Thắt chặt khối đại đoàn kết toàn dân tộc Tây Nguyên

Vụ án khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân xảy ra ngày 11/6/2023 trên địa bàn huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) được đưa ra xét xử công khai, nhận sự quan tâm rất lớn từ dư luận. Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã tuyên án đối với 100 bị cáo. Người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên đồng tình với phán quyết của tòa. Quân và dân 49 dân tộc anh em trên quê hương Đắk Lắk ra sức đồng lòng, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.

daklak4.jpg
Quang cảnh phiên tòa. Ảnh: TTXVN

Người dân đồng tình

Tại phiên tòa, sau khi xem xét khách quan, toàn diện vụ án, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, thực hiện chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước, khoan hồng của pháp luật, Hội đồng xét xử tuyên phạt 10 án tù chung thân về tội “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”, trong đó có 5 bị cáo thuộc nhóm cầm đầu. Năm bị cáo bị kết án 20 năm tù giam cùng về tội “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”. Các bị cáo còn lại nhận mức án từ 9 tháng tù giam đến 19 năm tù giam.

daklak1.jpg
Bị cáo Y Jŭ Niê lĩnh án chung thân. Ảnh: TTXVN

Sự việc xảy ra, đồng bào rất đau lòng, những ngày này, già làng Y Châu Niê (tên thường gọi Aê H Nuai), tại buôn Ea Ktur, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin thường xuyên trao đổi với bà con trong buôn về sự việc. Già làng cho biết, các đối tượng đã thừa nhận tội lỗi do mình gây ra. Nhà nước xem xét và có chính sách khoan hồng, giảm nhẹ phần nào hình phạt. Sau này, khi các đối tượng mãn hạn tù trở về, buôn làng sẽ đón nhận và hỗ trợ để họ thay đổi bản thân, làm lại cuộc đời.

Cùng chung quan điểm, ông Y Lina, Tổ trưởng Tổ dân phố Ea Nur, thị trấn Pơng Drang, huyện Krông Búk cho rằng, đó là chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước. Ông mong các đối tượng chấp hành nghiêm án phạt tù, cải tạo tốt để về với vợ con, gia đình, buôn làng.

Chi hội Tin lành buôn Kniết, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin có 1.050 tín đồ. Theo Mục sư Y Djan Êban, Quản nhiệm Chi hội Tin lành buôn Kniết, bản án do Hội đồng xét xử tuyên phạt là chính đáng theo đúng pháp luật của Nhà nước. Người dân đều nhận thấy mức án thể hiện sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước.

Vụ án đã khép lại giai đoạn sơ thẩm, những mức án đã tuyên phạt đối với từng bị cáo cho thấy, việc điều tra, truy tố và xét xử công khai thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật. Pháp luật Việt Nam nghiêm trị với những người gây tội ác, nhưng cũng luôn tạo điều kiện, khoan hồng cho người biết nhận ra lỗi lầm, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Bản án cũng có tác dụng ngăn ngừa, răn đe, giáo dục, đồng thời, thể hiện tính nhân văn, nhân đạo và chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước ta.

Thắt chặt khối đại đoàn kết

Tỉnh Đắk Lắk có 49 dân tộc anh em với trên 1,9 triệu người, trong đó 35,7% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đời sống người dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số tại Đắk Lắk nói riêng ngày càng cải thiện. Quân và dân các dân tộc trên quê hương Đắk Lắk luôn phát huy tinh thần đại đoàn kết, ra sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

daklak5.jpg
Đoàn công tác của Trung ương tặng quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn của huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Buôn Jung A, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin những ngày đầu năm mới 2024, bà con vui tươi, phấn khởi. Theo Bí thư Chi bộ buôn Jung A Y Dương Adrơng, nhờ các chính sách của Đảng, Nhà nước, đời sống bà con tại buôn ổn định, ngày càng cải thiện.

Buôn Jung A có 249 hộ, hiện nay, người dân yên tâm phát triển kinh tế, tăng nguồn thu trong trồng trọt, chăn nuôi, đặc biệt, giá mặt hàng hồ tiêu, cà phê, sầu riêng tăng cao khiến bà con rất phấn khởi… Đến nay, số hộ nghèo tại buôn còn 27 hộ (giảm 17 hộ so với năm 2022).

Sau sự việc ngày 11/6, một số đối tượng đã bị cơ quan chức năng bắt giữ, xử lý. Mức án của các đối tượng có sự khoan hồng của pháp luật. Bà con đều nhận thấy chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước. Vợ, con, thân nhân các đối tượng, địa phương quan tâm, hỗ trợ đưa vào diện hộ cận nghèo, giảm một phần học phí… để yên tâm lao động, sản xuất, ông Y Dương Adrơng thông tin.

