Cửa xả công trình thủy lợi Ia Mơr. Ảnh: Hoài Nam – TTXVN. |
Trước thực trạng trên, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đang tích cực vào cuộc cùng với tỉnh Gia Lai tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn để dự án sớm phát huy hiệu quả.
Cụ thể, tại buổi làm việc với tỉnh Gia Lai ngày 16/9, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan và tỉnh Gia Lai rà soát lại cụ thể và báo cáo chi tiết việc này với Thủ tướng và Thường trực Chính phủ để có quyết sách giải quyết sớm tình trạng này.
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, ngày 21/9, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cùng đoàn công tác đã trực tiếp vào Gia Lai khảo sát thực địa tìm phương án tháo gỡ vướng mắc việc chuyển đổi đất rừng sang đất sản xuất.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, việc chuyển đổi đất rừng sang đất sản xuất đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch ngay từ khi lập dự án. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có sự thay đổi về chủ trương, chính sách và định hướng nên hiện nay các bộ, ngành liên quan vẫn đang tiếp tục hoàn thiện các thủ tục để chuyển đổi những diện tích này thành khu sản xuất theo quy hoạch ban đầu.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, trước mắt, một số công việc cần làm ngay là tỉnh Gia Lai cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải khảo sát lại hiện trạng đất hiện tại. Thời điểm năm 2010 và trước đó hiện trạng khu đất này là rừng nghèo kiệt, chủ yếu là rừng khộp, không có giá trị kinh tế nên khu đất được đồng ý cho chuyển đổi. Nhưng đã qua hơn chục năm nên hiện trạng đất có thể có thay đổi. Sau khi điều tra lại, tỉnh sẽ trình một dự án tổng thể; trong đó, chỉ rõ chuyển đổi như thế nào, chuyển đổi để làm gì, thậm chí phải có bản đồ quy hoạch sử dụng đất cụ thể. Khi đó, căn cứ vào đề án cụ thể, chúng tôi và các bộ, ngành liên quan sẽ trình Chính phủ xem xét quyết định.
Ia Mơr là xã biên giới vùng sâu, vùng xa của huyện Chưprông, đồng bào dân tộc thiểu số Jrai chiếm đa số gần 66%. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân còn nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp 1 vụ, phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời. Do đó, công trình thủy lợi Ia Mơr hoàn thành sẽ là động lực để người dân chuyển đổi phương thức sản xuất, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo.
Anh Rơlan Lành chia sẻ, gia đình anh có 5 sào ruộng và 2 ha đất rẫy, mỗi năm chỉ canh tác được 1 vụ và hoàn toàn trông chờ vào nước mưa nên cho hiệu quả kinh tế thấp. Được Đảng và Nhà nước quan tâm xây dựng thủy lợi Ia Mơ để phục vụ phát triển kinh tế trên địa bàn, anh và người dân ở đây rất phấn khởi.
“Mong rằng thủy lợi sớm được đưa vào sử dụng để bà con chúng tôi có thể sản xuất 1 năm 2 vụ, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống”, anh Rơlan Lành nói.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp kiểm tra thực tế tại công trình thủy lợi Ia Mơr. Ảnh: Hoài Nam – TTXVN. |
Ông Phạm Vũ Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông cho biết, hiện công trình đầu mối đã hoàn thành, hệ thống kênh chính cũng sắp hoàn thiện, chỉ còn vướng khâu xây dựng vùng tưới. Về phía địa phương đã có văn bản kiến nghị, đề xuất với tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm cho triển khai chuyển đổi 8.500 ha đất rừng nghèo sang đất sản xuất.
Ngoài ra, địa phương sẽ thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định, kể cả việc trồng rừng thay thế để công trình phát huy hiệu quả, mở ra vùng chuyên canh tập trung ứng dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật nâng cao giá trị kinh tế.
Dự án Hồ Công trình thủy lợi Ia Mơr được đầu tư xây dựng nhằm phục vụ 3 mục tiêu chủ yếu gồm: an ninh quốc phòng trên vùng biên giới; di dân, tái định cư và tưới tiêu cho khoảng 14.000 ha đất nông nghiệp. Đến thời điểm này, toàn bộ công trình đầu mối đã xong, hồ đã tích đủ lượng nước theo thiết kế, khoảng 180 triệu m3.
Dự án phân thành 2 giai đoạn. Theo đó, giai đoạn 1 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng Hợp phần công trình Hồ chứa nước Plei Pai và Đập dâng Ia Lốp tưới cho gần 2.000 ha đất nông nghiệp; Cụm công trình đầu mối Hồ chứa nước Ia Mơr chuẩn bị được bàn giao đưa vào sử dụng. Giai đoạn 2 sẽ hoàn thiện hệ thống kênh chính Đông, kênh chính Tây và dự kiến hoàn thành trong năm 2020.
Nguyễn Hoài Nam