát hiện, sáng tạo để phục vụ cho việc học, áp dụng dụng vào cuộc sống. Vì vậy, học sinh trong trường có ý tưởng thường được thầy Tùng hết lòng hỗ trợ thực hiện.
Em Phạm Đăng Vũ học sinh lớp 9/6, Trường Trung học Cơ sở Võ Thị Sáu, đoạt giải Nhất Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tính năm 2020 cho biết: Trong quá trình thực hiện đề tài “Máy rửa tay sát khuẩn tự động bằng năng lượng mặt trời” em đã được thầy Tùng định hướng, giúp đỡ rất nhiều. Thầy đã cùng em nhiều lần thực nghiệm máy, hướng dẫn cách thuyết trình sao cho mạch lạc, tự tin nhất.
Sau 7 năm đứng trên bục giảng, cống hiến sức trẻ, tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục, thầy Hồ Thanh Tùng đã được Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng khen, Chiến sĩ thi đua cơ sở năm học 2016 -2019; Giám đốc Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ tặng Giấy khen hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2018-2019; Giải Nhì Cuộc thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật tỉnh Bạc Liêu năm 2019... Với thầy Hồ Thanh Tùng, phần thưởng lớn nhất của người giáo viên vẫn là sự thành công của học trò, là tình cảm yêu thương của học trò./.
Nhật Bình - Thu Phương