Già làng Y Châu Niê cho biết, thời gian tới, mỗi buôn, làng tăng cường tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước đến bà con; đồng thời, khuyến khích người dân chăm lo làm ăn, không nghe, không tin lời xúi giục của kẻ xấu.

Mục sư Y Djan Êban, Quản nhiệm Chi hội Tin lành buôn Kniết cho biết, Chi hội tăng cường tuyên truyền, vận động đồng bào ở đây không nghe, không tin kẻ xấu xúi giục. Đồng bào chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế.

Theo Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Đắk Lắk Y Lê Pas Tơr, năm 2024, Tỉnh Đoàn tiếp tục thực hiện chủ trương “1+2” của Trung ương Đoàn về đi cơ sở. Mỗi cán bộ đoàn chuyên trách, Ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ phải tăng cường đi cơ sở tham gia sinh hoạt Chi đoàn. Qua đó, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, thanh niên. Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn tập hợp tổ chức tốt các hoạt động, giáo dục, định hướng để đoàn viên, thanh niên cùng nhau đóng góp xây dựng Đắk Lắk ngày càng giàu đẹp, văn minh, bản sắc.

Trưởng Ban Dân vận huyện Cư Kuin Hoàng Minh Hải cho biết, thời gian tới, huyện đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngay từ đầu năm, huyện tăng cường tuyên truyền bà con chủ trương, chính sách của Đảng, đặc biệt, không tin, không nghe theo các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Huyện vận động bà con thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo, cụ thể là thực hiện Đề án 07 ngày 25/3/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, phát triển kinh tế nhằm nâng cao đời sống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc giai đoạn 2022-2026”. Địa phương phát huy vai trò người có uy tín, là cầu nối giữa đồng bào với cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, tổ chức đoàn thể trong nắm bắt tình hình nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết trên địa bàn.

Quan điểm của Huyện ủy là nắm bắt những thông tin, nguyện vọng chính đáng của bà con để giải quyết kịp thời vướng mắc ngay từ cơ sở, nhất là trong cải cách thủ tục hành chính, thủ tục đất đai, chính sách thụ hưởng… Cùng với đó, huyện tăng cường thực hiện công tác kết nghĩa giữa các buôn với tổ chức chính trị, đoàn thể. Qua đó, vận động bà con xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo… để cùng cộng đồng trên địa bàn huyện thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, ông Hoàng Minh Hải chia sẻ.

Đắk Lắk với 49 dân tộc anh em cùng chung sống. Nhờ sự đoàn kết, đồng lòng của toàn dân, địa phương ngày càng khởi sắc. Năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được những kết quả tích cực, có 12/16 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra.

daklak6.jpg
Cuộc sống người dân huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk đã bình yên trở lại. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Hộ nghèo giảm 1,75% (từ 10,94% xuống còn 9,19%), trong đó, hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm 3,5%. Cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch đúng định hướng, tốc độ tăng trưởng 4,39%. Thu ngân sách 7.866,7 tỷ đồng, đạt 106% dự toán Trung ương giao; tổng kim ngạch xuất khẩu 1.600 triệu USD (tăng 0,86% so với năm 2022)… Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng khá, đặc biệt trong năm 2023 với giá cà phê và sầu riêng tăng cao đem lại kết quả tích cực, làm tăng thu nhập cho người dân, doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp của tỉnh.

Mới đây, Đắk Lắk công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch xác định mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân đạt mức trung bình khá của cả nước, trên cơ sở phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; bản sắc văn hóa các dân tộc. Đắk Lắk trở thành điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Buôn Ma Thuột là một cực phát triển của vùng Tây Nguyên, hội nhập và liên kết theo hướng mở với khu vực và quốc tế…

Trước thềm Xuân Giáp Thìn năm 2024, tỉnh Đắk Lắk đang ra sức thi đua, đón chào một mùa Xuân mới với bao niềm tin, khát vọng xây dựng quê hương thêm giàu đẹp.

Dịp Tết năm nay, các đoàn công tác của Trung ương, địa phương đến thăm hỏi, trao tặng nhiều phần quà cho gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa... Điều này tiếp thêm niềm tin, nghị lực giúp người dân yên tâm, ổn định cuộc sống. Qua đó, càng thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết giữa các dân tộc và trực diện phản bác lại những luận điệu tuyên truyền chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch.

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm