Các đoàn viên, thanh niên thường xuyên trao đổi, học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, phát triển cây trồng cho năng suất cao. Ảnh: Diệp Anh - TTXVN |
Câu lạc bộ trồng cây sa nhân gồm 8 thanh niên người Mông ở bản Phiêng Ban, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai là một trong những mô hình kinh tế tập thể điển hình tại Sơn La. Cây sa nhân mang lại thu nhập cho các thành viên của câu lạc bộ từ 500 - 700 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 10 lao động địa phương với mức thu nhập khoảng 4 triệu đồng/người/tháng. Theo anh Sùng A Thu - Chủ nhiệm Câu lạc bộ, cuộc sống của người Mông tại bản Phiêng Ban trước đây rất khó khăn, chỉ trông chờ vào trồng lúa giống bản địa, năng suất thấp. Năm 2013, sau khi đi tham quan, học tập các mô hình kinh tế ở tỉnh Điện Biên, trong đó có trồng sa nhân, anh nhận thấy thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương rất hợp với loại cây trồng này. Anh và thanh niên bản Phiêng Ban đã mạnh dạn trồng thử nghiệm 2ha với khoảng 30.000 gốc sa nhân. Sau một thời gian, nhận thấy cây sa nhân phát triển tốt, nhiều thanh niên đã đăng ký cùng tham gia trồng sa nhân, nâng diện tích trồng lên 8ha. Cây sa nhân được dùng như một vị thuốc trong đông y, mọc trong tự nhiên dưới tán cây rừng. Nắm được đặc điểm này, anh Thu cùng các thành viên lặn lội vào từng, chọn từng sườn đồi, núi để khoanh vùng trồng sa nhân, giúp nâng cao giá trị kinh tế của giống cây này.
Hợp tác xã Mé Ban tại bản Mé, xã Bon Phặng (huyện Thuận Châu) được thành lập tháng 4/2017 với vốn điều lệ là 600 triệu đồng, gồm các thành viên đều là thanh niên dân tộc Thái. Ảnh: Diệp Anh - TTXVN
|
Năm 2014, Câu lạc bộ trồng cây sa nhân ra đời với mong muốn tập hợp thanh niên cùng nhau làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho người dân địa phương. Ông Vừ Nhìa Súa - Bí thư Chi bộ bản Phiêng Ban cho biết, từ thành công trong việc trồng cây sa nhân, các thành viên câu lạc bộ chuyển giao, nhân rộng mô hình này trong toàn bản Phiêng Ban với 41 hộ và 33 ha cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bằng cây sa nhân với thu nhập trung bình khoảng 100 triệu đồng/hộ/năm. Trồng cây sa nhân hiện là mô hình điểm của bản Phiêng Ban, góp phần phát triển nhóm chỉ tiêu kinh tế và tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới bền vững tại xã Mường Giàng. Phát huy tinh thần xung kích xây dựng nông thôn mới, thanh niên các dân tộc tỉnh Sơn La xây dựng, phát triển nhiều kiểu mô hình kinh tế tập thể như tổ hợp tác, hợp tác xã. Nổi bật là Hợp tác xã Mé Ban tại bản Mé, xã Bon Phặng (huyện Thuận Châu) được thành lập tháng 4/2017, gồm 18 thành viên đều là thanh niên dân tộc Thái. Anh Lò Văn Panh - Giám đốc Hợp tác xã Mé Ban chia sẻ, Bon Phặng là xã nằm dọc Quốc lộ 6, diện tích đất canh tác ít trong khi người dân chỉ biết trông chờ vào một vụ trồng lúa, trồng ngô mỗi năm. Không đủ cơm ăn áo mặc, đa phần thanh niên phải xa quê tìm việc làm. Với tinh thần dám nghĩ dám làm, tháng 9/2016, anh Panh cùng 17 thanh niên bản Mé đã thành lập câu lạc bộ làm kinh tế giỏi với mô hình khởi điểm là nuôi lợn thương phẩm. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng giá lợn năm 2017 đã khiến cho các thành viên gần như phá sản. Không vì khó mà khuất phục, các thành viên câu lạc bộ đã nhanh chóng tìm tòi, chuyển hướng chăn nuôi sang trồng trọt, áp dụng mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc. Cùng với đó, thống nhất chuyển đổi mô hình câu lạc bộ sang hợp tác xã. Hiện Hợp tác xã Mé Ban hoạt động với số vốn điều lệ 600 triệu đồng, tập trung phát triển cây ăn quả và dịch vụ tổng hợp với khoảng 20ha trồng xoài, bơ, chanh leo xen cây cà phê; duy trì kho hàng cung ứng giống, vật tư nông nghiệp với tổng diện tích hơn 100m2. Năm 2017, doanh thu của hợp tác xã gần 700 triệu đồng, giúp 100% thành viên thoát nghèo. Anh Lường Văn Đoàn (dân tộc Thái) tham gia hợp tác xã năm 18 tuổi và cũng là thành viên ít tuổi nhất bộc bạch: Thời điểm tham gia hợp tác xã anh không may bị tai nạn gây thương tật vĩnh viễn ở chân, khó khăn chồng chất khó khăn bởi anh là lao động chính trong nhà. Biết được hoàn cảnh của anh, hợp tác xã đã hỗ trợ cho vay vốn, giống, vật tư nông nghiệp; đồng thời cử thành viên đến tận vườn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phát triển cây trồng, cũng như bao tiêu đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp của gia đình anh. Nhờ đó, gia đình anh đã vươn lên làm giàu với thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm từ vườn cà phê, mận hậu.
Câu lạc bộ trồng cây sa nhân gồm các thanh niên dân tộc Mông ở bản Phiêng Ban, xã Mường Giàng (huyện Quỳnh Nhai) mang lại thu nhập 500 - 700 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 10 lao động tại địa phương. Ảnh: Diệp Anh - TTXVN |
Anh Lò Văn Sông - Bí thư Đoàn xã Bon Phặng đánh giá, với mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc cho hiệu quả kinh tế cao, Hợp tác xã Mé Ban đã và đang tạo ra hướng đi mới trong việc phát triển kinh tế nông thôn, giải quyết vấn đề lao động việc làm tại địa phương. Đặc biệt, Hợp tác xã Mé Ban đã chủ động thực hiện sáng kiến góp vốn xoay vòng cho thanh niên để làm kinh tế, nhất là thanh niên thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Từ đó khuyến khích, động viên thanh niên cũng như người dân trên địa bàn xã chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm tỉ lệ hộ nghèo và tình trạng thất nghiệp, sớm đưa Bon Phặng trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới. Anh Vàng A Lả - Bí thư Tỉnh đoàn Sơn La khẳng định, tuổi trẻ Sơn La, tiêu biểu là thanh niên các dân tộc thiểu số đã chủ động tìm tòi, áp dụng thành công nhiều mô hình kinh tế tập thể. Câu lạc bộ trồng cây sa nhân của thanh niên dân tộc Mông và Hợp tác xã Mé Ban của thanh niên dân tộc Thái đã được Tỉnh đoàn Sơn La tuyên dương là mô hình kinh tế thanh niên giỏi giai đoạn 2012 – 2017. Những mô hình này không chỉ giúp các đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế gia đình mà còn góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, giúp hoàn thiện nhóm chỉ tiêu kinh tế và tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới tại nhiều xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Hưởng ứng phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, Tỉnh đoàn Sơn La sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình đồng hành cùng đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế nông thôn. Theo đó, chú trọng hướng dẫn, tập huấn thanh niên xây dựng nhiều mô hình kinh tế tập thể thông qua các hình thức như câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã. Cùng với đó, tư vấn, hỗ trợ thanh niên tiếp cận các nguồn vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội, vốn vay 120 Trung ương Đoàn.
Diệp Anh