Đánh giá về kết quả phát triển kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2015, ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Kinh tế thành phố phát triển tích cực, đạt mức tăng trưởng khá cao, duy trì mức tăng gấp 1,5 lần cả nước. Chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh từng bước được cải thiện. Cơ cấu chuyển dịch đúng hướng, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, góp phần cùng cả nước phục hồi tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.
Tối ngày 31/12/2015, hàng triệu người dân TP. Hồ Chí Minh, du khách quốc tế náo nức tập trung về khu vực trung tâm và các khu vui chơi, giải trí để chào đón năm mới 2016. Ảnh: TTXVN |
Những thành tựu của kinh tế thành phố được chứng minh với những con số vô cùng ấn tượng, sinh động. Đó là, tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên địa bàn thành phố cả năm 2015 đạt 957.358 tỷ đồng, tăng 9,85% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng của 4 năm liên tiếp gần đây (năm 2012 tăng 9,2%; năm 2013 tăng 9,3%; năm 2014 tăng 9,6%), tăng gần 1,5 lần so với cả nước (GDP cả nước ước đạt 6,68%). GDP bình quân đầu người ước đạt 5.538 USD. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 678.085 tỷ đồng, tăng 10,5% so với năm 2014.
Cùng với đó, nhiều điểm sáng trong lĩnh vực kinh tế của thành phố không thể không nhắc đến trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn. Tính đến ngày 30/12, tổng thu ngân sách Nhà nước thực hiện 279.158 tỷ đồng, đạt 105,04% dự toán, tăng 10,7%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 64,34 tỷ USD. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục có chuyển biến tích cực với tổng số vốn đăng ký mới và điều chỉnh đạt 4,6 tỷ USD. Chỉ số phát triển công nghiệp tăng 7,9% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 6,98%). UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhận định: Quy mô sản xuất công nghiệp thành phố tiếp tục mở rộng, cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp tiếp tục có bước chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm dần tỷ trọng của ngành công nghiệp thâm dụng lao động, các ngành gây ô nhiễm môi trường. Cùng kết quả trên, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thành phố phát huy hiệu quả, góp phần tăng thu nội địa ngân sách nhà nước, tăng nguồn chi đầu tư phát triển từ nguồn vốn ngân sách.
Thị trường tiền tệ cơ bản vẫn ổn định và tiếp tục tác động tích cực đến kinh tế vĩ mô và hoạt động ngân hàng trên địa bàn. Môi trường đầu tư, kinh doanh từng bước được cải thiện; các hoạt động quảng bá xúc tiến thương mại, du lịch được đẩy mạnh, góp phần giúp công tác thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài có nhiều chuyển biến tích cực.
Công tác quản lý quy hoạch, quản lý đô thị được tăng cường, đạt hiệu quả thiết thực, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội được quan tâm đầu tư; hoàn thành và đưa vào sử dụng 117 dự án, nhiều công trình quy mô lớn như Nâng cấp, cải tạo kênh Tân Hóa – Lò Gốm, tuyến đường Phạm Văn Đồng, Trần Văn Giàu, Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ... góp phần mở rộng không gian phát triển đô thị, tạo nên diện mạo mới cho thành phố.
* Nhiều chương trình an sinh xã hội hiệu quả
Song song với phát triển kinh tế, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã tập trung, huy động mọi nguồn lực để triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều chương trình an sinh xã hội, nâng cao đời sống các tầng lớp nhân dân.
Theo UBND thành phố Thành phố Hồ Chí Minh, đến nay thành phố đã cơ bản hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Có 3 huyện là Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn được công nhận là huyện nông thôn mới, 2 huyện còn lại đã trình Hội đồng thẩm định Trung ương xem xét, thẩm định. Thành phố được Chính phủ đánh giá là địa phương đi đầu trong việc xây dựng nông thôn mới của cả nước. Ông Tất Thành Cang, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá: Chương trình đã tạo được sự đồng thuận, ủng hộ và phát huy sức dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Cơ sở hạ tầng phát triển đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh, góp phần thu hút đầu tư trong cộng đồng. Trong quá trình thực hiện đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả, phù hợp với nền nông nghiệp đô thị, có thể nhân rộng như hoa lan, cây kiểng, cá cảnh…; khôi phục và phát triển ngành nghề nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập, bình quân hiện đạt 40,044 triệu đồng/người/năm, gấp 2,33 lần trước khi triển khai chương trình. Đời sống vật chất, tinh thần tại khu vực nông thôn được rút ngắn so với nội thành, nhân dân ngày càng được hưởng thụ nhiều hơn về đời sống văn hóa, môi trường xanh, sạch.
Một thành tích ấn tượng của Thành phố Hồ Chí Minh trong năm qua là hoàn thành Chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá giai đoạn 2014-2015 trước 1 năm. Đến cuối năm 2015, tổng số hộ nghèo có thu nhập từ 16 triệu đồng/người/năm trở xuống còn lại 9.905 hộ, chiếm tỷ lệ 0,5% hộ dân thành phố (đầu năm 2015, số hộ nghèo là 28.381 hộ, chiếm tỷ lệ 1,45%); tổng số hộ cận nghèo có thu nhập trên 16-21 triệu đồng/người/năm trở xuống là 35.117 hộ, chiếm tỷ lệ 1,79% (đầu năm 2015, số hộ cận nghèo là 56.675 hộ, chiếm tỷ lệ 2,89%).
Trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, Thành phố cũng đã tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước;125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Từ 0h đến 0h 15 phút ngày 1/1/2016, TP. Hồ Chí Minh tổ chức bắn pháo hoa tầm cao tại khu vực đầu đường hầm sông Sài Gòn (phường Thủ Thiêm, quận 2) và bắn pháo hoa tầm thấp tại Công viên Văn hóa Đầm Sen (quận 11) chào đón năm mới 2016. Ảnh: TTXVN |
Chia sẻ về những nỗ lực của thành phố trong năm qua, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Trên cơ sở xác định năm 2015 là năm có ý nghĩa quan trọng, năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội 5 năm 2011-2015, năm có nhiều sự kiện trọng đại, Thành phố đã tập trung chỉ đạo với quyết tâm chính trị cao nhất, phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, vừa tổ chức thành công, chu đáo Đại hội Đảng và các ngày lễ lớn, vừa hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế văn hóa – xã hội năm 2015. Những thành tựu đạt được trong năm 2015 góp phần quan trọng hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế-văn hóa- xã hội 5 năm 2011-2015, tạo tiền đề, thế và lực mới cho thành phố phát triển trong giai đoạn tiếp theo.
* Nâng cao chất lượng tăng trưởng
Bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được, lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế, yếu kém. Theo ông Nguyễn Thành Phong đó là năng lực cạnh tranh của kinh tế còn hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng, tiềm lực để phát triển. Công tác quản lý và phát triển đô thị còn nhiều bất cập. Tình trạng ngập nước, ùn tắc giao thông vẫn còn tiếp diễn. Chất lượng đào tạo nghề chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Một số vấn đề bức xúc trong lĩnh vực đô thị, văn hóa, giáo dục, y tế, việc làm, vệ sinh an toàn thực phẩm...chậm được khắc phục.
Từ thực tế trên, Thành phố Hồ Chí Minh xác định trong năm 2016 sẽ tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng cao hơn năm 2015 gắn với việc nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố đi vào chiều sâu, chất lượng và hiệu quả. Thành phố thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ; khẩn trương triển khai thực hiện các chương trình đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X, phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng gắn với chỉnh trang đô thị, cung cấp nước sạch, giảm ùn tắc giao thông, giảm ngập nước, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Bước vào năm 2016, Thành phố Hồ Chí Minh đã xác định 12 chỉ tiêu gồm tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GRDP) đạt 8%; tỷ trọng đóng góp của các yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào GRDP đạt từ 35% trở lên; phấn đấu tỷ lệ hộ dân được cấp nước sạch đạt 100%; tổng diện tích nhà ở xây dựng mới năm 2016 đạt 8 triệu m2, diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 17,85m2…
Để đạt được những mục tiêu trên nhiều giải pháp cụ thể cũng đã được UBND thành phố đề ra. Đó là tập trung nâng cao chất lượng hoạt động để nâng tỷ trọng các ngành có hàm lượng tri thức, giá trị gia tăng cao trong ngành dịch vụ. Phát huy lợi thế của thành phố, phát triển nhanh, hiệu quả một số ngành dịch vụ có lợi thế, có giá trị gia tăng cao như du lịch, viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và các dịch vụ khác hỗ trợ kinh doanh. Trong lĩnh vực xuất khẩu, chuyển dịch cơ cấu theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao; tăng sản phẩm chế biến và chế tạo, sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, giảm dần tỷ trọng hàng thô và sơ chế. Thành phố tiếp tục phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng khoa học - công nghệ và giá trị gia tăng cao (cơ khí chế tạo, điện tử - công nghệ thông tin, hóa dược - cao su, chế biến tinh lương thực, thực phẩm) và thúc đẩy các ngành công nghiệp hỗ trợ, tập trung xây dựng các khu, cụm công nghiệp hỗ trợ; tận dụng nguồn lực, công nghệ, vật tư, thiết bị máy móc sản xuất trong nước đạt tiêu chuẩn, giảm nhập siêu, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thành phố chủ động, tích cực, khẩn trương tuyên truyền sâu rộng và triển khai các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng ASEAN, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, các hiệp định tự do thương mại song phương, đa phương…Cụ thể, điều chỉnh, bổ sung các quy định, cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của Tthành phố để phù hợp với các cam kết của Việt Nam với các nước; ban hành các chính sách mới nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường; đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp...
Chào đón năm mới 2016, một số tuyến đường lớn của TP Hồ Chí Minh đã được trang trí đèn led nghệ thuật với những biểu tượng hoa rực rỡ, lung linh nhiều màu sắc thu hút đông đảo người dân thành phố đến tham quan, thưởng lãm. |
Quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ trong năm 2016 và những năm tiếp theo, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: Từng đơn vị, từng ngành, địa phương phải xác định trách nhiệm của người điều phối để tránh chồng chéo, bám chắc cơ sở, nhanh nhạy đối với những vấn đề phát sinh và có hướng xử lý kịp thời, nâng cao tính chuyên nghiệp trong xử lý, điều hành. Lãnh đạo các sở ngành, quận huyện nâng cao trách nhiệm cá nhân; xây dựng tinh thần lao động sáng tạo, chủ động bằng những giải pháp cụ thể. Trước mắt cần sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội phục vụ chu đáo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là các gia đình chính sách, hộ nghèo, công nhân, người lao động, sinh viên trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 với phương châm “Đoàn kết, an toàn, vui tươi và tiết kiệm”. Sau đó là phối hợp chuẩn bị chu đáo và tổ chức thắng lợi bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND, UBND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đúng yêu cầu.
Với những giải pháp quyết liệt và cụ thể, Thành phố Hồ Chí Minh tự tin hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra trong năm 2016, bước đầu thực hiện có thành công mục tiêu “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; có vai trò động lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á”, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng sắp tới./.